Thứ Bảy, 25/03/2023, 14:02 (GMT+7)
.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm:

Khó có phim hay nếu đặt nặng tiền nong và danh vọng

Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” (tựa tiếng Anh Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm sau khi tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, lọt vào Top 15 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc giải Oscar 2023. Phim đã ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore và vừa chính thức được chiếu rạp tại Việt Nam. Nữ đạo diễn chia sẻ về bộ phim này.

Cảnh phim “Những đứa trẻ trong sương”.
Cảnh phim “Những đứa trẻ trong sương”.

Phóng viên (PV): Khi được công chiếu ở nước ngoài, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” đã nhận được những phản hồi thế nào, thưa chị?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Khán giả nước ngoài đón nhận bộ phim một cách hồ hởi, nồng nhiệt và thích thú. Nhiều người tỏ ra tò mò vì chưa hề biết tục “kéo vợ” của người H’Mông thế nào. Sau khi xem phim, họ đã có những trao đổi ý kiến với tôi để hiểu rõ hơn về quá trình làm phim, số phận các nhân vật, và mong muốn sang Việt Nam vào dịp gần nhất để được tận mắt khám phá nét văn hóa của đồng bào vùng cao.

PV: Thế còn sự phản hồi của khán giả Việt Nam thì sao? Hành trình để bộ phim tài liệu này đến với rạp phim ở Việt Nam có khó khăn?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Hiện nay bộ phim đã được chiếu tại rạp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và hầu như mỗi buổi chiếu đều chật kín khán giả. Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người xem. Ca sĩ Tăng Thanh Hà nhận xét: “Hai năm trước khi được xem đoạn trailer ngắn giới thiệu bộ phim, tôi cứ day dứt mãi bởi câu nói của Má Thị Di: “con muốn đi học tiếp” và hôm nay khi xem bộ phim tôi đã giải mã được những thắc mắc đó một cách đầy thú vị”. Hay TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội nhận xét: “Ít khi thấy người Việt đi xem phim mà vỗ tay khi bộ phim kết thúc, dù không phải là buổi chiếu đầu tiên và cũng không có đạo diễn ở đó. Khán giả ngồi xem hết phần hậu đề rồi mới đứng lên ra về, vỗ tay thêm lần nữa”.

Bộ phim có nhà phát hành quốc tế, chiếu rạp ở nước ngoài, bán vé rộng rãi nhưng ở Việt Nam để tìm nhà phát hành và rạp chiếu lại là công cuộc kịch tính và khó khăn cả về các vấn đề tài chính, kỹ thuật chiếu, âm thanh. Tôi muốn phim được chiếu rạp để các bạn đang học điện ảnh hay đơn giản là khán giả yêu điện ảnh có thể xem bộ phim ở môi trường mà nó vốn thuộc về rạp chiếu phim. Tôi muốn phim có thể xuất hiện một cách đường hoàng nhất và mọi người có thể xem phim một cách tốt nhất. Mua vé xem rạp cũng là một cách rất trực tiếp và chính thống để khán giả có thể cổ vũ đoàn phim chúng tôi, cả về vật chất và tinh thần.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc nếu những ai sành phim, những ai quan tâm đến phim mà bỏ lỡ dịp xem phim như thế này, nhất là sau này vì lý do nào đó buộc phải xem một mình, xem lậu, xem bản chất lượng kém, xem trên màn hình máy tính/điện thoại.

PV: Chị có nghĩ đến chuyện để tiếp cận nhiều hơn với khán giả thì giá vé không được quá đắt?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Chúng tôi muốn bán vé với giá trung bình nhất để đa số khán giả có thể đến xem mà không phải lấn cấn về chuyện tiền bạc, nhất là các bạn trẻ và sinh viên. Đến thời điểm này bộ phim mang lại cho tôi lợi ích chủ yếu về mặt tinh thần, nghề nghiệp. Điều chúng tôi “lãi” nhất sau bộ phim là tôi, Công ty Varan Việt Nam, Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD) và các khóa học miễn phí làm phim được biết đến nhiều hơn. Nếu lúc nào cũng đặt nặng việc phải kiếm được nhiều tiền hay danh vọng thì sẽ khó lòng có được bộ phim hay.

PV: Cho đến nay, cuộc sống của các nhân vật trong phim có gì thay đổi?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Sau khi đấu tranh với tục “kéo vợ” thành công, Má Thị Di quay trở lại trường học tiếp. Khi học hết kỳ 1 của lớp 12, Di đã chính thức kết hôn với người mà cô yêu thương chứ không phải theo tục “kéo vợ”. Hiện vợ chồng Di đã có một bé gái kháu khỉnh và đang mở cửa hàng bán thổ cẩm online với mẹ. Chính sự nổi tiếng của bộ phim khiến nhiều khách hàng liên hệ mua hàng của Di nhiều hơn. Dự tính trong năm tới, Di sẽ quay lại trường học để hoàn thành nốt chương trình THPT. Còn bố của Di đã chăm chỉ làm việc hơn, ông không còn uống rượu và đánh chửi mẹ của Di nữa. Tục “kéo vợ” ở quê Di cũng không còn quá phổ biến nữa.

PV: Sau thành công của bộ phim này, kế hoạch của chị trong thời gian tới là gì? Có khi nào chị nghĩ sẽ làm phim truyện - thể loại có thuận lợi hơn?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Tôi chưa hề có ý định đó. Tôi biết rõ bản thân có những hạn chế, rồi việc không có kinh phí cũng như thời gian thuyết phục nhà đầu tư. Phim tài liệu thoải mái tự do hơn và cũng là thế mạnh của tôi, còn phim truyện có quá nhiều nguyên tắc buộc đạo diễn phải tuân theo. Tôi không muốn bị bó buộc vào bất cứ một điều gì cả.

Hiện tôi đang khảo sát khu vực Tây Nguyên, miền trung xem có nhân vật, vấn đề nào hay để làm phim tài liệu mới. Đồng thời, tôi sẽ trau dồi thêm vốn ngoại ngữ để có thể liên lạc với những liên hoan phim cũng như xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Nhiều người cho rằng tôi sẽ gặp áp lực trong bộ phim mới nhưng thật sự tôi không gặp áp lực nào cả, bởi mỗi phim có một hành trình riêng và bản thân người làm phim không thể kỳ vọng quá nhiều vào nó được.

PV: Xin cảm ơn chị và chúc bộ phim sẽ đến với nhiều khán giả trong nước!

Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” dài 92 phút xoay quanh hành trình trưởng thành của Má Thị Di, cô bé người H’Mông ở Sa Pa (Lào Cai) từ khi Di 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ. Phim phản ánh sự va chạm, xung đột giữa các giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại, những thách thức mà các bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong tục “kéo vợ” của dân tộc mình.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

 

.
.
.