.

Nhà báo Thái Phong: Vẽ chân dung quê hương qua những trang viết

Cập nhật: 14:33, 11/01/2023 (GMT+7)

Nhận xét về Nhà văn - Nhà báo Thái Phong, Nhà thơ Lê Hà, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang viết: “Nếu Đoàn Giỏi là cây bút mở đường cho sự nghiệp sáng tác văn xuôi của Mỹ Tho trong thời kháng chiến chống Pháp, thì Thái Phong là một trong những cây bút sáng giá mở đường cho phong trào văn xuôi ở đây trong thời kháng chiến chống Mỹ”.

Năm 1989, Nhà báo Trần Bửu viết: “Gần 30 năm cầm bút, Thái Phong đã vẽ bức chân dung của quê hương trong thời kỳ kháng chiến gian khổ. Văn chương của anh đã góp phần cho sự phát triển của báo chí cách mạng và văn học Tiền Giang trong thời chống Mỹ và hơn 10 năm sau ngày giải phóng”.

Thái Phong, tên thật là Thái Văn Thanh, sinh năm 1941 tại làng Lương Quới, quận Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (nay là xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà. Năm 1953, ông qua Mỹ Tho học Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu và được giác ngộ cách mạng. Năm 1961, ông thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến, công tác tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho, trực tiếp làm các công việc tuyên truyền, văn nghệ và giáo dục.

Tháng 2-1963, ông được phân công sang Tiểu ban Báo chí của tỉnh. Ở môi trường công tác mới, năng khiếu sáng tác văn học của ông được bộc lộ và phát huy. Thái Phong là cây bút chủ lực của Báo Ấp Bắc và Tập san Văn Nghệ Mỹ Tho, chuyên viết truyện ngắn, bút ký, phóng sự…

Nhờ luôn bám sát chiến trường, nên các tác phẩm của ông hừng hực khí thế chiến đấu, ca ngợi những chiến công oanh liệt của quân dân ta, có tác dụng tốt trong việc động viên tinh thần hăng hái chiến đấu và sản xuất của quân dân tỉnh nhà. Truyện ngắn Em Đức của Thái Phong đoạt được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng năm 1966. Sau đó, truyện ngắn Bông trang đỏ tiếp tục được ra đời và được đánh giá là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của nền văn học Đồng bằng sông Cửu Long trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Cố Nhà báo Thái Phong, nguyên phóng viên và là cây bút chủ lực của Báo Ấp Bắc đã từng có những dòng viết về tòa soạn trong những ngày đầu:

“Sau khi chia hai: Chú Năm Thọ và anh Trần Bửu qua văn nghệ, chú Tám Thạnh và tôi ở lại báo, tòa soạn Báo Ấp Bắc đóng trong một cái nhà đứng bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp thuộc xã Hưng Thạnh, huyện Châu Thành. Với kinh nghiệm làm báo, viết lách lâu đời của mình, chú Tám Thạnh gánh hết mọi chuyện. Còn tôi chỉ đi lấy tin ở các cơ quan, đoàn thể, nhưng chủ yếu ở Văn phòng Tỉnh ủy, chỗ anh Ba Đê.

Một bữa tôi vừa lấy tin xong, đi về nửa đường thì 2 chiếc khu trục đi đầu ở miền Tây về, không quần không đảo, nhào xuống bỏ bom na-pan vào nhà đồng bào, giết chết 6 người. Tôi chạy một mạch về nhà và hỏi chú Tám Thạnh như vậy có viết được tin không. Chú nói được và bảo tôi đi ngay. Suốt mấy tháng ròng rã, hai chiếc cồng cộc Mỹ bắn phá liên tục trong khu vực cơ quan đầu não của tỉnh đóng ở đây. Cũng như các cơ quan khác, báo vẫn làm việc đều đặn. Lúc này có thêm đồng chí Thưởng phụ trách sinh ngữ, đánh tin tức về trên và nhận tin tức các nơi về.

Ngoài chuyên môn chính đó, đồng chí Thưởng thay tôi đi lấy tin các cơ quan, còn tôi đi xa hơn, xuống huyện, xuống xã, những nơi có phong trào. Địch đánh ngày càng ác liệt, không thể ở được, cơ quan của tỉnh dời vô Tân Hòa Đông. Chú Tám Thạnh, tôi và Thưởng che 3 tấm nhựa dưới lùm đưng và làm việc trong đó. Hơn một tháng, cơ quan tỉnh lại có lịnh dời ra khu vực Ấp Bắc - Nhị Bình. Chúng tôi lại xuống xuồng bơi đi. Lúc này đồng chí Thưởng xin đâu được một con chó. Vì dời dạt hoài, dầm sương, dang nắng nên con chó lúc đầu khá lắm, sau rụng lông ốm tông ốm teo.

Bơi suốt một đêm, từ Tân Hòa Đông ra, đến khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đến vùng Ấp Bắc. Thấy một bờ trâm bầu mát mẻ, chúng tôi ghé lại nấu cơm ăn rồi hãy tính nữa. Ăn cơm xong, thấy trời còn mát, chúng tôi đem mấy manh đệm lên trải dưới gốc trâm bầu nằm nghỉ. Nói nằm nghỉ chớ chỉ có chú Tám Thạnh ngả lưng xuống giây lát gì đó rồi ngồi dậy uống trà, hút thuốc Ru-bi. Ba chúng tôi ngồi quây quần bên nhau dưới gốc trâm bầu và bàn chuyện viết bài cho báo. Bây giờ, Tòa soạn có xe cộ, nhà cửa, người người đông vui, tôi không thể nào quên được Tòa soạn những ngày đầu tiên ấy”.


Năm 1972, Thái Phong bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Trong nhà tù, ông quyết không đầu hàng giặc, một lòng trung thành với Đảng và nhân dân, xứng đáng là người chiến sĩ cộng sản kiên cường và bất khuất.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), ông công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Mặc dù sức khỏe ngày càng sút kém do những năm tháng ở trong  lao tù, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác văn học. Truyện ngắn và bút ký của ông xuất hiện đều đặn trên Báo Ấp Bắc, Báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang,…

Năm 1980, tuy sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn xung phong đi thực tế ở Pursat (Campuchia), tỉnh kết nghĩa với Tiền Giang. Cùng sống và chiến đấu vô cùng gian khổ với bộ đội tình nguyện Việt Nam trên chiến trường nước bạn, ông đã hoàn thành hai tác phẩm có giá trị văn học và tư tưởng là tập bút ký Phía trước và truyện ngắn Trăng Biển Hồ; trong đó, Trăng Biển Hồ, theo Nhà thơ Lê Hà là một trong những truyện ngắn hay nhất của Tiền Giang sau ngày 30- 4-1975.

Năm 1989, Thái Phong qua đời tại TP. Mỹ Tho giữa lúc tài năng đang độ chín muồi. Với những cống hiến cho nền văn học, ông được tỉnh Tiền Giang truy tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang - Giải Thủ Khoa Huân.

SONG LAN

.
.
.