Đoàn Bảo Ngọc: Truyền nhân 4 đời của sân khấu cải lương tuồng cổ Tiền Giang
Bảo Ngọc sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 đời duy trì và gìn giữ bộ môn nghệ thuật cổ truyền hát bội, cha mẹ là nghệ sĩ Vũ Linh Thanh - Hồng Nhân - hậu duệ đời thứ 3 của Đoàn tuồng cổ Tiền Giang. Ông bà của Bảo Ngọc là nghệ sĩ Kiều Loan và nghệ nhân ưu tú Bảo Ân. Tuổi thơ em là những ngày rong ruổi theo đoàn hát bội của gia đình đi hát đình, hát miễu. Hình ảnh cô bé Bảo Ngọc ngồi bên cánh gà để theo dõi ông bà, cha mẹ biểu diễn ngày ấy là ký ức mà cô không bao giờ quên. Nhờ vậy, tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật này dần nhen nhóm và bùng cháy trong lòng cô bé Bảo Ngọc.
6 TUỔI ĐÃ LÊN SÂN KHẤU
Dòng máu yêu nghề cứ như sợi dây vô hình kết nối cả dòng họ có 4 đời theo nghiệp hát bội tuồng cổ. Ba mẹ Bảo Ngọc là đôi diễn viên Hồng Nhân - Vũ Linh Thanh. Từ lúc chập chững bước đi, Bảo Ngọc đã ngồi cánh gà mỗi khi mẹ ra sân khấu biểu diễn. Cứ như vậy, “máu” nhà nòi lớn dần trong trái tim yêu nghề của cô bé.
Đoàn Bảo Ngọc nhận giải Á Quân Cuộc thi “Trăm năm ánh Việt” mùa đầu tiên năm 2022. |
Bảo Ngọc cho biết: Từ nhỏ, nhìn thấy mọi người biểu diễn, em nghe hát rồi thuộc lòng các câu hát; kể cả vũ đạo em cũng nhớ hết. Khi lên 6 tuổi, em được diễn vai vua con, khán giả vỗ tay khen ngợi. Em cảm giác rất vui và từ đó khi nào có dịp được diễn là em rất thích. Suốt tuổi thơ theo đoàn hát với cha mẹ, em “học lõm” nghề sau cánh gà, học nhiều vai diễn để chuẩn bị hành trang và nuôi ước mơ với những: Lưu Kim Đính, Thần Nữ, Phàn Lê Huê, Hồ Nguyệt Cô… Lớn thêm một chút, em đóng vai quân sĩ, tì nữ và từng bước tiến gần đến đào ba, đào nhì và đến năm 18 tuổi, em sung sướng khi được diễn vai đào chính. Thấy em yêu nghề của gia đình, ba mẹ không cản ngăn nhưng có dặn rằng: Sống với nghề này rất cực khổ, nhất là bây giờ cải lương ngày càng thưa thớt khán giả…
Bảo Ngọc đã trải nghiệm cuộc sống thiếu thốn, vất vả của nghệ sĩ cải lương từ lúc chào đời, rày đây mai đó cùng ba mẹ nên đã quen và mỗi khi được lên sân khấu diễn là em thấy mình rất vui sướng, không sợ thiếu thốn, khó khăn. Khi Bảo Ngọc được làm đào chính thì sân khấu cải lương của gia đình cũng qua thời hoàng kim, cô phải đi hát cho nhiều đoàn nhỏ, nhận đi diễn đình, miễu là chủ yếu.
Trang phục hát bội - tuồng cổ của đào, kép võ mặc nhiều lớp, tính luôn mũ mão có gần 5 - 6 kg, nhiều màn diễn phải cầm thêm cả đạo cụ như: Đao, kiếm rồi thêm múa, nhảy, đi gối, lăn bò… trên sân khấu, cứ xong một lớp diễn là mồ hôi của mọi người chảy ra, nhưng em chưa thấy ai than phiền bao giờ…. - Bảo Ngọc chia sẻ thêm.
TỪ “SAO NỐI NGÔI” ĐẾN “TRĂM NĂM ÁNH VIỆT”
Nhiều lúc, vì hoàn cảnh gia đình, Bảo Ngọc muốn gác lại mọi đam mê sân khấu, nhưng rồi nhìn những chiếc áo tuồng lấp lánh kim sa, đao, kiếm bao đời của gia đình, em lại không đành lòng. Cuộc thi “Sao nối ngôi mùa 4” đã thôi thúc Bảo Ngọc như một cuộc thử sức mới. Một đào hát tỉnh lẻ, Bảo Ngọc không dám mơ đến giải thưởng của chương trình mà em chỉ muốn đến với cuộc thi nhằm giới thiệu cho mọi người biết rằng mấy đời gia đình em đã từng trân quý và sống với nghề; đồng thời kêu gọi thế hệ trẻ đừng vội quay lưng với sân khấu cải lương…
Bảo Ngọc trong tiết mục cải lương xã hội “Duyên kiếp” do soạn giả Tô Thiên Kiều chấp bút. |
Sự xuất hiện của một cô đào trẻ trong những trích đoạn hát bội, cải lương tuồng cổ cùng sự trợ lực của nghệ sĩ (NS) hát bội Thái Hòa (ông Mười của Ngọc) và nhóm hát bội của gia đình cô (do NS Thái Hòa quản lý) đã gây ngỡ ngàng và xúc động cho ban giám khảo cùng với khán giả yêu sân khấu cải lương. Dù chưa đủ sức chinh phục giải thưởng, nhưng sự xuất hiện của cô gái trẻ, truyền nhân 4 đời của bộ môn hát bội tuồng cổ như tiếp sức rung lên nhịp đưa “cái nôi cải lương” của vùng đất sông Tiền. Bảo Ngọc xúc động vì lần đầu tiên được diễn ở một sân khấu lớn trước dàn giám khảo chuyên nghiệp và dày dạn sân khấu cải lương như: Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long, NS Thanh Hằng và những giám khảo khách mời như: Ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Đông Đào… Bảo Ngọc càng biết ơn vì những nghệ sĩ nổi tiếng của chương trình đã dành những lời khen ngợi, tạo thêm lửa yêu nghề trong lòng Bảo Ngọc.
Bất ngờ nhất là sau khi nhận Giải Khuyến khích của Cuộc thi “Sao nối ngôi mùa 4”, Bảo Ngọc được NS Bình Tinh, Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đón về diễn cho đoàn. “Như cá gặp nước”, Bảo Ngọc được sự dìu dắt của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Hữu Quốc, NS Bình Tinh…, tất cả những gì học được từ sân khấu cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã nâng cao tài năng diễn xuất cho Bảo Ngọc và em đã tự tin khi đến với Cuộc thi “Trăm năm ánh Việt mùa 1”.
Ở cuộc thi này, Bảo Ngọc tỏa sáng ngay vòng đầu tiên, luôn tạo dấu ấn và lột xác hoàn toàn qua từng vai diễn. Trong tập 15 của cuộc thi “Trăm năm ánh Việt”, Bảo Ngọc hóa thân vào vai vợ cả của một gia đình giàu có trong tiết mục cải lương xã hội “Duyên kiếp” do soạn giả Tô Thiên Kiều chấp bút. Lần đầu thử sức ở vở xã hội, Bảo Ngọc thể hiện hoàn hảo ngoài mong đợi. Một bà Hai đay nghiến, ghen tuông, ác độc được hiện lên qua ánh mắt đầy lửa hận, giọng văn cay nghiệt khiến người ta rùng mình, nhưng cũng gợi lên sự thương cảm khi giọng hát đầy cảm xúc vang lên mang theo sự hối hận, ăn năn kết hợp cùng nét mặt vô hồn. Những câu hát cuối xuất phát từ trái tim khiến người xem lăn dài giọt nước mắt.
Đoàn Bảo Ngọc vai đào võ . |
Xúc động khi được thưởng thức màn trình diễn, NSND Bạch Tuyết khẳng định: “Bạn chạm đến nội hàm của nghệ thuật cải lương”. Bà vô cùng ấn tượng với giọng ca hay mà chuẩn của Bảo Ngọc, đặc biệt là sự can đảm lấn sân sang một thể loại chưa từng thử sức. NSND Ngọc Giàu dành trọn lời khen từ kịch bản, giọng ca và cách diễn xuất của cô, thậm chí nữ giám khảo còn đánh giá: “Hòn ngọc quý bữa nay mài giũa ngon lành”. NSƯT Thoại Mỹ không ngần ngại bày tỏ sự yêu thích của mình: “Em ca, em diễn chạm vào tim, vào phổi, vào ruột gan của chị”, đặc biệt khi biết được nữ truyền nhân 4 đời hát bội chưa bao giờ diễn xã hội, nữ giám khảo còn hài hước: “Em làm cho chị té ngửa khi từ cái này đến cái kia”.
Trải qua 4 vòng thi đầy thử thách từ vai đào võ, đào thương, đào mùi đến đào độc…, từ hát trích đoạn tuồng cổ, hồ quảng đến vai diễn xã hội, Bảo Ngọc luôn thể hiện tài năng và sự thông minh thích ứng sân khấu. Điều đó đã chứng minh qua những tình huống bất ngờ của ban giám khảo đưa ra cũng như bốc thăm ngẫu nhiên để thể hiện: Tài, tâm, trí (tài là tài năng ứng biến những tình huống bất ngờ trên sân khấu; tâm là yêu nghề và trí là bản lĩnh, tư duy sáng tạo của người diễn viên).
Với vai phản diện bà Phụng, một trích đoạn cải lương xã hội lần đầu tiên Bảo Ngọc đảm nhận, cô đã làm hài lòng khán giả và chinh phục ban giám khảo. Với giọng ca khỏe đầy nội lực, ngọt ngào, cách xử lý luyến láy trong giai điệu hết sức điêu luyện cùng với kỹ thuật thích ứng sân khấu thông minh, Bảo Ngọc đã xuất sắc đoạt Giải Á quân Cuộc thi “Trăm năm ánh Việt mùa 1” năm 2022.
Hiện tại, Bảo Ngọc là đào võ trẻ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Cô và Trọng Nhân là đôi bạn diễn ăn ý, ngoài sân khấu Huỳnh Long, đôi bạn còn được mời tăng cường diễn chầu cho các tỉnh miền Tây nhất là tỉnh Bạc Liêu. Bảo Ngọc cho biết thêm: “Để giới trẻ đến gần với cải lương nhất là cải lương tuồng cổ, tác giả và diễn viên ngoài việc giữ cái cốt lõi của tuồng, còn phải biết thay đổi hợp lý một số ngôn ngữ cổ xưa để phù hợp với hiện tại, dễ hiểu … Điều mong ước của em là cải lương mãi mãi sống trong lòng người Việt không phải chỉ ở Cuộc thi “Trăm năm ánh Việt” mà là “Ngàn năm ánh Việt”.
NGỌC LỆ