.
KHU DI TÍCH CHIẾN THẮNG ẤP BẮC:

Ghi dấu chiến tích lịch sử oanh liệt

Cập nhật: 11:32, 29/12/2022 (GMT+7)

Cách đây 60 năm, quân và dân Tiền Giang lập nên chiến công vang dội, đánh bại các chiến thuật bủa lưới, phóng lao, “trực thăng vận” và “thiết xa vận” mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ, ghi dấu son chói ngời trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - đó là chiến thắng Ấp Bắc, diễn ra ngày 2-1-1963, tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Chiến thắng Ấp Bắc không chỉ là niềm tự hào của quân và dân cả nước, mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Tổng thể Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc. 											                                                                                                 Ảnh: Văn Thảo
Tổng thể Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: Văn Thảo

Ấp Bắc - địa danh cách đây 60 năm diễn ra trận đánh ác liệt, dồn dập ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta đã đi vào ca dao đầy tự hào:

“Bom rơi thì mặc bom rơi
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng”

Dù chiến thắng trận Ấp Bắc kiên cường trên vùng đất anh hùng xã Tân Phú đã qua 60 năm, nhưng những giá trị, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này vẫn còn mãi mãi. Bia tưởng niệm tại Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc ghi rõ: “Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 đã đánh bại các chiến thuật: Bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ. Chiến thắng Ấp Bắc nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân; là tiếng chuông báo hiệu sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ”.

Và Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc là một trong những nơi còn lưu giữ những giá trị cốt lõi nhất của trận Ấp Bắc diễn ra năm 1963. Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã từng bước được bảo tồn và phát huy, trở thành “địa chỉ đỏ” hấp dẫn cho khách tham quan, học tập, nghiên cứu khi đến Tiền Giang.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong một lần đến thăm Nhà trưng bày  Chiến thắng Ấp Bắc tại Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy.    Ảnh: Văn Thảo
Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trong một lần đến thăm Nhà trưng bày Chiến thắng Ấp Bắc tại Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, xã Tân Phú, TX. Cai Lậy. Ảnh: Văn Thảo

Vào năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định 43 ngày 7-1-1993. Để phát huy hiệu quả cao Khu di tích, năm 1994, Tỉnh  ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và các cấp, các ngành thống nhất đầu tư xây dựng với quy mô lớn Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc tại xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) trên mảnh đất hoang hóa.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân tỉnh Tiền Giang, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc được xây dựng khá khang trang. Sau 4 lần mở rộng quy mô vào các năm 1994, 2003, 2008, 2013, khu di tích đã tương đối chỉn chu trên diện tích đất 25.137,6 m2, gồm 3 khu:

- Khu 1 gồm tượng đài hoành tráng “Tiểu đội Gang thép” bằng đồng, nặng 18 tấn (do nhà điêu khắc Nguyễn Hải phác thảo và thi công); nhà mộ 3 Chiến sĩ Gang thép; khu trưng bày các hiện vật cùng thời (khẩu pháo 105 mm, xe lội nước M.113, máy bay trực thăng); nhà khách; hồ cảnh, thảm cỏ, cây xanh và đường nội bộ. Đặc biệt còn có ngôi mộ tháp (ngôi mộ này được Tiểu đội Gang thép dùng làm điểm tựa để đánh xe M.113) là vật chứng “sống”, là vết tích còn lại trong trận Ấp Bắc.

- Khu 2 là nơi phục dựng căn cứ kháng chiến chống Mỹ ở Tiền Giang giai đoạn 1954 - 1975, gồm có mô hình phục dựng nhà họp Ban Chỉ huy, nhà ở bộ đội đóng quân, nhà Hội trường, nhà Công binh xưởng, nhà bếp, trảng xê, hầm chữ A, L, Z, công sự, thảm cỏ, cây xanh, đường nội bộ.

- Khu 3 là Nhà trưng bày Chiến thắng Ấp Bắc với trên 140 ảnh, 200 hiện vật, mô hình, sa bàn diễn tả trận đánh và quảng trường, thảm cỏ, cây xanh. Bên cạnh đó, ngoài cánh đồng Ấp Bắc cũng như trên địa bàn xã Tân Phú còn có một số mô hình xe M.113 và máy bay bị bộ đội ta bắn cháy.

Chúng tôi đến thắp hương trước mộ phần của 3 Chiến sĩ Gang thép (là liệt sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) đặt trang trọng trong gian nhà thờ và lặng người thật lâu trước tượng đài bằng đồng sừng sững, uy nghiêm mang tên “Tiểu đội Gang thép”, với tư thế tiến công hiên ngang đứng trên xe tăng địch của 3 chiến sĩ: Lê Văn Toản (Hùng), quê tỉnh Long An; Đỗ Văn Trạch (Công), quê tỉnh Bến Tre và Nguyễn Văn Còng (Nguyễn Văn Đừng) quê tỉnh Đồng Tháp, đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Ấp Bắc ngày 2-1-1963, lập nên chiến công vang dội.

Đến thăm Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc hôm nay, thật xúc động khi tận mắt chứng kiến những hiện vật được trưng bày gồm: Xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly; các phương tiện thông tin liên lạc, súng, đạn, tư liệu tuyên truyền…. Mộ 3 Chiến sĩ Gang thép năm xưa đang tỏa khói hương nghi ngút bên vườn hoa rực rỡ sắc màu. Cạnh đó là nhà trưng bày nằm dưới những cây cao bóng mát mời gọi khách tham quan tìm hiểu và nghe kể trận Ấp Bắc 60 năm về trước với bao sự ngỡ ngàng và thán phục.  

Theo Ban Quản lý Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, từ khi khu di tích được khánh thành đi vào hoạt động, mỗi năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Khu di tích luôn là nơi được nhiều khách tham quan du lịch tìm đến mỗi khi về Tiền Giang. Ấp Bắc không chỉ là địa danh lưu giữ những hồi ức về một thời hào hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, mà còn là điểm đến ý nghĩa để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của các thế hệ đi trước.

Ngày nay, nhắc đến Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, chúng ta càng tự hào về khí phách anh hùng của cha ông, càng trân trọng hơn thành quả cách mạng hôm nay, thành quả được đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ đi trước. Tiếp nối truyền thống cách mạng, những thế hệ tương lai sẽ tiếp tục xây dựng quê hương Ấp Bắc ngày càng giàu đẹp để xứng đáng với những hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh Ấp Bắc hào hùng năm xưa.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023) và phục vụ khách tham quan nghiên cứu trong thời kỳ tiếp theo, trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho lập hồ sơ Di tích Chiến thắng Ấp Bắc để công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Nhận thấy đây là di tích có tầm quan trọng đặc biệt của dân tộc nên cần phải nâng tầm so với sự kiện vốn có của di tích nên đã được Bộ VHTT&DL chấp thuận chủ trương. Đến nay, hồ sơ di tích đã hoàn thành và đang chờ Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích Chiến thắng Ấp Bắc là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Khi được công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt sẽ nâng cao tầm quan trọng của Di tích Chiến thắng Ấp Bắc để phát huy tối đa giá trị trong việc ghi dấu công ơn của các thế hệ đi trước và giáo dục truyền thống xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến thắng Ấp Bắc có vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, nuôi dưỡng, lưu truyền truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa cho thế hệ sau. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích Chiến thắng Ấp Bắc gắn với phát triển du lịch sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội .

HỮU NGHỊ

.
.
.