Thứ Bảy, 17/12/2022, 20:52 (GMT+7)
.

Từ văn hóa, thêm góc nhìn về một nông thôn đáng sống

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về những trải nghiệm thực tiễn, mang tính chất tích hợp giữa “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “văn hoá-xã hội” để mọi người có thêm góc nhìn về một nông thôn đáng sống.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá không đơn giản là thực hiện tiêu chí về văn hoá, mà có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá không đơn giản là thực hiện tiêu chí về văn hoá, mà có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước.

Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu "to lớn, toàn diện và có tính lịch sử". Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. 

Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hoá

Theo Bộ Trưởng Lê Minh Hoan, nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là không gian mở, con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Con người hạnh phúc khi sinh hoạt và lao động trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc. Trong không gian đó, văn hoá đã giúp con người cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hoà.

Bên cạnh đó, nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hoá. Văn hoá bao gồm vật thể và phi vật thể. Cây đa, bến nước, sân đình vừa có giá trị hữu hình, vừa có giá trị vô hình. Văn hoá vật thể như kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục dân tộc, đền chùa, miếu mạo; văn hoá phi vật thể như tín ngưỡng dân gian, âm nhạc truyền thống,… Tất cả đều tạo ra cảm xúc cho người làng. 

Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hoá làng, phát triển kinh tế làng. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. "Lệ làng", những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên "Phép nước", mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện và về mặt nào đó, "lệ làng" cũng là không gian văn hoá đặc sắc ở nông thôn Việt Nam.

"Hình ảnh làng quê thôn dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, tràn đầy sức sống, cộng đồng hài hoà thân thiện do chính người làng tạo lập. Hình ảnh ấy sẽ là sức hút người xa làng quay trở về nhiều hơn, khách phương xa tìm đến trải nghiệm khám phát nét tinh hoa. Sản phẩm từ làng sẽ được tiêu thụ, ưa chuộng nhiều hơn. Thu nhập và chất lượng sống người làng sẽ được nâng thêm. Hình ảnh làng quê cũng ẩn chứa văn hoá nông thôn, tạo ra bản sắc riêng cho nông thôn. Đó chính là 'tài nguyên mềm', 'tri thức địa phương' phục vụ phát triển", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận và cho rằng, xây dựng nông thôn mới đâu chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người.

Cuộc sống, ngoài cái ăn cái mặc, nhà cửa, còn cần đến cảm xúc, cảm xúc tạo ra niềm hạnh phúc. Chính hạnh phúc mới là đích đến của mỗi con người. Nông thôn là để phục vụ con người và con người cùng nhau tạo ra nông thôn theo cách riêng, phù hợp với mình. Người làng cùng kiến tạo, cùng quản lý, cùng thụ hưởng thành quả của mình. Khi ấy, nông thôn sẽ thực sự là nơi đáng sống, nơi đáng trở về, nơi đáng tìm đến.

Cần có những tiêu chí về văn hoá nông thôn thực chất

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hoá địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống. Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự thân, tự tin giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.

Khi và chỉ khi văn hoá len lỏi sâu rộng vào từng gia đình, ngõ xóm, thì những danh hiệu "gia đình văn hoá", "khu dân cư văn hoá" mới đi vào thực chất và biến thành nguồn lực, nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hoá truyền thống không chỉ là của người cao tuổi, của ông bà tổ tiên, mà được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế vận động của thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn.

Từ bình diện quan điểm và góc nhìn nêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về "Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Cùng với đó là cần có những giáo trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội. Cần chú trọng nhóm đối tượng là học sinh từ những bậc học đầu tiên, đó chính là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy liên tục văn hoá dân tộc. Cần có những tiêu chí về văn hoá nông thôn thực chất có thể đo lường được, tránh bệnh thành tích trong bình xét các danh hiệu văn hoá. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá không đơn giản là thực hiện tiêu chí về văn hoá, mà có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước. Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán "giá như"!

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

.
.
.