.
LỄ HỘI VĂN HÓA - DU LỊCH LÀNG CỔ ĐÔNG HÒA HIỆP LẦN THỨ V NĂM 2022:

Bảo tồn và phát huy kiến trúc văn hóa cổ

Cập nhật: 10:09, 28/10/2022 (GMT+7)

Lễ hội Văn hóa - Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 (gọi tắt là Lễ hội) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9-11 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Lễ hội được UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức 2 năm một lần nhằm bảo tồn và phát huy các kiến trúc văn hóa cổ xưa của các bậc tiền nhân để lại.

Biểu diễn chèo xuống trên sông tại một kỳ Lễ hội văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Hữu Nghị
Biểu diễn chèo xuống trên sông tại một kỳ Lễ hội văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ảnh: Hữu Nghị

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) - Thường trực Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tỉnh, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022, Lễ hội sẽ kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của Lễ hội, tạo điểm nhấn quan trọng trong công tác giới thiệu, quảng bá về hình ảnh văn hóa, du lịch và các sản vật của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, nơi tổ chức Lễ hội, nằm trên bờ Bắc hạ lưu sông Mê Kông, là một trong những làng cổ tiêu biểu ở Nam bộ. Hiện trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp có khoảng 7 ngôi nhà cổ niên đại từ 150 - 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách đây từ 80 - 100 năm.

Giai đoạn 2011 - 2014, Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Với những lợi thế sẵn có và sự đầu tư của JICA, du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp ngày càng khởi sắc, đưa nơi đây trở thành một trong những điểm thu hút du khách tại Tiền Giang.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động, như: Hội thảo “Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả”; tổ chức đoàn Famtrip, không gian giới thiệu sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các địa phương; triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ, trang trí tiểu cảnh, biểu diễn đờn ca tài tử; Hội thi “Ẩm thực du lịch”; Hội thi Làm bánh dân gian với chủ đề “Hồn quê trong từng chiếc bánh”; trưng bày tác phẩm chưng nghi; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao; Hội thi Đua xuồng, thả đèn hoa đăng; tái hiện nghi thức cúng đình xưa…

Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Theo Sở VHTT&DL, thời gian dịch Covid-19 bùng phát đã có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của tỉnh. Năm 2022, Tiền Giang đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã đến tìm hiểu, trải nghiệm các loại hình du lịch tại Tiền Giang. Vì vậy, Lễ hội năm nay dự kiến sẽ thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Để chuẩn bị chu đáo cho Lễ hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng sở, ngành, đoàn thể tỉnh, đơn vị, địa phương liên quan, chủ động có kế hoạch của đơn vị mình để triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo đó, giao Giám đốc Sở VHTT&DL theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch 299 về việc tổ chức Lễ hội, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tỉnh những vấn đề khó khăn phát sinh để có ý kiến chỉ đạo, đảm bảo suốt thời gian diễn ra Lễ hội an toàn, hiệu quả, tạo được sức lan tỏa trong nhân dân cũng như khách du lịch về một hình ảnh Tiền Giang an toàn, thân thiện, mến khách...

Được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 299 về việc tổ chức Lễ hội. Theo kế hoạch này, Lễ hội dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9-11 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, với khoảng 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang; Sở VHTT&DL/Hiệp hội Du lịch các tỉnh thuộc Cụm liên kết phía Đông; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội; Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh; Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn; Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An (Quảng Nam); các doanh nghiệp du lịch…


 

 

GIA TUỆ

.
.
.