.

Chùa Quan Thánh - nơi ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng

Cập nhật: 07:24, 17/09/2022 (GMT+7)

Chùa Quan Thánh (hiện tọa lạc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được xây dựng vào năm Ất Mão (1855), do ông Huỳnh Quý Toán là người có đức độ, uy tín trong làng đứng ra vận động nhân dân xây dựng (hiện còn ghi trên biển đại tự “Nhân tĩnh tự”). Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở vùng đất Cái Bè cuối thế kỷ XIX. Ngoài chức năng thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu và những vị Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, chùa còn là cơ sở cách mạng vững chắc của địa phương.

Theo Hồ sơ di tích lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang và quyển Lịch sử Đảng bộ xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè: Cuối năm 1937, Tỉnh ủy Mỹ Tho cử đồng chí Lê Thị Kim Chi (Ba Kim Chi) và đồng chí Phan Văn Ba đến huyện Cái Bè quan hệ móc nối với những người có cảm tình với cách mạng tổ chức thành lập chi bộ.

2 đồng chí đến ấp An Nhơn, xã Đông Hòa Hiệp (nay là khu 1B, thị trấn Cái Bè) tổ chức tuyên truyền, vận động cách mạng và thành lập Chi bộ xã Đông Hòa Hiệp, gồm các đồng chí: Bùi Văn Châu, Nguyễn Văn Dư (Mười Dư), Nguyễn Văn Giáp, Bùi Văn Được, Nguyễn Văn Hồ (Ba Hồ), do đồng chí Bùi Văn Châu làm Bí thư.

Đảng viên trong chi bộ và một số quần chúng cảm tình Đảng cùng dự sinh hoạt chi bộ tại chùa Quan Thánh. Để đảm bảo bí mật, các đồng chí đã chọn các ngày cúng bái để họp bàn kế hoạch hoạt động trước khi cúng; sau đó xuống địa bàn xóm, ấp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, căm thù bọn thực dân Pháp và bọn địa chủ, cường hào ác bá; đồng thời tranh thủ giác ngộ quần chúng thành lập các tổ chức hợp pháp, như Hội Ái hữu, Hội Chùa, Ban Nhạc lễ…, thu hút đông đảo nhân dân tham gia xây dựng lực lượng trong lòng dân, chờ thời cơ đứng lên khởi nghĩa.

Trong Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân thị trấn Cái Bè hưởng ứng cuộc khởi nghĩa rất mạnh mẽ, với cờ đỏ búa liềm, truyền đơn có nội dung chống thực dân Pháp xâm lược, kêu gọi nhân dân vùng lên khởi nghĩa giành độc lập...

Tháng 8-1945, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tại rạch Cầu Chùa ở ấp An Nhơn, Chi bộ xã Đông Hòa Hiệp tổ chức 2 cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa, có đông đảo thầy cô giáo, thanh niên, học sinh đến dự, nghe truyền bá tư tưởng yêu nước, tinh thần cách mạng, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến và chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Sáng 25-8-1945, lực lượng quần chúng, thanh niên tập hợp đông đảo ở sân vận động huyện với hàng ngũ chỉnh tề, nghe đồng chí Phan Văn Ba tuyên bố bầu Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện, sau đó tiếp quản Dinh quận, đại diện Ủy ban đã tuyên bố trước tên quận trưởng Lê Tấn Nẫm là bộ máy cai trị của Pháp không còn nữa, yêu cầu tên quận trưởng phải nộp sổ sách, hồ sơ, súng đạn, tiền bạc cho Ủy ban Hành chánh kháng chiến huyện và chịu sự quản thúc của cách mạng.

Sau khi giành chính quyền ở huyện Cái Bè, nhân dân vô cùng phấn khởi, lực lượng ủng hộ kháng chiến ngày càng đông. Cũng trong ngày này, tại chùa Quan Thánh đã mở cuộc họp, có đông đảo nhân dân tham dự và bầu ra Ủy ban Hành chánh kháng chiến xã Đông Hòa Hiệp.

Năm 1951, xã Đông Hòa Hiệp tách một phần gồm 5 ấp cho thị trấn Cái Bè (ấp An Ninh, An Hòa, An Nhơn, An Nghĩa và An Thái), do vậy lực lượng cách mạng được bổ sung mạnh mẽ cho thị trấn Cái Bè, đã lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng tại thị trấn đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chùa Quan Thánh được trả lại chức năng như ban đầu và là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân ở địa phương.

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chùa Quan Thánh, ngày 4-11-2013, UBND tỉnh đã công nhận ngôi chùa này là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.