.

Mâm cơm chiều 30 Tết

Cập nhật: 06:55, 22/01/2023 (GMT+7)

Những ngày giáp Tết, người ta thường cảm thấy chộn rộn, náo nức. Chộn rộn bởi cái không khí Tết ấm áp, chan hòa như lấp đầy trong không gian, chộn rộn bởi ai cũng tất bật ngược xuôi lo cho cái Tết đủ đầy, và điều làm người ta náo nức nhất, có lẽ chính là giây phút đoàn viên ấm cúng bên mâm cơm chiều 30 Tết.

Bữa cơm chiều 30 Tết hay người ta thường vẫn quen gọi là bữa cơm tất niên, từ lâu đã trở nên ý nghĩa với biết bao nhiêu người, bởi ở đó người ta được đắm mình vào những xúc cảm của yêu thương, của tình thân trọn vẹn. Những người đi xa cả năm vẫn thường mong ngóng đến ngày cuối năm để được sum họp bên gia đình, để được cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.

Bữa cơm chiều 30 Tết là bữa cơm đoàn viên, bữa cơm của tình thân ấm áp. Nó trở thành sợi dây kết nối tình cảm chặt chẽ giữa mỗi thành viên trong gia đình mỗi khi Tết đến xuân về. Khi những cơn gió se lạnh cuối năm thổi tới, cũng là lúc người người muốn được bên nhau, không khí đầm ấm trong bữa cơm tất niên đã trở thành miền ký ức tươi đẹp của biết bao người, nhất là những người con xa xứ, đó chính là thứ tình cảm thiêng liêng mà mỗi khi nhắc đến đều khiến cho người ta trào dâng một nỗi niềm nhớ thương gia đình, nhớ quê hương da diết. Ở đó có người thân mong ngóng những đứa con đi xa mau sớm trở về, bữa cơm tất niên vì thế cũng chính là một phần nguồn cội trong mỗi người.

a
Mâm cơm chiều 30 Tết luôn là bữa cơm ý nghĩa nhất trong ký ức mỗi thành viên trong gia đình. Ảnh: Tuoitre.vn

Nhớ khi xưa, khi kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, trước Tết nhiều ngày, mẹ tôi đã luôn cố gắng để có một bữa cơm tất niên ấm cúng và đủ đầy nhất có thể. Mẹ tôi tất bật chạy chợ bán thêm tý cá, tý rau để có thêm vài đồng mua thực phẩm cho chị em tôi ăn Tết. Sáng 30 Tết, mẹ cùng các con rục rịch chuẩn bị đồ để nấu mâm cơm cúng gia tiên và mâm cơm tất niên. Thường các thành viên trong gia đình trước khi ăn bữa cơm đoàn tụ thì phải chuẩn bị mâm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu. Chập tối, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm, cùng nhau “thưởng thức” cái hương vị cuối năm đầy ngọt ngào và ấm cúng.

Mâm cơm tất niên ngày ấy tuy đơn giản nhưng là cả sự chắt chiu, tần tảo của mẹ. Chúng tôi mong đến bữa cơm tất niên lắm vì thể nào mấy chị em cũng được nếm những món “sơn hào hải vị” của mẹ. Nào là giò thủ, nào là canh măng, dưa góp, hành muối, miến, bánh chưng, thịt đông… Tới giờ cái vị cay cay của hạt tiêu, bùi bùi của mộc nhĩ xen lẫn vị béo béo, giòn sần sật từ những phần thịt tai, mũi, lưỡi heo trong những khoanh giò thủ đặt ngay ngắn trên mâm cơm ngày Tết vẫn còn nguyên dư vị trong tôi. Những món mẹ nấu mang cả tâm huyết và tình thương dành cho chồng con.

Khoảng 27 Tết, mẹ tôi bắt đầu đi chợ lựa những cây dưa cải bẹ thật ngon về phơi qua cho héo, mẹ thường sẽ muối một vại hành, một vại dưa cải và dưa góp. Món hành muối thì phải muối sớm hơn mới kịp ăn vào Tết. Đây là những món ăn kèm để “chống ngán” không thể thiếu trong ngày Tết của gia đình tôi. Món hành muối bóc ra từng củ trắng tinh, những miếng su hào và cà rốt tỉa hình cánh hoa, lác đác vài nhánh tỏi bằm nhỏ kèm với màu đỏ của ớt, màu xanh của rau mùi trong món dưa góp mới nhìn thôi đã đủ hấp dẫn. Chị em tôi “kết” nhất món này của mẹ tôi, mỗi khi ăn cùng thịt đông thì vị ngon không sao tả xiết, vị chua cay mặn ngọt thấm trong đầu lưỡi hòa cùng với cái giòn sần sật của su hào, ăn với bánh chưng, giò thủ, hay thịt đông hoặc miếng nem giòn rụm đều vô cùng “hợp gu”. Mẹ tôi khéo lắm, nhớ khi xưa còn khó khăn, mâm cơm Tết không thể đủ đầy, nhưng dưới sự chu tất, khéo thu vén của mẹ, thể nào chị em chúng tôi cũng được ăn thịt gà. Mỗi món ăn qua bàn tay của mẹ, dù nguyên liệu rất đơn giản nhưng lại thơm ngon lạ thường.

Bao năm đã qua đi, tôi cũng được đi nhiều nơi và được thưởng thức nhiều món ăn, nhưng những món ăn trong bữa cơm tất niên của mẹ mãi trở thành miền ký ức ngọt ngào, nơi có sự ngon lành hòa quyện với tình mẹ bao la, tình gia đình ấm áp.

a
Xuân đến muôn nhà rộn khúc vui, sắc thắm hoa đào như đang gọi cả trời xuân về trong ký ức.

Xuân đến muôn nhà rộn khúc vui, các con đi xa quay trở về, bữa cơm trong ngày Tết là dịp để mọi người có thời gian ngồi lại bên nhau, đó cũng là lúc mọi người cởi mở chia sẻ cùng nhau mọi vấn đề trong cuộc sống, nhắc nhở con cái về mọi giá trị truyền thống và không quên chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Bên mâm cơm tất niên, các thành viên trong gia đình sẵn sàng chào đón năm mới chan chứa niềm vui. Hạnh phúc ấy đã trở thành thông lệ trong dịp Tết cổ truyền.

Dẫu nay điều kiện kinh tế mỗi gia đình có khác nhau, nhưng mâm cơm ngày Tết vẫn không thể qua loa. Mâm cơm chiều 30 Tết vẫn là nơi gắn kết mỗi thành viên trong gia đình sau một năm bận rộn, vất vả. Vì vậy, đến nay, mẹ tôi vẫn giữ thói quen chuẩn bị rất chu tất các món ăn truyền thống ngày Tết với mong muốn mang hương xuân, mang sự ngọt ngào đến cho các thành viên trong gia đình.

Bữa cơm chiều 30 Tết luôn là bữa cơm ý nghĩa nhất trong ký ức mỗi thành viên trong gia đình. Sau một năm bôn ba kiếm sống, sự đoàn tụ bên nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, câu chuyện về những vất vả khó khăn sau một năm làm việc hay những thành tựu đạt được đều được kể cho nhau nghe. Những câu chuyện cứ mãi nối dài qua bữa cơm tất niên, nơi khơi nguồn biết bao điều hay ý đẹp, nơi nuôi dưỡng tình thương yêu, lòng vị tha, những thứ tình cảm cao đẹp của con người.

a
Mâm cơm chiều 30 Tết nay đã khác xưa, nhưng tình yêu thương, tình thân, tình quê hương thì vẫn còn đó, đậm đà khó phai. Ảnh: VnExpress.net

Cuộc sống đổi thay, sung túc hơn, mâm cơm chiều 30 Tết tuy nay đã khác xưa, người ta có thể thêm vào thực đơn thật nhiều món ăn mới, nhưng cái cốt lõi của mâm cơm tất niên, đó là tình yêu thương, tình thân, tình quê hương thì vẫn còn đó, đậm đà khó phai. Trải qua biết bao thử thách khó khăn, nhưng mỗi khi các thành viên trong gia đình ngồi lại bên mâm cơm tất niên thì những khó khăn đó như chợt tan biến, nhường lại chỗ cho những tình thân nồng nàn, người ta tìm thấy sự cổ vũ, động viên, khích lệ trước những thành công hay khó khăn, tìm thấy sự an yên bên những người thân, đó chính là giá trị lớn lao mà mâm cơm chiều 30 Tết mang lại cho mỗi người.

Trong tôi chợt hiện lên hình ảnh cả nhà ngồi quây quần bên nhau, cha nâng chén rượu đế nhấm nháp, cha kể về ngày xưa khi gia đình còn khốn khó, quanh năm chạy ăn không đủ no… Ngoài kia, tiếng pháo hoa bắt đầu lụp bụp bắn những tia sáng sắc màu lên không gian tĩnh mịch, trên ti vi vọng ra tiếng Chủ tịch nước chúc Tết, lẩn khuất trong khói hương trầm là tiếng ngâm thơ Tết như đang gọi cả trời xuân về trong ký ức.

Theo qdnd.vn

.
.
.