Thứ Ba, 29/11/2022, 15:21 (GMT+7)
.

Xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 29-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VH-TT-DL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Trong phiên thảo luận thứ nhất, vấn đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được các đại biểu tham luận.

a
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Khi bàn về quan hệ giữa lịch sử và con người, người ta thường có hai nhận định tưởng như trái ngược nhau nhưng thực ra rất biện chứng: Con người làm nên lịch sử và tiến trình lịch sử tạo ra sự phát triển của con người. Lịch sử bao gồm nhiều lĩnh vực, sự kiện, biến cố... nối tiếp nhau, có những cái bị vượt qua, có những cái chỉ xảy ra một lần, song có cái mãi mãi gắn bó, phát triển, tồn tại và đồng hành với con người. Đó là văn hóa, là các nền văn hóa, bởi vì con người tạo ra văn hóa và từ đó, soi vào văn hóa sẽ thấy những dấu ấn đặc trưng nhất, sâu nhất của con người trong tiến trình phát triển của chính con người.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, phân tích: “Trong thực tế, không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội...), không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người. Chính vì vậy, trong Nghị quyết 33- NQ/TW về văn hóa có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Thêm từ “con người” để nhấn mạnh, để khẳng định.

Đứng ở góc độ và tầm nhìn trên, Hội thảo chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” mang tính khoa học, phù hợp với quy luật và quan hệ giữa văn hóa và con người, đi vào mục tiêu cao nhất, “trọng tâm, cốt lõi” của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị văn hóa trên”.

Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua.

GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ: “Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Thách thức xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ

 Xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng ở từng thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư (Ban chấp hành TƯ 2021), Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ) đều nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nói cách khác, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là mục tiêu xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam mấy thập niên qua.

Hiểu một cách đơn giản, gia đình Việt Nam tiến bộ là gia đình được xây dựng và phát triển theo hướng đi lên, phù hợp với xu hướng phát triển của lịch sử, của thời đại. Gia đình tiến bộ là một phạm trù lịch sử, với các tiêu chí không đồng nhất hoàn toàn giữa các xã hội và biến đổi theo thời gian. Đối với Việt Nam, gia đình tiến bộ phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt Nam truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ, anh em..., chính là nền tảng làm nên sức sống mãnh liệt của gia đình và xã hội Việt Nam. Đồng thời, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước, những xu hướng tốt đẹp nhất của nhân loại cần được tiếp nhận và phát triển.

Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ hiện nay cũng không ít thách thức, GS-TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phân tích: “Có 4 thách thức đáng kể hiện nay: Sự chia sẻ, bình đẳng và thương yêu giữa vợ và chồng; Sự quan tâm và tôn trọng con cái; Sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ cao tuổi; Sự hòa thuận và chia sẻ giữa anh chị em ruột đã trưởng thành”.

Ở Việt Nam đã và đang diễn ra hiện tượng một bộ phận thanh niên không muốn lập gia đình, ngại sinh con. Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không sinh con bởi những áp lực của xã hội về cơ hội nghề nghiệp, tài chính, chi phí chăm sóc, nuôi dạy con cái và nhãn quan của họ về hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.

a
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo TS Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) phân tích: “Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, khi mức sinh xuống dưới mức thay thế, dù tiêu tốn rất nhiều nguồn lực thì vẫn rất khó khuyến sinh. Gia đình Việt Nam đang khủng hoảng về chức năng giáo dục, tâm lý tình cảm, cả khu vực nông thôn lẫn thành thị”.

Trong xu thế phát triển mới, quy mô, cấu trúc gia đình có những biến đổi rõ rệt, mô hình gia đình truyền thống đang có sự thay đổi, dịch chuyển, từ gia đình tam tứ đại đồng đường sang gia đình hạt nhân nhằm đảm bảo tốt việc chăm sóc của cha mẹ với con cái.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham luận: “Sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Tuy nhiên do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lý nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình”.

Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới

Việc xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị và chuẩn mực con người ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới, cả trên phương diện quốc tế lẫn trong nước.

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều đặc điểm, tính chất khác trước, trên nền tảng công nghiệp và các công nghệ mới.

Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng các lực lượng sản xuất toàn cầu, các quan hệ xã hội từ cấp vĩ mô toàn cầu đến cấp vi mô trong từng gia đình.

Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa, dù vài năm gần đây xu hướng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, không thể đảo ngược, đang tác động mạnh đến sự phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, cả về phương diện cơ hội lẫn thách thức.

Thứ tư, những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia và toàn nhân loại, vừa đang có thêm những nội dung và biểu hiện mới. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn nền kinh tế của nhiều quốc gia và của thế giới chỉ là một ví dụ.

Thứ năm, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng, cuộc đấu tranh giành quyền ảnh hưởng giữa các cường quốc, các quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, cũng có thêm nhiều nội dung và biểu hiện mới. Tất cả những quá trình đó đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển con người và xã hội ở nước ta.

PGS - TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phân tích: “Nếu hiểu theo nghĩa rộng, chung nhất, giá trị là những sự vật, hiện tượng, quá trình hay tất thảy những thứ được con người xem là có ý nghĩa nhất định, ít nhiều, đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của con người, xã hội. Nó bao hàm cả mặt chủ quan lẫn khách quan gắn bó chặt chẽ, không tách rời lẫn nhau.

Theo nghĩa đó, chuẩn mực con người là những yếu tố tích cực, những phẩm chất, đặc tính, tính cách người, các nội dung, yêu cầu trong các quan hệ xã hội, thể hiện thực chất những quan hệ người (với tự nhiên, với người khác, với cộng đồng, với xã hội) được hình thành và trao truyền trong quá trình sinh tồn, phát triển có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, hữu ích, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.

Chuẩn mực con người còn là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể người khác nhau. Trong đời sống con người có nhiều loại phẩm chất, yếu tố, đặc tính, quan hệ xã hội khác nhau, từ quan hệ trong gia đình đến quan hệ ngoài xã hội, từ quan hệ với quá khứ đến quan hệ với hiện tại và tương lai,… Chính vì thế, chuẩn mực con người có nhiều giá trị cụ thể với nhiều nội dung khác nhau, có trật tự, thứ bậc khác nhau. Và việc xây dựng và phát triển hệ giá trị con người nhất thiết phải chú ý đến việc thay đổi các quan hệ lợi ích, các điều kiện và môi trường xã hội”.

Còn theo GS - TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH: “Chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng động, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội. Về mặt lý thuyết, toàn bộ những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ, những quan niệm theo lẽ phải thông thường về nghĩa vụ và trách nhiệm, về những điều cấm kỵ và những hành vi được phép, thậm chí những hành vi được xem là phản cảm hay cần noi theo... đều là những khuôn thước của xã hội, tức là thuộc phạm vi của những chuẩn mực xã hội”.

a
TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TPHCM  trình bày tham luận tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tham luận tại đầu cầu TPHCM, TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TPHCM, trình bày 7 chuẩn mực:

Một là, trong quá trình cụ thể hóa thành chuẩn mực con người Việt Nam một cách cụ thể thì cái gì đưa vào luật được thì đưa, còn nếu không thì để dưới dạng quy ước cộng đồng mang tính vận động của các đoàn thể, giai tầng, tổ chức quy định gắn với các chuẩn mực về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khu dân cư, đơn vị công tác.

Hai là, tuyên truyền sâu rộng hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam nói chung để từ đó các đơn vị, cá nhân biết, cụ thể hóa, áp dụng, thực hiện cho phù hợp từ nơi từng thời kỳ.

Ba là, việc thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam gắn với hệ giá trị gia đình văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh.

Bốn là, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm gương thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam cụ thể ở nơi sinh sống, công tác, học tập, lao động sản xuất.

Năm là, cần nêu gương người tốt việc tốt, người từ tế, việc làm tử tế, phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn.

Sáu là, cần lồng ghép vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cả về nội dung và mặt tổ chức bộ máy, chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, sơ tổng kết.

Bảy là, cần quy định đánh giá hàng năm, 5 năm/ lần và xem cần bổ sung chỉnh lý gì không và xem việc thực hiện thế nào để rút kinh nghiệm.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “Sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà của cha ông vẫn trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình”

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.