.

Áo dài Việt - giá trị và bản sắc

Cập nhật: 10:38, 06/03/2023 (GMT+7)

“Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu, Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”. Những câu ca trong bài “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng chất chứa niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của mỗi người con đất Việt. Dù có đi xa bất cứ nơi đâu, mỗi khi bắt gặp nét thướt tha tà áo dài, họ như thấy quê hương Việt Nam trong lòng mình ở đó.

Không chỉ với người Việt, mà với nhiều khách quốc tế, hễ nhìn thấy áo dài, là nhớ ngay đến con người, văn hóa Việt Nam… Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc - là di sản văn hóa của Việt Nam.

Từ bao đời nay, áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

ÁO DÀI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

Nhắc đến chiếc áo dài là nhắc đến trang phục kín đáo, đoan trang của người phụ nữ Việt Nam. Dù trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, với sự cách tân theo từng giai đoạn để phù hợp với thẩm mỹ và địa vị của từng giai tầng, nhưng áo dài vẫn giữ nguyên giá trị tự thân như một nét văn hóa độc đáo về trang phục của phụ nữ Việt.

Đông đảo cán bộ, hội viên,  phụ nữ, nữ thanh niên tham gia Lễ diễu hành hưởng ứng  “Tuần lễ áo dài Việt Nam”  năm 2023 tại huyện Chợ Gạo.
Đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ thanh niên tham gia Lễ diễu hành hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” năm 2023 tại huyện Chợ Gạo.

Mỗi thời kỳ chiếc áo dài có những kiểu cách khác nhau, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp cơ bản riêng có. Từ chiếc áo dài đầu tiên với kiểu dáng sơ khai như áo dài Giao Lãnh đến áo dài hiện đại ngày nay, vẫn giữ nguyên các tà áo dài và xẻ dọc từ eo xuống một cách duyên dáng. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, chiếc áo dài còn thể hiện được đẳng cấp, địa vị của người mặc. Nếu như chiếc áo dài Giao Lãnh đơn thuần có hai tà áo với cổ chéo gần giống áo tứ thân thì sang thế kỷ XVII, sự xuất hiện của áo dài tứ thân với hai tà sau may liền và hai tà áo trước tách rời ra, thắt chéo lại để phù hợp với sinh hoạt của người phụ nữ.

Đến thời Gia Long, trên cơ sở áo dài tứ thân đã xuất hiện áo dài ngũ thân. Thời này, chiếc áo dài không còn đơn thuần là trang phục cho người phụ nữ, mà để phân biệt địa vị của người mặc. Chỉ có những người phụ nữ trong dòng tộc triều đình mới mặc áo dài ngũ thân, loại áo cách tân từ chiếc áo dài tứ thân thêm một tà nhỏ phía trước.

Chiếc áo dài còn chứa đựng sự giao thoa văn hóa của người Việt, biểu hiện rõ nhất là áo dài Lemur, áo dài này do họa sĩ Cát Tường thiết kế vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX. Chiếc áo dài Lemur lấy tên tiếng Pháp của họa sĩ. Áo được thiết kế theo hơi hướng “Tây”, tức là áo chỉ có hai vạt trước, sau, vạt trước dài chấm đất, áo may bó sát người, đây là sự cách tân đột phá của chiếc áo dài.

Trước đây, áo dài được may rộng, không “khoe” những đường cong trên cơ thể của người phụ nữ, nhưng với áo dài Lemur, ngoài khuy áo được mở sang một bên sườn thì nó được thiết kế bó sát người, tôn nên vẻ nữ tính và mềm mại của vóc dáng người mặc, những đường cong trên cơ thể của người phụ nữ trở nên quyến rũ hơn khi khoác lên người chiếc áo dài. Đây là một sự thay đổi về nhận thức và cảm nhận thẩm mỹ của người phụ nữ Việt khi tiếp thu văn hóa Pháp. Dù đến giữa những năm 40 của giai đoạn này, chiếc áo dài kiểu Lumur bị lãng quên nhưng nó là chiếc áo đặt “nền tảng” cho sự ra đời các kiểu áo dài sau này như áo dài Lê Phổ, Raglan và cả áo dài truyền thống Việt bây giờ.

Áo dài Việt không đơn thuần nhìn nhận dưới góc độ là một trang phục của người phụ nữ, mà còn chứa đựng cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Giá trị vật thể của áo dài ở chỗ, nó được hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử mà con người đã sử dụng như một vật chất phục vụ trong sinh hoạt. Nhưng quan trọng hơn cả là giá trị phi vật thể của áo dài. Khi người phụ nữ Việt khoác lên người chiếc áo dài thì tôn lên vẻ đẹp với sự duyên dáng, đoan trang, mềm mại và kín đáo, như đúng bản chất của phụ nữ Việt Nam.

NGUỒN CẢM HỨNG CHO VĂN NGHỆ SĨ

Không chỉ hiện hữu trong đời sống, từ xưa đến nay, vẻ đẹp của áo dài luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ Việt Nam. Hình tượng áo dài đã xuất hiện rất nhiều trong thi ca, phim ảnh, hội họa… Một không gian văn hóa mà áo dài hiện diện nhiều nhất, có tính phổ quát nhất là thi ca. Rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đã lấy hình tượng chiếc áo dài làm chất liệu sáng tác.

Nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng trong bài “Một thoáng quê hương” đã viết: “Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu, Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi.” Hay như trong bài “Áo dài ơi” nhạc sĩ Sỹ Luân đã “vẽ” hình ảnh chiếc áo dài qua sự vui tươi của các cô gái đô thị: “Có chiếc áo dài tung tăng trên đường phố/ Những lúc buồn vui vu vơ nào đó/ Áo dài vui, áo dài hát, bao nắng xuân mang về khắp nơi/ Áo dài nói, áo dài cười, mang hạnh phúc đến cho mọi người”…

Không chỉ trong thi ca, áo dài Việt Nam còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều họa sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Tiêu biểu như họa sĩ Tô Ngọc Vân với các tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”; họa sĩ Nguyễn Gia Trí với “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”; họa sĩ Dương Bích Liên với “Cô Mai”; họa sĩ Lê Phổ với “Hoài cố hương”…

Với những giá trị văn hóa độc đáo, áo dài Việt Nam còn làm “siêu lòng”  các đạo diễn, nhà sản xuất điện ảnh những năm gần đây. Có thể nhắc đến hai tác phẩm điện ảnh điển hình về áo dài là phim “Cô Ba Sài Gòn” (năm 2017). Bộ phim xoay quanh câu chuyện trong gia đình sở hữu thương hiệu “Nhà may Thanh Nữ” - nhà may áo dài nổi tiếng nhất Sài Gòn giai đoạn cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Bộ phim giúp khán giả có thêm hiểu biết về những thăng trầm của tiệm may áo dài nổi tiếng ở Sài Gòn. Hay bộ phim ngắn “Lý áo dài” ra mắt công chúng năm 2018, trong bộ phim này, hình ảnh chiếc áo dài truyền thống được đạo diễn khai thác xuyên suốt mạch phim. Hầu hết các tình tiết, xung đột, cao trào, thắt nút, mở nút chính của phim đều liên quan đến chiếc áo dài.

TÔN VINH TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và cách tân cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Ở các cuộc thi nhan sắc, nhất là cuộc thi tầm quốc tế, bên cạnh gương mặt được chọn để “Đem chuông đi đánh xứ người”, công chúng luôn chú ý, quan tâm đến thiết kế của trang phục áo dài. Ở đó, “hồn” dân tộc, tinh hoa văn hóa của người Việt sẽ được trình diễn trước sự chiêm ngưỡng của bạn bè quốc tế. Đặc biệt, thời trang áo dài phát triển mạnh trên các sân khấu trình diễn với muôn hình, nhiều dạng…

Trải qua nhiều sự kiện lịch sử, điều chỉnh và cách tân, áo dài vẫn giữ cho mình nét duyên dáng, dịu dàng chuẩn mực truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phát động các tầng lớp phụ nữ trong cả nước hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng hằng năm. Hướng đến kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2023 từ ngày 1 đến 8-3 trên toàn quốc.

Hưởng “Tuần lễ Áo dài” năm 2023, các cấp Hội LHPN trong tỉnh Tiền Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực, với điểm nhấn là Hội thi “Duyên dáng áo dài” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự kiến diễn ra vào ngày 10-3 nhằm hưởng ứng Chương trình “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động. Hay mới đây nhất (ngày 1-3), tại huyện Chợ Gạo diễn ra Lễ diễu hành hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam” với sự tham dự của gần 800 cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ thanh niên trên địa bàn. Sự kiện “Tuần lễ Áo dài” còn được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, mặc áo dài tại cơ quan, công sở, nơi làm việc và những sự kiện trong gia đình, xã hội, qua đó góp phần lan tỏa, tôn vinh giá trị văn hóa của áo dài Việt Nam.

Vào những ngày tháng ba, tháng của đong đầy yêu thương, tôn vinh phái đẹp. Năm nay, tháng ba càng đặc biệt hơn khi khắp mọi miền của đất nước, chị em phụ nữ đẹp dịu dàng, đằm thắm trong chiếc áo dài thướt tha, một vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Việt Nam. Và hiện nay, bên cạnh các sự kiện hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” diễn ra trên cả nước, thì trên các trang mạng xã hội, hình ảnh được tải lên nhiều nhất là phụ nữ mặc áo dài. Đây là những bức ảnh hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ Áo dài” đã trở thành một làn sóng đẹp, từ đó cho thấy áo dài đang ngày càng chứng tỏ sức sống của mình trong đời sống hiện đại.

HỮU NGHỊ

.
.
.