Thứ Ba, 28/02/2023, 09:23 (GMT+7)
.

Chung tay giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa

Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì rất cần sự chung sức đồng lòng của toàn dân vì một nước Việt Nam “hùng cường, thịnh vượng”. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Tiền Giang trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

* PHÓ HIỆU TRƯỞNG PHỤ TRÁCH TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỨC BẢO:

Đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa

 

Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943. Đây được coi là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về công tác văn hóa, văn nghệ. Đến nay, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giá trị cốt lõi và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược và có tính khoa học trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển ngày càng hoàn thiện đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7-1998) khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Thật vậy, để những giá trị văn hóa dân tộc được lan tỏa theo thời gian và không gian đòi hỏi phải có những chủ thể thực hành, bảo vệ và trao truyền các giá trị ấy. Người dân, quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo nhất để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa là những người am hiểu về các giá trị văn hóa dân tộc, có khả năng khái quát, dẫn dắt cộng đồng trong việc thực hành văn hóa. Bằng tri thức, phương pháp, uy tín, họ không chỉ truyền dạy cho cộng đồng cách thức thực hành văn hóa, mà còn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của sản phẩm văn hóa để từ đó chung tay bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa.

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam là dịp để mỗi cán bộ, trí thức, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc thêm những giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận và thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa. Từ đó, mỗi người theo chức năng, nhiệm vụ của mình có hành động thiết thực nhằm đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

* PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP. MỸ THO LÊ THỊ BÉ PHƯỢNG:

Tiếp tục làm phong phú nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân

 

Thời gian qua, TP. Mỹ Tho đã tập trung chỉ đạo phong trào văn hóa, văn nghệ, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương. Theo đó, phong trào văn nghệ quần chúng của thành phố phát triển ngày càng sâu rộng. Hầu hết các phường, xã đều có phong trào văn nghệ nhiều lứa tuổi, phát triển xuống tận khu phố, ấp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm xây dựng và phát triển các câu lạc bộ, đội nhóm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, qua bình xét có trên 95% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 100% khu phố, ấp được tái công nhận khu phố, ấp văn hóa; 100% xã tái công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 86 con đường văn hóa; 6 công viên văn hóa; 10 chợ văn hóa; 79 cơ sở thờ tự văn hóa; có 22 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia gồm chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, đình Điều Hòa và 19 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP. Mỹ Tho đã gìn giữ, phát huy tốt giá trị văn hóa có từ lâu đời của địa phương, đồng thời làm phong phú nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân thành phố, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

* NHÀ THƠ TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ VĂN NGHỆ TIỀN GIANG:

Văn nghệ sĩ chung tay xây dựng nền văn hóa dân tộc

 

Trong những năm qua, phát huy tinh thần dấn thân, nhập cuộc xem “Văn hóa cũng là một mặt trận”, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Tiền Giang đã đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Tiền Giang và đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn về sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận phê bình, quảng bá tác phẩm, xây dựng hội, bồi dưỡng tài năng trẻ… Tác phẩm của văn nghệ sĩ Tiền Giang viết về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi sâu vào việc mô tả con người và cuộc sống trong cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, chống lại cái ác, cái tiêu cực, thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội. Các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh, biểu dương, cổ vũ những giá trị tốt đẹp của vùng đất, con người Tiền Giang, góp phần hướng công chúng đến chân - thiện - mỹ, bồi dưỡng lòng yêu nước, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, của vùng đất Tiền Giang…

Từ năm 2011, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật Thủ Khoa Huân (định kỳ 5 năm một lần). Đến nay đã tổ chức xét tặng lần thứ III, với trên 50 tác phẩm, công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh về đất và người Tiền Giang trong hai cuộc kháng chiến, cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Đề án Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024 được triển khai, bước đầu mang lại những tín hiệu đáng phấn khởi.

Thời gian tới, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ duy trì và phát triển mạnh mẽ bằng nhiều hình thức. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh; tổ chức các cuộc thi, trưng bày triển lãm, biểu diễn, đầu tư sáng tác, mở trại sáng tác... tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ, nâng cao chất lượng tác phẩm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

GIA TUỆ (lược ghi)
 

.
.
.