Thứ Ba, 13/09/2022, 09:14 (GMT+7)
.

Tạo đột phá với công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa tạo ra sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt tại Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021) tổ chức ngày 12-9 tại Hà Nội.

a
Phố đi bộ Phùng Hưng (Hà Nội) - điểm sáng về không gian văn hóa sáng tạo

Giàu tiềm năng…

Theo đại diện Bộ VH-TT-DL, nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) thì sau 3 năm triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ngành này đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

Ngành công nghiệp văn hóa còn tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, góp phần chuyển hóa các di sản văn hóa thành nguồn sức mạnh cố kết xã hội, mở rộng mạng lưới, trao đổi thông tin và nguồn lực trong các cộng đồng.

Bên cạnh đó, di sản văn hóa hiện còn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như: du lịch văn hóa, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, trò chơi điện tử, điện ảnh..., từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện cho những ngành này trong thị trường khu vực và thế giới.

So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới, trong khi đều đặn hàng năm tăng trung bình 10%. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và biến ngành công nghiệp này thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Thị Cúc, Trường Đại học Văn hóa, ở Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển, cả về lý luận và thực tiễn phát triển. Nhận thức nói chung về giá trị, vai trò của công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ở các sản phẩm - dịch vụ công nghiệp văn hóa ra thế giới còn rất khó khăn. Nhiều ý kiến tại hội thảo thẳng thắn chỉ ra việc các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Khảo sát nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cũng chỉ ra sự xâm chiếm mạnh mẽ thị trường tiêu dùng của văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Cụ thể, điện ảnh của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,4%, tiếp đến là thưởng thức âm nhạc (56,2%)...

“Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính bền vững và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế”, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS nhận định.

Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành công nghiệp văn hóa - nghệ thuật Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt đáng kể các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề về đào tạo và quản lý nhân sự theo hướng tăng cường khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế, vi phạm bản quyền vẫn phổ biến…

Nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững, rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân. Trong khi đó, TS Lâm Tuấn Anh thuộc VICAS đề xuất, cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt từ tiền kiểm sang hậu kiểm, dựa trên quan điểm khuyến khích tối đa sự sáng tạo của các cá nhân.

Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016 quy định công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, bao gồm các lĩnh vực như: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa (cấp độ quốc gia hoặc địa phương).
 

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
Liên kết hữu ích
.