.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Cập nhật: 16:51, 04/09/2022 (GMT+7)

65 năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tối 3/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập (1957 - 2022) và ngày Sân khấu Việt Nam năm 2022 (12/8 âm lịch). Lễ kỷ niệm có sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo các nghệ sĩ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, từ khi thành lập chỉ có 379 Hội viên, tới hôm nay, Hội nghệ sĩ Việt Nam đã có 2600 Hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê…

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng)
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng)

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, có thể nói, một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng những tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng, nội dung và nghệ thuật đạt chất lượng cao, tác động tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội; góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Giữa sự tác động bề bộn, ngổn ngang của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, đừng bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện kịch, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu.

Qua 65 năm phấn đấu trưởng thành, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng. Đã có 15 tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 53 tác giả được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 229 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND; 1.208 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT.

“Để có được những phần thưởng, danh hiệu vinh dự nêu trên, trước hết là sự quan tâm sâu sắc của Đảng nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu. Bên cạnh đó còn là sự tận tâm, cống hiến không mệt mỏi của các Ban Chấp Hành Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam qua chín kỳ đại hội, khát vọng sáng tạo, sống chết vì nghệ thuật của tập thể nghệ sỹ sân khấu cả nước” NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng)
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng)

Gửi lời chúc mừng đến Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định: Trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của dân tộc, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, chúng ta tự hào có một nền sân khấu Việt Nam yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân, là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ phát triển bền vững của đất nước.

65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các nghệ sĩ sân khấu đã cùng nhân dân cả nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực, quyết tâm thực hiện sứ mệnh “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Các nghệ sĩ luôn có mặt ở trận địa, các tuyến lửa biểu diễn động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái chiến đầu.

Nghệ thuật sân khấu đã đi sâu vào cuộc sống, ca ngợi những tấm gương anh hùng, thôi thúc chiến sĩ ra trận, đã chia sẻ ngọt bùi với nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, các nghệ sĩ sân khấu tiếp tục đem tâm huyết, trách nhiệm và sự sáng tạo của mình để xây dựng nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam ngày càng đa dạng và sinh động.

Tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ nhân kỷ niệm 65 thành lập Hội Sân khấu Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng)
Tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ nhân kỷ niệm 65 thành lập Hội Sân khấu Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tùng)

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: Đảng ta luôn khẳng định, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại…

Trước yêu cầu đó, văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu cần tiếp tục tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người Việt Nam hiện đại.

Để Hội thực sự là nơi quy tụ được các nghệ sĩ sân khấu trong cả nước, hỗ trợ, khích lệ sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động của Hội. Đồng thời phát huy tốt hơn vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng và nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thời đại. 

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức vinh danh đại diện các nghệ sĩ có cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, tổ chức chương trình biểu diễn Lễ hội đường phố có chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật Việt” với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa cờ, múa trống, giới thiệu với công chúng các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca kịch Huế, múa rối, xiếc, sân khấu hiện đại.

(Theo dangcongsan.vn)

 

 

 

.
.
.