Chủ Nhật, 26/02/2023, 20:49 (GMT+7)
.

80 năm ra đời "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" (1943-2023): Cội nguồn tinh hoa, thách thức đương thời

LTS: “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (ra đời năm 1943) được xem là “Cương lĩnh văn hóa” đầu tiên của Đảng, với nguyên tắc “Dân tộc hóa - Khoa học hóa - Đại chúng hóa”, trở thành nền tảng tư tưởng soi đường cho quốc dân đi, giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, sự chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa.

Qua 80 năm, không chỉ trong các nghị quyết của Đảng, mà còn trong hệ thống văn kiện, chiến lược, các nguyên tắc trên xuất hiện xuyên suốt, đã khẳng định tầm nhìn lâu bền của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” với sự phát triển của đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, nhiều thách thức đặt ra, để sức mạnh nội sinh của văn hóa được phát huy tối đa, là câu chuyện không dễ dàng.

“Khi đi diễn ở nhiều địa phương tại Hàn Quốc, có những cô bác người Hàn thích đàn bầu tìm đến ôm, nắm tay tôi và khen ngợi nhạc cụ của Việt Nam mình, làm tôi thấy rất tự hào”, Dương Bảo Khánh (học viên du học bậc thạc sĩ, học bổng từ Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc tài trợ) xúc động chia sẻ trước thời điểm anh chuẩn bị về nước trình diễn.

Thanh âm truyền thống

Trong chương trình của Chính phủ Hàn Quốc, những buổi biểu diễn nghệ thuật khắp các tỉnh thành do Trường Đại học Nghệ thuật tổng hợp quốc gia Hàn Quốc tổ chức, Dương Bảo Khánh mang tiếng đàn bầu và đàn T’rưng Việt Nam lan tỏa cùng bạn bè và du khách nước ngoài. Bảo Khánh chia sẻ: “Rất khó để so sánh âm nhạc hay âm sắc nhạc cụ của nước nào hay hơn nhưng trước tiên, phải có nét đặc trưng. Âm nhạc truyền thống Việt Nam có nhiều nét riêng so với phần còn lại của thế giới, tạo được bản sắc. Đó chính là niềm tự hào”.

Trong đêm nhạc “Tân âm” tổ chức ngày 27-2 tại TPHCM tới đây, Bảo Khánh sẽ giới thiệu cách chơi đàn tam thập lục và đàn tranh cải tiến mà anh nghiên cứu trong quá trình học tập tại Hàn Quốc. Anh chia sẻ: “Từ tam thập lục phổ thông, tôi nghiên cứu và cho ra đời đàn tam thập lục theo 2 hướng, thu nhỏ lại để tiện mang đi và phát triển lớn hơn để tối ưu hơn trong việc thể hiện những tác phẩm lớn, độ khó cao ở môi trường học thuật. Còn đàn tranh vốn theo ngũ cung, thang âm 5 âm, nhưng với đàn tranh cải tiến lần này thì đáp ứng 10/12 âm thuộc thang âm Chromatic”.

a
Dương Bảo Khánh (giữa) biểu diễn đàn bầu cùng ban nhạc tại Hàn Quốc

Không chỉ Bảo Khánh, nhiều năm qua, rất nhiều nghệ sĩ Việt hay các bạn trẻ học tập và làm việc ở ngoài nước đều mong muốn được đóng góp cho văn hóa Việt, bằng chính những chất liệu truyền thống. Theo nghệ sĩ đàn tranh và piano Trí Nguyễn, trong các tour diễn trên thế giới, anh luôn được khán giả đón nhận khi cố gắng bắc chiếc cầu giữa âm nhạc truyền thống Việt và âm nhạc các nước. Theo anh, muốn có cái mới thì phải thật vững cái cũ, phải nắm chắc giá trị, bản sắc dân tộc của mình. Anh nói: “Quan trọng hơn, khi nắm chắc âm nhạc của mình, hãnh diện về văn hóa của mình, sẽ không là lai căng mà là giao thoa”.

“Tôi trân trọng những nghệ sĩ đang làm các dự án về âm nhạc, sách vở, phục trang, những người luôn cố gắng đem tinh hoa của văn hóa Việt ra thế giới. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu như hiện nay, việc phát huy, chuyển tải về văn hóa dân tộc Việt Nam thực sự cần thiết”, Trần Ngọc Linh, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chia sẻ.

Nỗi lo hội nhập - hòa tan

Nỗi lo lớn nhất trong quá trình hội nhập, chính là sự lai căng, biến tướng, thậm chí đi lệch các chuẩn mực, nền tảng văn hóa của sản phẩm và một bộ phận người dân. Khi bản sắc văn hóa dân tộc bị coi thường, biến dạng, đó không còn nỗi lo mà trở thành thách thức, nguy cơ của cả dân tộc.

Báo cáo năm 2022 của We are Social (một công ty nghiên cứu toàn cầu về truyền thông và xã hội, trụ sở tại Anh), trung bình mỗi người dùng Việt Nam sử dụng 7,4 nền tảng mạng xã hội khác nhau để liên lạc với bạn bè, gia đình, đọc tin tức, “bắt trend”, xem livestream… Trong đó, có 72,10 triệu người dùng internet tương ứng tỷ lệ thâm nhập 73,2%. Nội dung video được xem nhiều nhất là video ca nhạc (58,8%), livestream (41,9%), video đánh giá sản phẩm (35,8%). Những con số trên cho thấy, yếu tố công nghệ gần như xóa nhòa một phần ranh giới quốc gia, ranh giới văn hóa, nhưng mối lo ngại từ các nền tảng trực tuyến, kênh giải trí nước ngoài ngày càng đáng lo ngại. Con số tổng kết lượt người xem nền tảng trực tuyến, doanh thu bán sách (trên môi trường mạng)… năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng nhiều bậc phụ huynh không biết con mình đang xem gì, có hại hay không?

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cần thấy mặt trái của công nghệ, thay đổi về cách thức giao tiếp; thông tin và văn hóa trên internet cũng đặt con người, văn hóa xã hội trước nhiều nguy hiểm khó lường. Các phương tiện truyền thông xã hội, mạng viễn thông, internet tạo thuận lợi cho giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thể chế chính trị, an ninh quốc gia, an ninh văn hóa...

Bản sắc văn hóa không bất biến, nó có thể vận động, bổ sung, phát triển để phù hợp hơn với thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Làn sóng văn hóa đại chúng Âu Mỹ, Hallyu (Hàn Quốc)…, gần nhất là việc hưởng ứng lễ hội nước ngoài như Halloween tại một số tỉnh, thành khiến nhiều người trăn trở về các giá trị văn hóa truyền thống mong manh trước những làn sóng bên ngoài. Dễ thấy sự trùng lắp của kịch bản phim Việt Nam với Hàn Quốc, Thái Lan… Thậm chí, trên một số nền tảng giải trí trực tuyến, nhiều bộ phim xuyên tạc lịch sử Việt vẫn ngang nhiên được phát sóng, cho đến khi chính người dân phát hiện, lên án thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. Một nhà nghiên cứu văn hóa từng bày tỏ: “Nếu xem các phim làm lại (remake) để chiếu rạp, phát sóng truyền hình, thì gần như là sự rập khuôn Hàn Quốc. Chúng ta chưa thật sự xem văn hóa là ngành công nghiệp có thể sinh lợi nhuận, tạo địa vị, bản quyền trên trường quốc tế nên chưa có cách khai thác, tiếp thị đúng mức và đúng hướng”.

“Sự va chạm giữa các nền văn hóa có thể khiến một nền văn hóa mạnh lên, cũng có thể khiến nó yếu đi, tùy khả năng đề kháng của nền văn hóa đó. Khả năng đề kháng phụ thuộc vào giá trị của văn hóa truyền thống cũng như ý thức của thế hệ hôm nay đối với những vấn đề của văn hóa”. Vấn đề mà PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nêu ra, cũng là một thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập.


* PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: Văn hóa phải là nền tảng tinh thần

Cần lưu ý, trong văn hóa có cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Chúng ta thường hay nhấn mạnh đến yếu tố tích cực của văn hóa để cổ vũ, động viên mọi người, tuy vậy, trong văn hóa cũng có yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn những ngày tết vừa qua, có nhiều phong tục rất đáng quý, giúp trải nghiệm giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều thói quen ngày tết nên bỏ trong bối cảnh xã hội đã thay đổi như tụ tập rượu chè, tâm lý chây ỳ, nghỉ ngơi quá nhiều… Trong bối cảnh dịch Covid-19, có nhiều thói quen chưa khoa học trong sinh hoạt, trở thành nguyên nhân lan truyền dịch bệnh.

Hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, hiện tượng mê tín dị đoan có xu hướng phát triển, vấn đề đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, càng bức thiết hơn bao giờ hết.

* PGS-TS Phạm Quang Long, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Điều chỉnh để có nền văn hóa phát triển bền vững

Gần đây, xu hướng sản phẩm văn hóa chạy theo thỏa mãn nhu cầu giải trí của đại chúng, chỉ quan tâm đến bề nổi mà ít chú ý đến tính chuyên nghiệp hay giá trị bền vững, gây ra những tác hại cho văn hóa dân tộc, đã được chỉ ra và đang được điều chỉnh.

Xu hướng cào bằng, hành chính hóa, xây dựng mô hình văn hóa ở các vùng miền khác nhau theo tiêu chí giống nhau, ảnh hưởng đến sự đa dạng và bản sắc văn hóa các vùng miền… cần được khắc phục. Văn hóa vừa mở đường để một quốc gia vững vàng bước vào toàn cầu hóa, vừa là hồn cốt của một dân tộc, quốc gia đảm bảo cho quá trình ấy thành công. Trong công cuộc vững bước cùng thời đại, có vai trò rất lớn của văn hóa.

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.