.
SẮC VÓC CÙ LAO TRÊN SÔNG TIỀN

BÀI 3: Ngũ Hiệp thay "áo mới"

Cập nhật: 10:04, 12/08/2022 (GMT+7)

BÀI 1: Tân Long rồi sẽ "hóa Rồng"

BÀI 2: Giữ gìn và phát huy thương hiệu Thới Sơn

Những ký ức buồn về một giai đoạn lịch sử của cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) giờ đây đã là chuyện của quá khứ. Cù lao này hiện đã bước sang một trang mới khi khát vọng nối đôi bờ sông Năm Thôn của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực.

Cù lao Ngũ Hiệp là nơi 3 con sông lớn hội tụ gồm sông Tiền, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Dòng nước cuồn cuộn chảy, đỏ ngầu phù sa nên cây cối quanh năm tươi tốt, xóm làng trù phú. Đặc biệt, nơi đây rất nổi tiếng với thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp thơm ngon - niềm tự hào của người dân xứ cù lao.

“VƯƠNG QUỐC” SẦU RIÊNG

Cây sầu riêng xuất hiện lần đầu tiên tại Ngũ Hiệp từ những năm 1970. Ông Hai Tôn đã mang giống sầu riêng khổ qua từ Tam Bình về cù lao để trồng. Sau thời gian, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ giống cây trồng đặc biệt này, nhiều nhà vườn trong vùng đã học hỏi và nhân rộng diện tích trồng sầu riêng.

Cầu Ngũ Hiệp nối đôi bờ  sông Năm Thôn.
Cầu Ngũ Hiệp nối đôi bờ sông Năm Thôn.

Từ đó, loại cây này đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Ngũ Hiệp. Hiện nay, ngoài những giống sầu riêng truyền thống đã dần lùi vào quá khứ, người dân Ngũ Hiệp trồng nhiều giống mới cho năng suất và chất lượng cao như: Ri 6, Mong Thong…

Trở lại Ngũ Hiệp vào những ngày cuối tháng 7, trước mắt chúng tôi là một màu xanh của những vườn sầu riêng bạt ngàn. Chúng tôi vẫn nhớ như in những ngày nắng như “đổ lửa” của tháng 4-2020, nhiều vườn sầu riêng nơi đây gần như xơ xác lá vì thiếu nước tưới do hạn, mặn gay gắt. Người dân phải nhọc nhằn chở từng can nước ngọt để cứu sầu riêng. Nhưng rồi, nhiều ha sầu riêng vẫn chết trong sự tiếc nuối của nhà vườn. Hạn, mặn trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân Ngũ Hiệp.

Ngũ Hiệp là một trong những cù lao lớn nằm ở hạ lưu sông Tiền. Ban đầu, cù lao có tên là Trà Tân, cũng có lúc gọi là cù lao Kiến Lợi, rồi đổi thành Năm Thôn vì nơi này có 5 thôn ấp. Về sau, nơi đây được đổi thành Ngũ Hiệp, với ý nghĩa 5 thôn xóm cùng sinh sống hòa hợp, vui vẻ trên một mảnh đất. Xưa kia, cù lao Năm Thôn nổi tiếng là nơi có nhiều vườn cây ăn trái sum sê. Đây cũng là nơi từng bị quân Xiêm tàn phá, cướp bóc khi chúng sang xâm lược nước ta vào năm 1785.

Năm 1862, Thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn nhường cho chúng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Nhân dân trên cù lao không chịu sống dưới quyền cai quản của ngoại xâm nên đã bỏ quê hương sang vùng đất khác sinh sống. Việc di dân này gọi là phong trào tỵ địa.

Từ 5 làng trù phú, đến năm 1864, trên cù lao chỉ còn 6 gia đình sinh sống và canh tác 36 ha. Bấy giờ, trong hàng ngũ sĩ quan thực dân Pháp có tên Taillefer lợi dụng đất vắng chủ đã chiếm 300 ha đất. Hắn tự xưng là “tiểu vương quốc”, không cho thực dân Pháp lập bộ máy chính quyền trên cù lao để hắn nắm trọn quyền. Người dân phải làm xâu, đóng thuế cho hắn.

Năm 1871, Taillefer sạt nghiệp và bán cù lao Năm Thôn lại cho Đốc phủ Trần Bá Lộc. Trần Bá Lộc nắm trọn quyền sinh sát ở cù lao Năm Thôn từ năm 1871 đến năm 1889, sau đó giao lại cho con trai là Trần Bá Thọ. Thọ chấp nhận cho thực dân Pháp lập lại một làng trên cù lao lấy tên là Ngũ Hiệp. Năm 1909, Trần Bá Thọ sạt nghiệp và tự tử. Cù lao Ngũ Hiệp được bán lại cho Đốc phủ Lê Văn Mầu. Mãi đến sau năm 1945, người dân Ngũ Hiệp mới thật sự làm chủ mảnh đất của mình.

Khi hạn, mặn đi qua, người dân nơi đây bắt tay vào phục hồi và chăm sóc vườn sầu riêng. Những diện tích sầu riêng đã chết được người dân tiếp tục trồng mới loại cây trồng này. Đến nay, diện tích sầu riêng của xã Ngũ Hiệp có khoảng 1.500 ha, tương đương với lúc chưa xảy ra hạn, mặn. Giờ đây, mầm xanh đã trở lại trên xứ cù lao, niềm vui cũng trở lại trong mùa thu hoạch sầu riêng.

Đất không phụ lòng người, cây sầu riêng cũng không phụ lòng người dân Ngũ Hiệp. Nhờ cây trồng này mà nhiều gia đình đã trở thành triệu phú, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đến nơi, đến chốn.

Ông Phan Văn Nhiệm (ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp) cho biết, gia đình ông trồng được 5 công sầu riêng Ri 6 được 20 năm tuổi. Những năm qua, cây sầu riêng mang lại kinh tế rất cao so với các loại cây ăn trái khác. Những năm trúng mùa, 5 công sầu riêng cho gia đình ông thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng, còn những năm không thuận lợi, thu nhập cũng khoảng 200 - 300 triệu đồng.

NIỀM VUI MỚI, KỲ VỌNG MỚI

Cù lao Ngũ Hiệp giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày. Đặt chân đến cù lao nhiều người đã từng đến đây không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của vùng đất này. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm đổi thay bộ mặt của xã Ngũ Hiệp.

 Lãnh đạo xã Ngũ Hiệp và nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng sầu riêng.
Lãnh đạo xã Ngũ Hiệp và nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng sầu riêng.

Những con đường nắng bụi, mưa lầy hiện đã được phủ lên mình lớp nhựa, bê tông mới thông thoáng, cảnh quan xanh, sạch. Người dân đồng lòng, chung sức cùng chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng quê hương. Từ những nỗ lực trên, Ngũ Hiệp đã về đích nông thôn mới vào năm 2016 và đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Nói về những đổi thay của cù lao Ngũ Hiệp, thì phải nhắc đến cầu Ngũ Hiệp nối vui đôi bờ sông Năm Thôn, một trong những dấu mốc quan trọng đã hiện thực hóa ước mong của người dân vùng cù lao này từ bao đời nay khi không còn phải chịu cảnh “sang sông phải lụy đò” như trước. Chưa kể, tuyến đường tỉnh 868 đoạn qua xã Ngũ Hiệp cũng được đầu tư mở rộng, tạo sự kết nối đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, trong thời gian tới, xã Ngũ Hiệp sẽ tập trung để hoàn thành các tiêu chí còn lại để phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Cả hệ thống chính trị của xã đã tập trung vào cuộc quyết liệt để triển khai các công việc. Điều này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân. Bên cạnh nguồn vốn được phân bổ, hiện xã đang vận động người dân đóng góp kinh phí để xây dựng các tuyến đường giao thông đạt chuẩn, lắp đặt đèn đường chiếu sáng để đảm bảo tiêu chí sáng, xanh, sạch, an ninh; vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế…

Điều này không chỉ giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân được thuận lợi, mà quan trọng hơn là tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Ông Lê Tấn Bồng (ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp) phấn khởi cho biết: “Từ khi có cầu Ngũ Hiệp, người dân rất phấn khởi. Đường lộ được mở rộng thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, từ đó kinh tế người dân có bước phát triển”.

Có thể nói, Ngũ Hiệp giờ đây đã sang một trang mới. Với những lợi thế và tiềm năng hiện có, những định hướng phát triển đã được lãnh đạo địa phương đề ra. Theo Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương, sản xuất cây ăn trái là thế mạnh của địa phương. Do đó, trong thời gian tới, xã sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, năng suất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Vừa qua, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam chính ngạch sang Trung Quốc đã được ký kết. Chính quyền xã đã tập trung triển khai đến người dân trên địa bàn về quy trình sản xuất sầu riêng để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu này, xã sẽ vận động người dân tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, xã sẽ tập trung xây dựng và hình thành vùng chuyên canh sầu riêng với các giống đặc trưng mang thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp, khai thác và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể sầu riêng Cai Lậy. Đặc biệt, xã sẽ tập trung vận động người dân tham gia vào HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp nhằm mục tiêu để trái sầu riêng đạt chuẩn OCOP.

Trong hành trình trở lại Ngũ Hiệp, xe của chúng tôi bon bon qua cầu Ngũ Hiệp, không chỉ nối dôi bờ sông Năm Thôn, mà quan trọng hơn hết là nối cù lao với đất liền để thực hiện khát vọng phát triển lên tầm cao mới ở vùng đất này.

Ý PHƯƠNG - HÀ NAM

(Còn tiếp)

.
.
.