Thứ Hai, 03/10/2022, 09:43 (GMT+7)
.

Người "giữ lửa" cho Rạp hát Thầy Năm Tú

Nói về Đạo diễn - Nghệ sĩ Huỳnh Mơ, hẳn ai trong giới mộ điệu cải lương đều biết đến, bởi chị luôn dành tình yêu cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Với niềm đam mê, nhiệt huyết và không ngừng nỗ lực, chị đã góp phần gầy dựng lại sân khấu cải lương trên mảnh đất Tiền Giang, được xem là người “giữ lửa” Rạp hát Thầy Năm Tú.

THEO ĐUỔI ĐAM MÊ

Huỳnh Mơ quê huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Sau khi học xong phổ thông, chị lên TP. Hồ Chí Minh học ngành Công nghệ thông tin, hệ Cao đẳng. Do đam mê ca hát và cũng muốn có thêm kinh phí để trang trải việc học nên chị tranh thủ tham gia đi hát nhiều nơi.

Có lần, chị vô tình đi ngang qua Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh, nghe giảng viên Kim Loan dạy đờn ca tài tử và cải lương, khiến chị vô cùng thích thú. Nhiều lần thấy Huỳnh Mơ say sưa theo dõi lớp học từ bên ngoài, giảng viên đã gọi chị vào thử giọng, rồi mời tham gia khóa học cùng các bạn.

Sau đó không lâu, chị được giảng viên tạo điều kiện tham gia biểu diễn phục vụ công nhân trong dịp tết, được truyền hình trưc tiếp. Từ đó chị càng đam mê theo đuổi con đường nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp và quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, khoa Kịch hát dân tộc, chuyên ngành Diễn viên cải lương.

Sau khi tốt nghiệp, một số tỉnh, thành mời chị cộng tác, nhưng chị chọn Tiền Giang (từ cuối năm 2013). Hiện chị đang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang.

Theo Huỳnh Mơ, trước khi chuyển về Tiền Giang, chị công tác ở Đoàn Cải lương tỉnh Long An. Năm 2015, chị xin tổ chức cho học Lớp Đạo diễn Sân khấu của Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, được đơn vị tạo điều kiện cho chị dàn dựng vở “Giọt máu người yêu” tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân tại Hà Nội.

Tuy đây là vở đầu tiên chị dàn dựng, nhưng đã xuất sắc đoạt 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Đến nay, đạo diễn Huỳnh Mơ đã tham gia nhiều vở diễn: “Nước mắt thâm tình”, “Phố an cư”, “Chịu đấm ăn xôi”, “Cát bụi”, “Huyền sử Rạch Gầm”, “Bão dậy trời Long Hưng”… Chị còn tham gia nhiều phim ngắn: “Một con đĩ yêu nghề”, “Hương sen”, “Hai chị em”, “Giấc mơ mang màu định mệnh”; tham gia các phim truyền hình “Biệt động Sài Gòn 2”, “Đổi đời”…; và các MV: “Dù anh nghèo”, “Hình bóng quê nhà”, “Tình dang dở”, “Duyên quê”…

Chị đã vinh dự nhận các giải thưởng: Huy chương Bạc tại Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu cải lương toàn quốc năm 2017, Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018, Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân toàn quốc năm 2020...

ĐỂ CHO RẠP HÁT SÁNG ĐÈN

Huỳnh Mơ chia sẻ, công tác tại Tiền Giang, chị được biết, Rạp hát Thầy Năm Tú (tọa lạc phường 1, TP. Mỹ Tho) là rạp cải lương đầu tiên ở miền Nam. Tại rạp hát này, công chúng đã được xem vở cải lương đầu tiên vào tối 15-3-1918. Rạp còn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Chứng kiến cảnh rạp thường xuyên đóng cửa, chị rất buồn. “Là một nghệ sĩ cải lương, không thể nhìn bộ môn nghệ thuật mình theo đuổi bị mai một, mà bản thân phải làm gì đó để góp phần đưa nghệ thuật cải lương “sống dậy”, cụ thể là để Rạp Thầy Năm Tú thường xuyên “sáng đèn”...”.

Đến ngày 5-11-2016, đêm nghệ thuật cải lương “Ngân mãi tiếng tơ đồng”, phục vụ miễn phí công chúng mộ điệu cải lương được công diễn tại Rạp hát này. Chương trình do Nghệ sĩ Huỳnh Mơ dàn dựng. Lúc đó, chị công tác ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang. Đúng 1 tháng sau, “Ngân mãi tiếng tơ đồng lần 2”, cũng do nghệ sĩ Huỳnh Mơ tổ chức, tiếp tục “đánh thức” rạp hát có bề dày lịch sử này.

Qua 2 lần trình diễn, nhiều trích đoạn cải lương vang bóng một thời: “Lan và Điệp”, “Tô Ánh Nguyệt”, “Giũ áo bụi đời, “Bên cầu dệt lụa”, “Hòn vọng phu và Tình mẫu tử; và Chương trình “Dạ khúc tri âm”, do Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, ngày càng thu hút đông đảo công chúng mộ điệu cải lương đến thưởng thức.

Nghệ sĩ Huỳnh Mơ bày tỏ: “Đội ngũ nghệ sĩ cải lương của tỉnh hiện đang rất mỏng, chỉ có 4 người, trong khi Tiền Giang là cái nôi của sân khấu cải lương. Mong rằng, các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm hơn bộ môn này, có chế độ, chính sách thu hút thêm nhiều nghệ sĩ trẻ để có đội ngũ kế thừa; đồng thời đầu tư kinh phí nâng cấp Rạp hát Thầy Năm Tú hiện đang xuống cấp. Và mong sao, tiếng hát của những nghệ sĩ chúng tôi sẽ mãi vang lên, đánh thức “giấc ngủ” của cải lương, tỏa sáng trở lại, phục vụ tốt hơn những người mộ điệu cải lương và đờn ca tài tử ở Tiền Giang.

LÝ OANH
 

.
.
.