Văn hóa, nghệ thuật góp phần làm đẹp quê hương
Ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23 “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (gọi tắt là Nghị quyết 23). Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) của tỉnh Tiền Giang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, đa dạng về nội dung, phương thức, thu hút nhiều giới công chúng tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trên địa bàn.
Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật do ngành VH-TT&DL tổ chức diễn ra đúng với đường lối văn học nghệ thuật của Đảng; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt nhiều ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội cách mạng của tỉnh. Ngành VH-TT&DL đưa vào phần hội nhiều hoạt động văn hóa - thể thao, tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng đối với nhân dân trong tỉnh.
Hội thi Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động tỉnh Tiền Giang năm 2022. |
Về hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn nghệ quần chúng, tỉnh hiện có 1 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) và 15 đơn vị nghệ thuật hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Trong 15 năm qua, các đơn vị nghệ thuật đã xây dựng trên 300 chương trình, tổ chức biểu diễn trên 1.800 buổi, phục vụ cho hàng ngàn lượt công chúng trong và ngoài tỉnh. Sở VH-TT&DL đã tiếp nhận trên 500 lượt đơn vị nghệ thuật ngoài tỉnh đến biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, tại Rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho), Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) tổ chức biểu diễn định kỳ miễn phí Chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm”, thu hút đông đảo khán giả dự xem, góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương của tỉnh - nơi được xem là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025” được UBND tỉnh phê duyệt, với trên 300 buổi biểu diễn đờn ca tài tử được tổ chức từ năm 2016 đến nay tại Rạp hát Thầy Năm Tú.
Cùng với hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh cũng phát triển mạnh ở cấp xã, khối cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang. Toàn tỉnh hiện có trên 160 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiên chính trị, văn hóa - xã hội tại địa phương. Hằng năm, ngành VH-TT&DL cùng các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức trên 300 cuộc hội thi, liên hoan văn nghệ với rất nhiều nội dung, phương thức, qua đó tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Toàn tỉnh hiện có trên 80 Câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, thường xuyên tổ chức sinh hoạt, biểu diễn tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân tại địa phương. Năm 2021, UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Các nội dung hoạt động của Đề án đã đưa chủ trương của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tạo được môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị…
Ngoài các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mang tính bề nổi, công tác sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được Sở VH-TT&DL quan tâm, đưa vào nội dung công tác của ngành hằng năm. Từ năm 2011 đến nay, Sở VH-TT&DL đã thực hiện các đề tài nghiên cứu được Bộ VH-TT&DL nghiệm thu như: Nghề làm bánh phồng ở Cái Bè - Tiền Giang; Nghệ thuật Xây chầu - Đại bội ở Tiền Giang; các món mắm vùng Gò Công; Nghề làm hủ tiếu ở xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho); Nghề dệt chiếu ở xã Long Định (huyện Châu Thành).
Có thể nói Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật phát triển, kích thích sự sáng tạo, cống hiến của lực lượng văn nghệ sĩ trong tỉnh, qua đó góp phần định hướng tư tưởng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
THANH HẢI