Thứ Tư, 14/09/2022, 09:49 (GMT+7)
.

Trăn trở chợ nổi Cái Bè

Hình thành từ nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ, cũng như nhiều chợ nổi khác, chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, nông sản, mà còn là nét văn hóa, chứa đựng tập quán sinh hoạt rất riêng của người dân vùng sông nước, đã tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Dù nhiều tiềm năng, nhưng chợ nổi Cái Bè ngày nay trông khá đìu hiu quạnh vắng. Làm thế nào để vực dậy chợ nổi Cái Bè, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước là điều mà nhiều người đang trăn trở.

QUA RỒI THỜI VÀNG SON

Theo các nhà nghiên cứu, chợ nổi hình thành xuất phát từ quy luật tất yếu của sự phát triển thương mại, góp phần đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ hàng hóa của cư dân trong vùng khi điều kiện giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng thời thể hiện tập quán đi lại, mua bán trên sông của cư dân vùng đất Nam bộ.

Hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt là đặc trưng thiên nhiên của ĐBSCL, trong đó có tỉnh Tiền Giang. Nhiều nơi hợp lưu của các nhánh sông đã tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy trên sông, góp phần hình thành các chợ nổi trên sông nước ĐBSCL.

So với trước đây,  chợ nổi Cái Bè hiện tại khá đìu hiu, vắng vẻ.
So với trước đây, chợ nổi Cái Bè hiện tại khá đìu hiu, vắng vẻ.

Chợ nổi Cái Bè định vị trên đoạn sông từ cầu Cái Bè đến ngã ba tiếp giáp sông Tiền, thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; xưa nay trong dân gian thường gọi là “chợ nổi Cái Bè”.

Theo nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh, chợ nổi Cái Bè được hình thành gần 100 năm nay, để mua bán, trao đổi giao thương giữa các tỉnh trong vùng: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… Hàng hóa mua bán chủ yếu là hàng nông sản, gồm các loại trái cây, củ, rau… rất phong phú, đa dạng. Chợ nổi Cái Bè còn là nơi thu mua hàng hóa để vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ tiêu thụ.

Sở dĩ có hình thức tổ chức chợ nổi trên sông Cái Bè từ lâu là vì điều kiện giao thông đường bộ lúc bấy giờ chưa phát triển, chỉ duy nhất có lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), việc vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn, nên cư dân trong vùng đi lại, mua bán phổ biến bằng phương tiện xuồng ghe.

Từ sau thập niên 80 của thế kỷ XX, khi du lịch Tiền Giang bắt đầu đi vào hoạt động, chợ nổi Cái Bè rất sung túc, được nhiều du khách xa gần đến tham quan, lấy làm thích thú bởi kiểu mua bán trên sông nước, nên từ đó chợ nổi trở thành một trong những sản phẩm du lịch của Tiền Giang, thu hút nhiều du khách đến với chợ nổi Cái Bè và các điểm du lịch trên địa bàn huyện Cái Bè.

Giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị của chợ nổi Cái Bè là vấn đề cấp thiết, bởi đây vừa là nét văn hóa vừa là sản phẩm du lịch độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Cái Bè. Bên cạnh những giải pháp chiến lược được thể hiện trong Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè, hiện tại các công ty du lịch cũng đã xây dựng các tour du lịch đến chợ nổi Cái Bè kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống, vườn trái cây, làng cổ trên địa bàn huyện Cái Bè…”

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND HUYỆN CÁI BÈ
PHẠM THỊ TẠI CHO BIẾT

Theo các bậc cao niên sống quanh chợ nổi Cái Bè, vào thời hưng thịnh, chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày lẫn đêm. Hàng hóa rất đa dạng, phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng…, nổi bật nhất là trái cây. Dần dần, do nhu cầu của người dân, chợ nổi Cái Bè còn bán cả các món ăn, thức uống. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ, như hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, cà phê…

Du khách rất thích tham quan, thưởng ngoạn cảnh mua bán trong không gian, không khí tự nhiên trên sông nước; thích được mua những sản phẩm từ chợ nổi Cái Bè và ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở miền sông nước. Có thể nói, qua hình thức chợ nổi, nhiều du khách đã góp phần quảng bá về quê hương, con người Tiền Giang đến với các địa phương trong nước và quốc tế.

ĐỂ CHỢ NỔI KHÔNG BỊ “CHÌM”

“Thời vàng son của chợ nổi Cái Bè giờ đây chỉ còn trong ký ức” - là nỗi niềm trăn trở lẫn tiếc nuối của nhiều người dân chứng kiến sự đổi thay của chợ nổi Cái Bè chia sẻ khi chúng tôi tìm về chợ nổi này trong một ngày đầu tháng 9.

Để có những trải nghiệm thực tế về chợ nổi Cái Bè ở hiện tại, chúng tôi đã thuê một chiếc tàu xuất phát từ Bến tàu du lịch huyện Cái Bè ra tham quan quang cảnh chợ nổi này. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một chợ nổi khá đìu hiu, quạnh quẽ.

Đưa chúng tôi tham quan, chú Hoàng Châu có gần 50 năm gắn bó với chợ nổi Cái Bè, chỉ tay vào các cây sào treo lủng lẳng những củ khoai lang, trái bí và nói thao thao bất tuyệt như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ: “Đó là cây bẹo, chủ ghe bán cái gì sẽ treo món đồ mà mình bán lên, chủ yếu là nông sản rau, củ, trái cây để người mua dễ nhận biết và không phải rao bán như chợ trên cạn. Ngày xưa có thời điểm hàng trăm ghe của bạn hàng ra vào tấp nập, đông nhất là dịp cận tết âm lịch, còn giờ thì chỉ 5 - 7 chiếc ghe, thưa thớt người, chủ yếu là các ghe bán khoai”.

Hơn nửa đời người gắn bó với sông nước, từng buôn bán qua nhiều chợ nổi, như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang)…, nhưng bà Nguyễn Thị Thảo (quê tỉnh An Giang), chủ ghe bán khoai, chọn gắn bó với chợ nổi Cái Bè. Chứng kiến biết bao thăng trầm, bà Thảo không khỏi chạnh lòng trước những thay đổi của chợ nổi Cái Bè. Ở cái tuổi thất thập, thay vì nghỉ ngơi, vui sống cùng con cháu, bà lại cùng chồng chông chênh theo từng con nước với nghề bán khoai.

Cuộc sống mưu sinh của người dân trên chợ nổi Cái Bè.
Cuộc sống mưu sinh của người dân trên chợ nổi Cái Bè.

Khi chúng tôi hỏi: Bà lớn tuổi rồi, sao không lên bờ buôn bán cho đỡ vất vả? Bà Thảo cười rồi đáp: “Ngót nghét đã gần 50 năm tôi gắn bó với chợ nổi này. Con cái đứa nào cũng khuyên lên bờ nhưng có lên được đâu. Có lẽ cái nghề nó gắn với cái nghiệp, cô cậu à!...”.

Hằng tháng, canh theo con nước, hai vợ chồng lấy khoai từ tỉnh Vĩnh Long rồi ngược về Cái Bè bỏ cho bạn hàng. Buồn có, vui có, kỷ niệm thì vô số kể. Ghe xuồng của bà con từ bốn phương tụ họp về đây không biết tự bao giờ, và chúng tôi đã trở thành hàng xóm của nhau. Cứ vậy mà sống, không bỏ nghề được, làm đến khi nào không còn làm nổi nữa thì thôi” - bà Thảo chia sẻ thêm.

Cũng gắn bó với chợ nổi Cái Bè hơn 40 năm, bà Phạm Thị Hồng, chuyên bán nước uống cho các ghe khách du lịch, ghe hàng trên chợ nổi, cũng có không ít vui buồn khi quanh năm làm bạn với sông nước. “Sau một ngày vất vả buôn bán, các ghe hàng chúng tôi ngồi lại quây quần cùng nhau ăn bát cơm chiều, nhâm nhi trà dư tửu hậu để quên nỗi nhớ nhà. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, có nhiều bạn ghe gắn bó 30 năm, 40 năm, vậy mà trong phút chốc điêu đứng, đâu trụ nổi với nghề, bỏ sông nước lên bờ kiếm sống” - bà Hồng trải lòng về những kỷ niệm buồn, vui.

Thuyền chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, gặp chú Hoàng Châu, đã được chú giải thích vì sao chợ nổi Cái Bè hiện tại hiu quạnh, một phần do nguyên nhân khách quan giao thông bộ thuận lợi, nên số lượng ghe thuyền đã giảm, chuyển sang giao thương hàng hóa bằng đường bộ.

Rít một hơi thuốc lá, chú Châu kể tiếp về những khó khăn thực tại của chợ nổi Cái Bè: Từ khi bùng dịch Covid-19 cho đến nay, chợ nổi càng đìu hiu. Nhiều du khách đến đây đã thất vọng lắm, không như họ tưởng tượng hay xem trên các phương tiện truyền thông. Khách đến chợ nổi Cái Bè giờ chỉ được ngắm cảnh sông nước, không thấy cảnh ghe xuồng buôn bán tấp nập trên sông làm họ hụt hẫng. Sau những chuyến tham quan như vậy, không ít du khách thở dài. Nếu không có giải pháp vực dậy chắc chắn chợ nổi sẽ dần bị mai một rồi mất đi.

“Bà con ghe hàng quanh năm bám vào sông nước để mưu sinh, không muốn bỏ nghề. Thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương cần có giải pháp để vực dậy chợ nổi Cái Bè, bởi đây được xem là nét đặc trưng của văn hóa vùng sông nước. Dẫu biết là khó, thế nhưng cũng phải có giải pháp, có thể học tập TP. Cần Thơ làm theo kiểu ở chợ nổi Cái Răng.

Nhà nước nên quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ vốn, không chỉ đối với các ghe bán hàng dạo, dịch vụ nhỏ lẻ cho du khách, mà cả chủ các ghe thương hồ bán sỉ, vì đây là lực lượng chủ lực làm nên chợ nổi, để khuyến khích họ gắn bó với chợ nổi, góp phần cải thiện đời sống của người dân vốn dĩ quanh năm bám vào sông nước để mưu sinh, từ đó chúng ta có thể thu hút khách du lịch thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác” - chú Châu đề xuất.

Trước nguy cơ chợ nổi Cái Bè dần bị mai một, cuối năm 2017, UBND huyện Cái Bè lập Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”. Theo Đề án này, chợ nổi Cái Bè sẽ giữ nguyên thực trạng như trước đây, tuy nhiên có sự quy hoạch bố trí để phù hợp hơn.

Theo đó, vùng nước quy hoạch có chiều dài từ 400 m - 500 m, từ vàm Cái Bè đến kinh 28; đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc và tiếp nhận 200 - 300 ghe, tàu neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 - 60 tấn. Hy vọng rằng, trong tương lai, chợ nổi Cái Bè sẽ nhộn nhịp trở lại, giúp huyện Cái Bè nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung khai thác tốt các giá trị văn hóa để phát triển du lịch.

GIA TUỆ - ĐỖ PHI

.
.
.