.

Huyện Cai Lậy: Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Cập nhật: 08:25, 21/12/2022 (GMT+7)

Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở góp phần quan trọng để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Từ đó, nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao, là điều kiện để xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Cai Lậy đạt kết quả bền vững.

Những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa gắn với triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được các địa phương huyện Cai Lậy quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực tham gia phát động, duy trì nhiều phong trào, mô hình cụ thể tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Huyện Cai Lậy thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.        Ảnh: QUẾ NGÂN
Huyện Cai Lậy thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Ảnh: QUẾ NGÂN

Trong giai đoạn 2014 - 2022, toàn huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa 15 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và 26 Nhà Văn hóa - Khu thể thao liên ấp với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng. Các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà Văn hóa ấp - Khu thể thao ấp (liên ấp) được trang bị đầy đủ bàn ghế, âm thanh, dụng cụ thể thao, bảng biểu… đảm bảo phục vụ tốt các cuộc họp, hội nghị, hội thảo; sinh hoạt của các câu lạc bộ (CLB) ở khu dân cư và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho nhân dân trên địa bàn.

Nhờ đó, đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện Cai Lậy được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua các phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.

Trên địa bàn huyện hiện có 415 CLB như đờn ca tài tử, hát với nhau, “Gia đình phát triển bền vững”… duy trì tổ chức sinh hoạt hằng tháng, quý và tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ CLB giữa các xã, thu hút nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động, sáng tạo văn hóa đạt trên 30% trở lên/tổng số dân thường trú trên địa bàn.

Nổi bật là hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao các xã Ngũ Hiệp, Phú Nhuận, Cẩm Sơn, Thạnh Lộc, Mỹ Long… đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao và thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao hằng năm. Trong năm 2022, các xã Cẩm Sơn, Hiệp Đức, Long Tiên, Phú Nhuận và Ngũ Hiệp đảm bảo việc tổ chức 12 hội nghị, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị; 4 liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng và 6 hội thi thể dục - thể thao.

Các địa phương trong huyện đẩy mạnh phong trào thể thao, thường xuyên tổ chức các giải thể thao gắn với các dịp lễ, tết, sự kiện lớn, lễ hội... đã góp phần thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong cộng đồng, với khoảng 58.924/189.469 người tham gia luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên, đạt 31,10%.

Số hộ gia đình thể thao không ngừng tăng lên, nhất là trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh. Phong trào thể dục - thể thao trong trường học đi vào nền nếp, đảm bảo chương trình giảng dạy nội khóa theo quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục - thể thao được đẩy mạnh, huy động nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng thiết chế thể thao, mở rộng sân chơi, bãi tập ngày càng nhiều ở cơ sở.

Song song với sự phát triển phong trào tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên thì mạng lưới CLB thể thao từng môn, đa môn cũng phát triển rộng khắp ở các xã; trong đó phát triển mạnh nhất là các môn thể dục dưỡng sinh, võ thuật, bóng đá, cầu lông…

Hiện nay có 100% số trường học có đủ giáo viên thể dục được đào tạo và có trên 95% số cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang đạt chiến sĩ khỏe.

Công tác phổ cập bơi luôn được các xã quan tâm thực hiện, hằng năm UBND các xã xây dựng kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em và phân công Công chức Văn hóa - Xã hội phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức hướng dẫn kỹ năng cho các em trong độ tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi đạt 60% trở lên.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa hằng năm của huyện Cai Lậy đạt trên 93%; có 111/111 ấp văn hóa được công nhận danh hiệu 5 năm liên tục; 15/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM, xã NTM, trong đó có 3 xã NTM nâng cao.

Trên địa bàn huyện Cai Lậy hiện có 14 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch ở các xã Tân Phong, Phú An, Cẩm Sơn và Tam Bình và 5 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận. Huyện có 100% ấp xây dựng quy ước và tổ chức triển khai đến hộ dân thực hiện, hằng năm đều lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung quy ước phù hợp với tình hình thực tế của khu dân cư.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được huyện Cai Lậy đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, có 9 di tích được trùng tu, sửa chữa với tổng kinh phí hơn 4,483 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện còn được phân bổ kinh phí hoạt động hằng năm và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tham quan về nguồn, như: Tổ chức cho học sinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tham quan về nguồn, học tập thực tế tại Khu di tích Chiến thắng Ba Rài, Khu căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho, đình Long Trung… trung bình hằng năm thu hút hơn 1.000 lượt người tham quan về nguồn.

Có thể thấy, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện Cai Lậy đã lan tỏa. Nhiều nơi, nhiều địa phương trong huyện có nhiều cách làm hay, thiết thực trong việc khơi dậy, phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân, kịp thời nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, gắn các hoạt động với phát triển du lịch cộng đồng, tạo thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng hoàn thành huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới.

 NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.