.

Minh Tuấn - mượt mà giọng ca tài tử miệt vườn

Cập nhật: 09:13, 28/11/2022 (GMT+7)

Năm 1977, cậu bé Nguyễn Anh Dũng cất tiếng khóc chào đời ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trên sông Tiền, nơi gắn liền với du lịch và bộ môn nghệ thuật truyền thống mang bản sắc văn hóa Nam bộ là đờn ca tài tử. Có lẽ do tuổi thơ cơ cực đã thấm đẫm vào giọng ca sâu lắng, chân phương ngày càng mượt mà của Minh Tuấn (nghệ danh của Nguyễn Anh Dũng).

Tuấn cho biết, dù là thành viên trong nhóm Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch của điểm du lịch Công đoàn ở Khu du lịch Thới Sơn, nhưng mỗi kỳ sinh hoạt đờn ca tài tử của Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử, Chi hội Sân khấu, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang, Tuấn đều tham gia. Tất cả những chương trình quay của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang hay diễn phục vụ sự kiện lễ hội, Tuấn đều tham gia nhiệt tình.

Minh Tuấn biểu diễn ca tài tử tại các điểm du lịch ở cù lao Thới Sơn.
Minh Tuấn biểu diễn ca tài tử tại các điểm du lịch ở cù lao Thới Sơn.

Với Minh Tuấn dù đứng biểu diễn ở đâu cũng phải tôn trọng khán giả. Ca tài tử hay ca vọng cổ cải lương phục vụ khách du lịch dù có mang “sắc thái kinh doanh” nhưng cũng phải chỉn chu, lịch sự và tôn trọng du khách, với trang phục đẹp và hát theo chương trình đã sắp xếp hoặc theo yêu cầu của du khách. Tuấn luôn cố gắng hát hết mình để du khách được thưởng thức những giai điệu của tài tử miệt vườn một cách thoải mái nhất.

Theo Minh Tuấn, khán giả xem biểu diễn ở sân khấu sẽ khác hơn, bởi họ am hiểu về ca tài tử, về cải lương nên sự thưởng thức không chỉ để vui mà còn để chiêm ngưỡng cái hay, cái độc đáo của lời ca và cả nghệ thuật biểu diễn. Khi được khán giả yêu nghệ thuật chăm chú lắng nghe, tập trung xem biểu diễn, đó là niềm cảm hứng cho anh em nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Minh Tuấn cho biết, mỗi lần được biểu diễn là một lần được “mài giũa” để bản thân ca diễn tốt hơn.

Khi mới theo ca hát, Tuấn ca nhạc, nhưng anh Nguyễn Công Định, cán bộ phụ trách Văn hóa xã Thới Sơn lại cảm nhận Tuấn ca cổ sẽ hay hơn, nên khuyên Tuấn học ca cải lương; sau đó giới thiệu Tuấn hát cho Khu du lịch Thới Sơn 1, điểm du lịch Đờn ca tài tử đầu tiên trên đất cù lao Thới Sơn. Tuấn vừa làm, vừa học ca hát với cây guitar phím lõm của chú Năm Sơn, người thầy đầu tiên dạy cho Tuấn ca đúng dây, đúng nhịp nhàng.

Dần dần, Tuấn yêu thích và theo nghề ca tài tử, ca cải lương. “Lúc đó không có âm thanh hỗ trợ, cứ có khách là hát bằng chính giọng thật của mình, sau đó khách du lịch đến đông hơn nên sắm cái loa sắt để giọng hát mình lớn hơn. Dù cầm cái loa nặng, gân cổ lên ca… nhưng hễ có show hát ở các điểm du lịch hoặc phục vụ đám tiệc là không quản xa gần cứ đến hát phục vụ mà không biết mệt”, Tuấn chia sẻ.

"Ngày gặp Minh Tuấn trong lớp đờn ca tài tử ở Thới Sơn, tôi nhìn thấy khả năng phát triển về ca diễn của Tuấn nên đã tạo điều kiện và huấn luyện cho em từng bước phát triển hơn trong nghề ca hát. Tuấn sáng dạ, có năng khiếu tốt, nên luôn biết sáng tạo trong ca diễn. Chất giọng chuẩn, chân phương, dáng dấp sáng sân khấu nhưng Tuấn không kén vai… Khi được giao vai Tuấn đều vui vẻ nhận lời, nghiên cứu nhân vật, rồi tìm trang phục cho phù hợp, dù có vai diễn chỉ năm, mười phút nhưng Tuấn vẫn hóa trang chỉnh chu nghiêm túc”.

NGHỆ NHÂN ƯU TÚ HUỲNH ANH NHẬN XÉT

Tuấn kể, năm 2007, du lịch Thới Sơn phát triển, lực lượng đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch cũng quy tụ về khá nhiều. Để nâng cao chất lượng đờn ca tài tử, cải lương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã mở lớp “Nâng cao đờn ca tài tử và cải lương” do 2 Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Anh và Đức Huệ giảng dạy. Minh Tuấn là một trong hơn 50 học viên của lớp học này đã may mắn được chọn làm cộng tác viên cho CLB Đờn ca tài tử của Chi hội Sân khấu, bởi giọng ca tiềm năng và vóc dáng đẹp.

Lúc này, Tuấn được đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ thuật hát, ngoài nhịp nhàng còn học cách phát âm cho chuẩn và tập luyện luyến láy, nhả chữ điêu luyện; học cách hát phân biệt giữa hát tài tử và hát cải lương. Từ đó giọng ca Minh Tuấn được khán giả biết đến trong các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, các chương trình phục vụ lễ tết, sự kiện trong tỉnh.

Minh Tuấn còn được thầy Huỳnh Anh tập diễn, ban đầu là các trích đoạn cải lương ngắn, sau tiến bộ dần và đảm nhận vai chính trong những chập cải lương dài. May mắn hơn Tuấn được tham gia lớp tập huấn “Ca diễn cải lương và vũ đạo tuồng cổ năm 2017”. Như được chắp cánh, Tuấn diễn tốt hơn, vũ đạo đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn.

Sau 6 giải A đơn ca, song ca trong tỉnh và tích cực tham gia phục vụ các sự kiện của địa phương, Minh Tuấn được UBND TP. Mỹ Tho vinh danh thành tích trong phong trào “Thi đua yêu nước”. Năm 2016, tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau mở rộng lần XI, tiết mục của Minh Tuấn đã đoạt giải Xuất sắc.

Năm 2017, Tuấn song ca cùng Bích Luyến tại Liên hoan Đờn ca tải tử tỉnh Long An lần thứ XXIII, đoạt giải A và cũng trong năm này, tiết mục ca ra bộ theo điệu Phú Lục “Cung đờn để lại” của Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Anh, Minh Tuấn và Bích Luyến đã đem lại Huy chương Bạc cho Tiền Giang tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II tại tỉnh Bình Dương.

Đỉnh cao của sự rèn luyện không ngừng đã mang về cho Minh Tuấn kết quả mà nhiều người mơ ước đó là Huy chương Vàng tiết mục ca ra bộ với tài tử Tấn Hưng bài “Đời thường của Bác” thể điệu Phú Lục trong Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III ở TP. Cần Thơ vào tháng 4-2022. Với giải thưởng này, Minh Tuấn và các diễn viên có thành tích đã được UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen.

Hiện tại, Minh Tuấn là diễn viên nam chủ lực của Chi hội Sân khấu tỉnh nhà. Tuấn không tự mãn với những thành công mà cho đó là động lực để phát triển và hoàn thiện mình hơn. Tuấn luôn tìm tòi, học hỏi không ngừng sáng tạo để “mình hôm nay phải hơn chính mình hôm qua”, quyết tâm vươn tới những thành công mới.

NGỌC LỆ

.
.
.