Thứ Tư, 25/01/2023, 15:36 (GMT+7)
.

"Chê bánh chưng bị ăn tát", nghệ sĩ Xuân Bắc đang ám chỉ gì?

Bài đăng trên trang cá nhân "Cái tát của mẹ" của nghệ sĩ Xuân Bắc trong những ngày đầu năm đã dẫn đến phản ứng bởi ngôn từ và nội dung gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng nghệ sĩ mượn chuyện để "mắng" mỏ, dạy dỗ khán giả chê mình là cách ứng xử rất tệ.

Chương trình Gặp nhau cuối năm hay còn được gọi với tên khác là Táo quân, là chương trình được trông đợi nhiều nhất trong đêm 30 tháng Chạp nhưng cũng là chương trình thường xuyên nhận được nhiều bình luận trái chiều, khen chê nhất. Đây vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường. Và năm nay, ngay sau khi phát sóng, chương trình nhận nhiều lời chê về nội dung nhạt, câu chuyện cũ, ngôn từ kém duyên, thậm chí thô tục... Câu chuyện "làm dâu trăm họ" những tưởng người của công chúng phải am tường, ấy vậy mà, có nghệ sĩ đã đáp trả khán giả bằng cách mắng người chê với thái độ “hằn học”, ngôn từ kém văn hóa.

Với tựa đề “Cái tát của mẹ”, Xuân Bắc dùng câu chuyện về bánh chưng của mẹ - món mà tết năm nào cũng có để bóng gió nói tới chương trình Táo quân. Xuân Bắc kể câu chuyện một người mẹ tết nào cũng hì hụi gói bánh chưng, mong cái tết ấm tết vui cho cả gia đình. Nhưng con trai bà, một người đàn ông đã đón hơn 50 cái tết, giỏi chữ nghĩa, "gói bánh (chưng) rất ngu" nhưng năm nào cũng chê bánh mẹ mình gói dù vẫn ăn “tụt lưỡi”. Và rằng gói bánh chưng rất vất vả, không biết gói sao cứ đi dạy người khác gói… rồi “không ăn thì mày cút”, có giỏi thì tự đi mà gói…

a
Hình ảnh trong chương trình Táo quân 2023

Nhiều người khi đọc được những dòng chia sẻ của Xuân Bắc đã không khỏi “kinh ngạc” bởi lời lẽ suồng sã, thô tục kiểu như: "Sử tô - vừa chê phát là bọn nó xúm vào chê cùng mặc dù chưa đứa nào ăn miếng nào!", “Mày là đồ "Ăn cháo đá bát", "Mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn... đào lộn hột đi - ai cấm!?"

Khi “Cái tát của mẹ” được Xuân Bắc đăng trên mạng xã hội, nhiều người đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước cách hành xử thiếu chừng mực của nghệ sĩ. Có người viết: “Nghệ sĩ, người của công chúng mà dùng từ ngữ như thế thì thật đáng thất vọng. Chứng tỏ phông văn hóa có vấn đề. Đâu phải là kiến trúc sư thì mới có quyền nhận xét nhà đẹp xấu, ca sĩ, nhạc sĩ thì mới có quyền nhận định ca khúc hay dở hoặc phải là đầu bếp thì mới được phép khen món ăn…”.

Thậm chí có ý kiến gay gắt hơn: Khi chương trình bị một bộ phận khán giả chê, năm nào cũng bị chê, thì những người thực hiện chương trình nên tự xem lại bản thân và thay đổi để năm sau tốt hơn năm trước, chứ không phải tỏ thái độ thượng đẳng như thế này. Sóng truyền hình quốc gia là tài nguyên chung, những cái không phục vụ được số đông, nhảm nhí phải loại bỏ để nhường chỗ cho những chương trình khác thiết thực hơn, nghệ thuật và ý nghĩa hơn. Do đó đừng dạy khán giả không thích thì tắt tivi đi…

Nghệ sĩ có được vị trí, chỗ đứng cũng là nhờ có khán giả - đó là điều đơn giản nhất mà người làm sân khấu đều hiểu. Mọi lời khen, chê cũng là bởi khán giả còn quan tâm và kỳ vọng ở người nghệ sĩ. Đó cũng là những viên gạch lát đường giúp nghệ sĩ đi đến với thành tựu mới trong nghề. Chính bởi thế, với Xuân Bắc, một người đã nhiều năm gắn bó với sân khấu, đã có thành tựu với nghiệp diễn xuất và giờ đây đang quản lý một nhà hát lớn hàng đầu cả nước, đáng lẽ anh phải hiểu hơn ai hết ý nghĩa và giá trị việc góp ý, nhận định của khán giả đối với một sản phẩm nghệ thuật. Ấy vậy mà…

Nhà văn Trần Sĩ Tuấn viết: “Chính Xuân Bắc mới là người đá bát khi đã phụ lòng của khán giả. Đã "tham ô" thời gian và cả lòng mến mộ của khán giả. Là nghệ sĩ mà không hiểu mình làm gì, nói gì, nghệ thuật phục vụ ai thì thật đáng buồn!”

Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết: “… đã chấp nhận đời nghệ sĩ thì phải chịu được tiếng khen chê. Người ta chê mình thì phải xem lại mình trước. Biết nghe lời chê để hoàn thiện lao động nghệ thuật mới là người nghệ sĩ lớn chân chính, chứ không phải thợ diễn mua vui rẻ tiền”. Gay gắt hơn ông cũng cho rằng: "Còn một điều quan trọng nữa là: Người nghệ sĩ còn phải có lòng tự trọng nghề nghiệp, khi thấy cạn duyên thì biết từ chối lời mời, còn thấy mình vẫn “má thắm môi son” duyên mặn nồng, mà không biết mình đã thành cái xác không hồn di động trên sân khấu thì bi kịch chồng bi kịch. Thực ra, phát ngôn của Xuân Bắc cho rằng người chê Táo quân ”ăn cháo đá bát” lại là… dấu chấm hết của chương trình này.

Khán giả có quyền khen chê và nghệ sĩ cũng có quyền được thanh minh, phản ứng... song ngôn từ và thái độ "ngạo mạn" không phải là cách hành xử của nghệ sĩ.

Theo sggp.org.vn

.
.
.