Cảm xúc tháng 3 nơi Côn Đảo
(ABO) Những ngày tháng 3-2023, tôi có chuyến tham quan Côn Đảo, vùng đất linh thiêng của Tổ quốc. Nơi đây ghi dấu sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
VÙNG ĐẤT THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC
Côn Đảo là một quần đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ với những bãi cát trắng, biển trong xanh. Dân số khoảng 1 vạn người sinh sống, tổng diện tích của cả quần đảo là 76 km2. Sử sách nước ta xưa nay gọi hòn đảo lớn nhất của quần đảo là Côn Lôn (gọi tắt là Côn Đảo), cả quần đảo này cũng gọi chung bằng địa danh ấy.
Sân bay Côn Đảo được khai thác giúp người dân đi lại từ đất liền ra Côn Đảo được nhanh chóng, thuận tiện hơn. |
Côn Lôn tức Côn Đảo (còn gọi là Phú Hải) là đảo lớn nhất có hình dạng như một con gấu lớn quay lưng về đất liền chân hướng ra Biển Đông, có chiều dài khoảng 15 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 9 km, nơi hẹp nhất khoảng 1 km, diện tích 51,52 km2, chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo. Thị trấn Côn Đảo nằm trên 1 thung lũng hình bán nguyệt. Một mặt trông ra biển (vịnh Đông Nam), ba mặt còn lại vây quanh là núi, chính nơi đây tập trung toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả quần đảo.
Côn Đảo với những bãi cát trắng dài phẳng mịn, nước biển một màu xanh ngắt. |
Thị trấn Côn Đảo thanh bình, yên tĩnh, ngoài du lịch tâm linh, nhiều du khách còn chọn nơi đây để nghỉ dưỡng. |
Thị trấn Côn Đảo thanh bình, nép mình dưới những gốc bàng cổ thụ bên những bờ tường ngục tù rêu phong theo thời gian. Ít ai nghĩ rằng, chính nơi đây đã trải qua 113 năm (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Chúng biến Côn Đảo thành “Địa ngục trần gian” khét tiếng.
Nhưng cũng chính tại nơi đây, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Từ đó, Côn Đảo đã nhận được sự ngưỡng mộ của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Côn Đảo được xem như một vùng đất thiêng liêng, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thị trấn Côn Đảo thanh bình, nép mình dưới những gốc bàng cổ thụ. |
Theo Ban Quản lý di tích Côn Đảo, ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 54/VH.QĐ đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, gồm 19 di tích trọng điểm với tổng diện tích 47,74 ha. Ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 2) đối với 13 di tích thuộc một số tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), gồm 20 di tích với tổng diện tích bảo vệ là 110,69 ha, diện tích khu vực I là 41,04 ha. Khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của quốc gia.
ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Sau khi đặt chân đến Côn Đảo, tôi bắt đầu hành trình tham quan tại hệ thống nhà tù Côn Đảo gồm các trại giam thời Pháp như trại Phú Hải, Phú Tường, chuồng cọp Pháp, các trại giam thời Mỹ nguỵ, Cầu tàu 914, Nghĩa trang Hàng Dương, Bảo tàng Côn Đảo, khu nhà chúa đảo… Qua dòng chảy của thời gian đã làm những tường thành, nhà tù thêm phần cổ kính, nhưng sự tàn ác, hà khắc của chế độ cai tù đối với những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước thì vẫn còn đó, vẹn nguyên, hằn sâu và in rõ trong tiềm thức của những người trên mọi miền đất nước đang tìm đến nơi này.
Trại Phú Hải xây dựng năm 1862 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896, tổng diện tích 12.015 m2. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử. |
Phòng giam trại Phú Hải. |
Xà lim (hầm đá) nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên cường. |
Du khách tham quan khu đập đá trong trại Phú Hải. |
Các chiến sĩ đang làm việc tại hầm xay lúa. |
Trại Phú Hải có 10 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy mỗi dãy 5 phòng), 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim, 1 hầm xay lúa, 1 khu đập đá. |
Giảng đường của trại Phú Hải. |
Di tích nhà chúa Đảo, đây là nơi ở và làm việc của 53 tên chúa Đảo trải qua 113 năm (1862 - 1975). |
Bên trong nhà chúa Đảo, rất tiện nghi, sang trọng |
Tham quan Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo, cảm giác bồi hồi, xúc động trong tôi cứ thế tự nhiên dâng trào. Từ trước đến nay, tôi mới chỉ được nghe, thấy qua sách báo hay những lời kể của những người đã từng đến đây. Tôi ước mong được một lần đặt chân đến nơi đây, để tận mắt chứng kiến những tội ác của thực dân, đế quốc và thấy được ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng.
Hôm nay, khi đứng trước nhà tù vào tận phòng giam, tự tay sờ vào những còng răng cưa bằng sắt nặng trĩu, nhìn thấy cảnh giặc đánh đập, tra tấn những chiến sĩ, nghe những câu chuyện kể về tội ác của kẻ địch, mà lòng tôi lặng đi, đau đớn quặn thắt. Tôi càng tự hào hơn khi được nghe kể các câu chuyện về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hy sinh… của các chiến sĩ với niềm biết ơn, cảm phục.
Trại Phú Tường xây dựng năm 1941, tổng diện tích 5.804 m2 bao gồm 8 phòng giam tập thể. |
Bên trong 1 phòng giam. |
Người chiến sĩ phải chịu đựng những đòn tra tấn rất dã man, đau đớn. |
Chuồng cọp Pháp xây dựng năm 1940, gồm 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). Bên trong có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù. |
Rời nhà tù Côn Đảo, tôi tiếp tục hành trình, đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Hòa vào dòng người đến viếng nghĩa trang, tôi kính cẩn dâng lên những nén hương, hoa cúc vàng tươi thắm bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục trước những người chiến sĩ, anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Thế hệ chúng tôi hôm nay có được cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc là nhờ công lao to lớn của các chiến sĩ đã quên mình hy sinh, bảo vệ non sông đất nước.
Trong phút mặc niệm tôi như lắng lòng, hồi tưởng về quá khứ, về câu chuyện của những người con yêu nước bị đọa đày, khổ sai. Rồi nước mắt tôi cứ thế rơi lúc nào cũng không hay biết. Những nén hương mờ ảo lặng lẽ lan tỏa trong không gian linh thiêng. Những du khách đến đây, mỗi người thắp nén nhang cầu linh hồn của những chiến sĩ được an nghỉ.
Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc. Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo là một di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân đế quốc, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Một nắm đất ở Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với một liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh.
Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19-12-1992 gồm 4 khu: A - B - C - D với 1.922 phần mộ, trong đó 714 mộ có tên, còn lại là mộ khuyết danh.
Đoàn du khách đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương. |
Cũng tại Nghĩa trang Hàng Dương, tôi di chuyển sang viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Mộ chị Võ Thị Sáu được đặt tại khu B Nghĩa trang Hàng Dương - một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Côn Đảo. Du khách đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, không ai không đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu, nên mộ của chị lúc nào cũng rất đông người đến thăm viếng. Trong khói hương nghi ngút, dòng người thành kính dâng lên những đóa hoa trắng tinh khôi để tưởng nhớ về vị nữ anh hùng kiên trung, bất khuất của dân tộc.
Du khách đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu. |
Mộ của chị Võ Thị Sáu lúc nào cũng đông người đến thăm viếng. Dòng người thành kính dâng lên những đóa hoa trắng tinh khôi để tưởng nhớ đến chị. |
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 14 tuổi, chị gia nhập Công an xung phong quận Đất Đỏ và nhận nhiệm vụ diệt ác trừ gian. Ngày 14-7-1948, chị dũng cảm dùng lựu đạn tấn công cuộc mít tinh, do địch tổ chức tại chợ Đất Đỏ. Năm 1949, chị dùng lựu đạn tiêu diệt tên cai tổng Tòng ngay tại tư dinh của hắn, trận đó cai tổng may mắn thoát chết nhưng rất khiếp sợ.
Tháng 2-1950, chị dùng lựu đạn diệt các tên ác ôn Cả Suốt và Cả Đay nhưng không may sa vào tay giặc. Địch dùng mọi cực hình, tra tấn nhưng không khai thác được gì, chúng kết án tử hình chị và đưa ra xử bắn tại nhà tù Côn Đảo, ngày 23-1-1952.
Khí phách anh hùng của chị khiến những tên đao phủ phải khâm phục và run sợ, ngay cả khi chị đã hy sinh. Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và tấm gương hy sinh của chị mãi bất tử như mùa xuân. Người dân Côn Đảo tôn kính gọi vị nữ anh hùng là Cô Sáu và coi Cô Sáu như một nữ thần, bảo hộ cuộc sống và đem lại hạnh phúc ấm no cho mọi gia đình.
Cầu tàu lịch sử 914, nằm tại khu trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Được khởi công xây dựng từ năm 1873, đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra Đảo tù đày, nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Nhưng cầu tàu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang xúc động dịp Đảo được giải phóng. Con số 914 được đặt cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. |
Theo lời kể của người dân tại Côn Đảo, vùng đất này ở mọi nơi kể cả nơi chúng ta đang đứng hay đang ngồi, đến từng tảng đá, gốc cây, thảm cỏ, lối đi đều có linh hồn của các chiến sĩ. Bất cứ nơi đâu của vùng đất này cũng đều thấm đẫm mồ hôi và máu của những tù nhân cách mạng trong hơn một thế kỷ đấu tranh. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối… là chứng tích tội ác của giặc, cũng là nơi khắc ghi những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hành trình về Côn Đảo là chuyến đi đầy ý nghĩa, thiêng liêng để tôi cũng như tất cả mọi người đã từng đặt chân đến đây, càng thêm trân trọng sự hy sinh của cha ông, từ đó phấn đấu sống đẹp, sống tốt, hoàn thiện hơn qua từng ngày, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Côn Đảo, là một Khu di tích lịch sử vĩ đại, là trường học cách mạng vượt trên mọi thời đại, một vùng đất hứa của Việt Nam dành cho mọi người hướng về, tìm đến để nhớ lại cội nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tuổi trẻ hôm nay và mãi mãi mai sau.
CÁT TƯỜNG