Sau hai năm im ắng do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, thị trường phim Việt chiếu rạp được kỳ vọng sẽ tái khởi sắc và đột phá trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là mùa phim Tết 2023. Phim chiếu rạp chứng kiến sự ra mắt và tái khởi động của hàng loạt dự án, sôi động nhất là dịp hè và giai đoạn cuối năm 2022. Đa phần các dự án đều được nhà sản xuất giới thiệu, quảng bá rầm rộ. Cùng với số lượng phim khá hùng hậu, đề tài, thể loại của các dự án điện ảnh cũng khá phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của công chúng, điện ảnh thiếu phim hay, thừa phim dở. Nhiều bộ phim nhanh chóng chết yểu sau vài suất chiếu. Thậm chí, có phim tiền bán vé thu về chỉ vỏn vẹn dăm chục triệu đồng. Nguyên nhân bởi chất lượng phim quá tệ. Không ít sản phẩm chỉ ở mức phim chiếu mạng, thậm chí nó chỉ tương đương bài tập thực hành của sinh viên học đạo diễn.
Những bộ phim được truyền thông gắn mác “thảm họa điện ảnh” có thể kể đến như: “Virus cuồng loạn”, “Huyền sử Vua Đinh”, “Duyên ma”, “Cù lao xác sống”... Điểm chung của những bộ phim này là không chỉ tệ về nội dung, nghèo nàn về ý tưởng nghệ thuật, mà cách diễn xuất, tạo hình các nhân vật cũng hết sức nghiệp dư, cẩu thả, mắc những “lỗi chính tả” sơ đẳng.
Trấn Thành trong một cảnh phim “Nhà bà Nữ”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp . |
Trong bức tranh ảm đạm đó, sự xuất hiện của những bộ phim khá không đủ sức để níu giữ lòng kiên nhẫn của khán giả. Sự thất bại về doanh thu phòng vé của “Thanh Sói”-một sản phẩm được đầu tư tâm huyết của “đả nữ” Ngô Thanh Vân với vai trò đạo diễn và nhà sản xuất, khiến giới chuyên môn không khỏi tiếc nuối.
“Thanh Sói” không thực sự xuất sắc về nội dung, ý tưởng, nhưng được chăm chút khá kỹ lưỡng về ngôn ngữ điện ảnh, là một trong số ít bộ phim khá nhất của điện ảnh Việt trong năm 2022. Tuy nhiên, sau khi công chiếu, phim không được khán giả đón nhận như kỳ vọng. Sự thất bại về doanh thu của phim cho thấy, Ngô Thanh Vân là ngôi sao võ thuật nổi tiếng trong diễn xuất, nhưng ở vai trò nhà sản xuất và đạo diễn, chị thực sự chưa có lực và đà để bứt phá. Sự thất bại của “Thanh Sói” một lần nữa chứng minh, các dự án “ăn theo”, để mong “ăn thêm” phim ăn khách, rất khó để tái lập đỉnh cao.
“Thanh Sói” là nhân vật phản diện điển hình của phim hành động võ thuật “Hai Phượng” do Ngô Thanh Vân thủ vai chính. Phim gây sốt phòng vé quốc nội năm 2019 và được phát hành tại thị trường một số quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến, đem về doanh thu “khủng”. Cùng với nhân vật chính, sự xuất sắc đến từ nhân vật phản diện Thanh Sói đã “đốn tim” khán giả. Đó là lý do để Ngô Thanh Vân triển khai ý tưởng làm phim riêng về nhân vật này.
“Thanh Sói” vẫn mãn nhãn với các pha rượt đuổi, đánh đấm gay cấn, nhưng chỉ bấy nhiêu là không đủ để nó bắt kịp “Hai Phượng”. Trước đó, không ít phim có chủ đề “ăn theo” các tác phẩm, nhân vật nổi tiếng cũng từng bị “ngã ngựa”. Đã có tiền lệ, nhưng các dự án “ăn theo” nhằm “ăn thêm” trong thị trường điện ảnh thi thoảng vẫn diễn ra. Trong hoàn cảnh đó, các nhà làm phim giống như đang chơi một “canh bạc”, được ăn cả, ngã về không...
Không thể mãi trông đợi vào “sao”
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường điện ảnh năm 2022, sự ra mắt của những dự án chiếu rạp dịp Tết Nguyên đán Quý Mão phải trông cậy rất nhiều vào sự tỏa sáng của những ngôi sao. Trấn Thành là cái tên “hot” nhất. Sau thành công rực rỡ của phim “Bố già” năm 2021, Trấn Thành trở lại bằng dự án “Nhà bà Nữ”, với vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn và diễn xuất. Trấn Thành là mẫu nghệ sĩ đa năng, đa tài, có lượng fan hâm mộ hùng hậu. Mặc dù nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, truyền thông cũng dành cho anh sự ưu ái nhất định, nhưng bản thân Trấn Thành vẫn bày tỏ sự khiêm tốn khi nói về phim của mình.
Được các nhà phát hành xem là “con cưng” của thị trường phim Tết, phim mới của Trấn Thành được kỳ vọng là điểm sáng để cứu thị trường điện ảnh sau một năm bết bát, te tua. Sự kỳ vọng đặt nhiều vào “Nhà bà Nữ” khiến phim hài “Siêu lừa gặp siêu lầy” với sự góp mặt của diễn viên hài Mạc Đăng Khoa phải quyết định dời lịch chiếu chậm hơn dự kiến. Đối thủ phòng vé của “Nhà bà Nữ” là dự án của đạo diễn mát tay Vũ Ngọc Đãng “Chị chị em em 2”. Sự trở lại lần này của Vũ Ngọc Đãng chỉ ở mức tròn vai, không thực sự xuất sắc, không có sự đột phá, nhưng đặt trong mặt bằng thị trường có quá nhiều phim dở trước đó, làm được như “Chị chị em em 2” cũng đã có thể gọi là tốt. Phim ra rạp, dù không gây sốt phòng vé nhưng cũng có được khoản lợi nhuận khả quan.
“Nhà bà Nữ” của Trấn Thành chỉn chu về ngôn ngữ điện ảnh, kể câu chuyện xúc động với nhiều bài học gai góc về các mối quan hệ gia đình theo mạch của “Bố già” trước đó. Phim được chiếu đúng ngày mồng Một Tết và ngay ngày đầu tiên ra rạp, “Nhà bà Nữ” đã mang về doanh thu 26 tỷ đồng. Những ngày tiếp theo, tiền bán vé trung bình khoảng 25 tỷ đồng/ngày. Phim của Trấn Thành được dự báo có thể đạt mức doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Dù khó lặp lại kỳ tích phòng vé của “Bố già”, nhưng “Nhà bà Nữ” thực sự là điểm sáng của thị trường điện ảnh trong cảnh thất bát.
Nhưng, “một ngôi sao chẳng sáng đêm”, thành công của Trấn Thành và các cộng sự chỉ mang yếu tố cá nhân, và trong chừng mực nào đó còn là sự may mắn. Muốn phát triển nền điện ảnh quốc nội, không thể mãi trông chờ vào sự tỏa sáng của một vài ngôi sao. Sự lép vế hoàn toàn của phim nội so với các dự án điện ảnh nhập ngoại và sự phập phù về chất lượng phim Việt trong môi trường xã hội hóa cho thấy, khát vọng về một ngành công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp ở ta vẫn còn là cuộc hành trình đầy chông gai, gian khó và xa vời. Thiếu tiền, thiếu công nghệ đã đành, cái thiếu và yếu cố hữu vẫn là kịch bản.
Những câu chuyện phim được các đạo diễn, nhà sản xuất mang đến cho công chúng chưa thực sự chạm đến cảm xúc, nhu cầu, khát vọng của công chúng. Quanh đi quẩn lại, phim chỉ loanh quanh chuyện xã hội đen đánh đấm, chém giết, chuyện tình đồng giới, cảnh nóng, mâu thuẫn gia đình, ma quỷ, hài nhảm... Trên không gian mạng, có khán giả bình luận: Đã khốn khổ vì đại dịch Covid-19 rồi, vào rạp xem phim lại toàn thấy bức tranh đen tối của xã hội đen, ma quỷ. Sao các nhà làm phim không đem đến những góc nhìn tươi sáng hơn về đời sống xã hội...
Đó là điều các đạo diễn, nhà sản xuất phim rất cần lưu tâm.
Ai cũng thấy, nhân vật chính của thời đại thể hiện ước mơ khởi nghiệp, lập nghiệp và những vẻ đẹp của hy sinh, cống hiến, nhân văn... trong thế hệ trẻ của thời hội nhập mang khát vọng dân tộc hùng cường, vẫn vắng bóng trong môi trường điện ảnh những năm gần đây. Khi xu hướng, khát vọng của thời đại chưa được các nhà làm phim quan tâm khai mở, khai thác xứng tầm, nghệ thuật điện ảnh vẫn còn cách hiện thực đời sống một khoảng khá xa. Và như thế, sự xuất hiện của một vài ngôi sao lẻ loi là không đủ để vực dậy cả thị trường điện ảnh.
(Theo www.qdnd.vn)