Thiện Toàn và Phước Lộc - hai nghệ sĩ múa triển vọng
Tiếp nối thành công trên lĩnh vực múa của các nghệ sĩ đi trước: Chí Thiện, Thu Thủy, Hồ Đẹp, Đoàn Tâm, Công Danh…, nghệ thuật múa ở Tiền Giang đang được tiếp nối bởi các nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng và tâm huyết; trong đó, Thiện Toàn và Phước Lộc, đang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh sáng giá hơn cả. Tuy khởi đầu khác nhau, nhưng điểm chung của hai nghệ sĩ này là niềm đam mê, xem múa như cuộc sống của chính mình.
NGHỆ SĨ THIỆN TOÀN
Nghệ sĩ Thiện Toàn. |
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật: Cha và mẹ đều theo đuổi âm nhạc dân tộc, nên ai cũng nghĩ Thiện Toàn sẽ tiếp nối đam mê đó. Thế nhưng, chàng trai trẻ này lại đam mê nghệ thuật múa.
Từ nhỏ, Toàn được các cô chú cho tham gia diễn các vai phụ. Với niềm đam mê, Thiện Toàn chú ý quan sát người lớn từ cách dàn dựng, học tập từng động tác tổ hợp múa và dần dần được các cô chú giao các vai diễn quan trọng.
Không chỉ là diễn viên, Thiện Toàn còn thử nghiệm vai trò biên đạo, từ những chương trình, tiết mục nhỏ, đến những chương trình lớn, hiện là một trong những biên đạo chủ lực của đơn vị, với vai trò Đội trưởng Đội Múa thuộc Phòng Nghệ thuật.
Năm 2022, Thiện Toàn là 1 trong 3 biên đạo múa được đơn vị chọn cử tham gia Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022, tổ chức tại tỉnh An Giang. Đây là lần đầu tiên Thiện Toàn có tác phẩm tham gia một sân chơi lớn, nên bản thân không tránh khỏi tâm trạng trăn trở trong việc chọn chủ đề tác phẩm, phương pháp dàn dựng và chọn ê kíp tham gia…
Chủ đề về ngày trở về của một người cộng sản sau thời gian bị ngục tù, áp bức của kẻ thù đã được Thiện Toàn chọn và lên kế hoạch hiện thực hóa. Và chàng biên đạo trẻ này không ngờ tác phẩm của mình đã được nhận Huy chương Bạc, góp phần chung vào thành tích đoạt Huy chương Vàng chương trình của Đoàn Tiền Giang tại hội thi. Đây được xem là “cú hích” sau hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật để Thiện Toàn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật múa mà mình đã chọn và dấn thân.
NGHỆ SĨ PHƯỚC LỘC
Phước Lộc chuẩn bị cho vai diễn cụ Đồ Chiểu trong tiết mục múa Tâm Tư. |
Chàng trai quê hương đất sen hồng Đồng Tháp vốn có niềm đam mê múa từ nhỏ, và đã chọn theo nghề múa ngay những ngày đầu hướng nghiệp. Học tập chăm chỉ, cộng với sắc vóc của một diễn viên solist, Phước Lộc thường được giao diễn các vai chính trong các chương trình của đơn vị và luôn nỗ lực thể hiện thành công từng vai diễn.
Trong suốt thời gian công tác, Phước Lộc thường xuyên được giao thể hiện các vai trung tâm do có lợi thế về ngoại hình, kỹ năng diễn tốt và chăm chỉ với nghệ thuật. Năm 2022 có thể được xem là năm thành công nhất của Phước Lộc, với Huy chương Bạc tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022, là biên đạo tiết mục múa Khát vọng xanh. Tác phẩm lấy ý tưởng từ thực tế cuộc sống của bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm vất vả ứng phó với hạn, mặn. Những cánh đồng khô cằn, những mầm sống yếu ớt đã được thay thế bằng những không gian xanh sau những nỗ lực của cộng đồng nhằm thích ứng với hạn, mặn.
Cũng như Thiện Toàn, đây là lần đầu tiên Phước Lộc có được tác phẩm tham gia một sân chơi lớn, nên những lo lắng, suy tư, trăn trở là điều tất yếu. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, Phước Lộc đã cùng toàn ê kíp thể hiện thành công tác phẩm và đoạt Huy chương Bạc tại hội thi. Vỡ òa trước niềm vui đầy bất ngờ, Phước Lộc tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa, cho ra đời nhiều tác phẩm mới, để không phụ lòng sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo; sự ủng hộ của nhiều người và nghiệp tổ.
Không lâu sau, đơn vị lại có dịp tham gia một sân chơi lớn cấp khu vực - Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, là hoạt động truyền thống của các tỉnh/thành trong khu vực đã được duy trì tổ chức được 18 lần. Phước Lộc được giao thể hiện vai cụ Đồ Chiểu trong tiết mục múa Tâm Tư. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn đối với Phước Lộc, bởi làm sao thể hiện cốt cách, thần thái của một ông đồ tuy mắt bị mù nhưng sáng ngời nhân cách. Đặc biệt là, Hội diễn được diễn ra vào dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh cụ Đồ Chiểu, cũng là dịp cụ được UNESSCO vinh danh là danh nhân văn hóa.
Nhiều đêm không ngủ với biết bao trăn trở phải làm sao thể hiện tốt nhất vai diễn đó. Phước Lộc đã lên TP. Hồ Chí Minh nhờ các thầy Trường Múa hướng dẫn thêm về kỹ thuật, động tác, phong cách biểu diễn, tâm lý nhân vật… Giảng viên Phạm Minh Tuấn, cũng là biên đạo tiết mục này, đã tận tình hướng dẫn, với mong muốn tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, xứng tầm với một tên tuổi lớn - Nguyễn Đình Chiểu.
Không những vậy, Phước Lộc còn tìm về Đền thờ cụ ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của cụ, qua đó bổ trợ thêm cho vai diễn. Quyết tâm, nỗ lực của Phước Lộc cộng hưởng cùng sự quyết tâm của toàn ekip đã đưa tiết mục đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn với rất nhiều cảm xúc.
Tiết mục múa Tâm Tư - Huy chương Vàng tại Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022. |
Với những thành quả đã đạt được trên con đường nghệ thuật và những phấn đấu không ngừng nghỉ cho phong trào thanh niên của đơn vị trong thời gian qua, Phước Lộc đã vinh dự được giới thiệu tham gia Liên hoan Văn nghệ sĩ trẻ tiêu biểu toàn quốc lần I-2022, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại thủ đô Hà Nội.
Nói về hoạt động nghệ thuật của mình, Phước Lộc chia sẻ “Tuy đã có nhiều người dìu dắt em trên con đường nghệ thuật, nhưng người có vai trò quan trọng hơn cả là Biên đạo múa Thu Thủy. Không chỉ với Phước Lộc, cô Thu Thủy còn dìu dắt rất nhiều diễn viên, biên đạo trẻ khác có những tiến bộ nhất định trong nghệ thuật. Không chỉ là một biên đạo, cô thường xuyên hướng dẫn cho học trò phương pháp sáng tác và kỹ năng dàn dựng chương trình. Ngoài ra, cô còn định hướng phát triển nghề nghiệp cho từng học trò phù hợp với khả năng và sở trường của mỗi người. Đây là một trong những người thầy quan trọng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phước Lộc và nhiều học trò khác…”.
VĂN NGHỆ