Thứ Tư, 08/03/2023, 10:28 (GMT+7)
.

50 năm thăng trầm cùng nghề bó chổi

Nằm dọc theo con kinh Vàm Giồng, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang hơn nửa thế kỷ qua, nghề bó chổi bằng que lá dừa đã hình thành. Theo những thăng trầm của thời gian, xóm chổi Vĩnh Hựu ngày nào giờ đã phát triển thành Làng nghề bó chổi.

Ngày nay, chổi Vĩnh Hựu đã trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Việc duy trì và phát triển nghề bó chổi không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần trong xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Hựu.

“GIỮ LỬA” NGHỀ

Hơn 55 năm qua, không ai biết rằng nghề bó chổi bằng que lá dừa xuất hiện từ bao giờ. Theo lời của nhiều cụ cao niên thì nghề bó chổi xuất hiện ở địa phương từ khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước. Bà Sáu, người có thâm niên trên 40 năm trong nghề bó chổi kể lại: “Cây chổi ở giai đoạn đầu đơn giản, người ta dùng cây ráng mọc dọc theo các con mương để làm chổi. Dần dà nguồn nguyên liệu cây ráng khan hiếm, người ta chuyển sang làm chổi bằng tàu mo cau. Do chiến tranh đánh phá ác liệt, ở địa phương không còn nhiều cau để bó chổi nữa nên người dân chuyển dần sang bó chổi bằng que lá dừa”.

Nghề bó chổi bằng que lá dừa gắn bó với bà con xã Vĩnh Hựu trong suốt nửa thế kỷ qua.
Nghề bó chổi bằng que lá dừa gắn bó với bà con xã Vĩnh Hựu trong suốt nửa thế kỷ qua.

Đến Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến những người thợ thủ công lành nghề, với bàn tay khéo léo, điêu luyện, thoăn thoắt làm nên những cây chổi được bó thật đều, chặt và đẹp. Theo những người thợ lành nghề, làm chổi bằng que lá dừa không khó nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn ở từng công đoạn và mất nhiều thời gian thì mới tạo ra những cây chổi đẹp và hoàn chỉnh.

Cây chổi hoàn chỉnh trải qua từ nhiều công đoạn nhỏ và 3 công đoạn lớn. Việc đầu tiên là làm mái chổi, đây là công đoạn khó, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt kết các que dừa lại với nhau, mỗi lần kết, thợ lại lấy dây cước trắng buộc chặt. Công đoạn tiếp theo là làm cán chổi, người thợ sẽ dùng thân dừa cắt thanh ngắn đóng vào phía trong để làm cán chổi. Cuối cùng là công đoạn tề chổi, thợ có thể dùng dao hoặc máy để cắt, tỉa nhằm giúp cho cây chổi được đều và đẹp hơn.

Cây chổi ngày nay đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của mỗi gia đình Việt Nam. Nghề làm chổi ở Vĩnh Hựu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Đứng trước những đổi thay của thời gian, để cây chổi Vĩnh Hựu không bị mai một, rất cần tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị để Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu không ngừng phát triển trong tương lai.

Hơn 55 năm qua, bên dòng kinh Vàm Giồng thơ mộng, các thế hệ gia đình của Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu vẫn cần mẫn “giữ lửa” cho nghề trước những thăng trầm của cuộc sống. Chổi Vĩnh Hựu đã trở thành thương hiệu có tiếng, vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN

Trải qua nhiều biến cố, khó khăn, nghề làm chổi ở Vĩnh Hựu vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho những người dân địa phương. Năm 2005, nghề bó chổi ở Vĩnh Hựu được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Làng nghề truyền thống. Đây là những điều kiện thuận lợi để Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa.

Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu tập trung chủ yếu ở các ấp Phú Quý, Bình An, Thạnh Thới với gần 60 hộ sản xuất và 100 thợ làm nghề. Mỗi cơ sở trung bình có khoảng từ 10 - 15 nhân công, đa số là chị em phụ nữ. Trung bình 1 người thạo nghề có thể kết được khoảng 30 - 40 cây chổi, tiền công trung bình từ 3.000 - 4.500 đồng/cây. Mỗi ngày, thu nhập của người thợ làm chổi ở Vĩnh Hựu khoảng từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.

Thị trường tiêu thụ chổi que dừa của Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu tập trung các tỉnh Tây Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Hằng tuần, các cơ sở bó chổi trong làng nghề xuất bán đi ở các tỉnh khoảng 1.000 cây chổi, hiện giá bán trung bình khoảng 16.000 đồng/cây.

Để góp phần giữ gìn và phát triển Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây đã có nhiều hỗ trợ cho Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu. Cụ thể, trong năm 2016, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho nhiều hộ sản xuất chổi vay với tổng vốn vay 450 triệu đồng; hỗ trợ 8 máy cắt que giúp người thợ cải tiến phương thức sản xuất. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang và huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ trên 500 triệu đồng giúp phụ nữ trong làng nghề có vốn đầu tư mua nguyên liệu, trả tiền nhân công…

Cô Nguyễn Thị Mai, người có thâm niên trên 20 năm trong nghề bó chổi ở xã Vĩnh Hựu chia sẻ: “Với đặc tính dễ làm, không kén thời gian, nghề bó chổi hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm cho những người làm nghề, nên ai cũng tranh thủ tối đa thời gian để sản xuất cho kịp đơn hàng”.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nghề bó chổi ở xã Vĩnh Hựu vẫn rất cần có kế sách, hướng đi phù hợp, lâu dài, bởi hiện tại nghề bó chổi đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ nguồn nguyên liệu, giá cả, trang thiết bị máy móc, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ… 

Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, UBND xã cùng với các đơn vị chức năng đã có nhiều hỗ trợ để làng nghề duy trì và phát triển thông qua các chương trình hỗ trợ vốn, mở rộng thị trường… Từ đó, giúp người dân chủ động được nguồn vốn thu mua nguyên liệu, nâng cao tay nghề, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Về phía UBND xã, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ Làng nghề bó chổi Vĩnh Hựu duy trì và phát triển.

Đ.PHI

.
.
.