Thứ Hai, 20/03/2023, 15:49 (GMT+7)
.

Đông đảo văn nghệ sĩ tưởng niệm Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang

Sáng 20/3, được sự đồng ý của gia đình, tại Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tổ chức Lễ tưởng niệm Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang, nhằm tri ân và tưởng nhớ nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương vừa mới ra đi.

a
Đồng chí Lâm Hữu Đức, Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thắp nhang tưởng nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang.

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật Dương Công Thuấn, sinh ngày 4/3/1941, tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Ông vừa qua đời vào lúc 6 giờ ngày 11/3 tại California (Hoa Kỳ), hưởng thọ 83 tuổi.

Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật cải lương. Lên 8 tuổi, ông theo cha tham gia đoàn cải lương Tam Phụng; năm 12 tuổi, Diệp Lang trở thành diễn viên trong vở diễn “Lấp sông Gianh” kêu gọi thống nhất đất nước chống xâm lăng (Đoàn Cải lương Kim Thoa).

Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng, từ đây Diệp Lang dần trở thành nghệ sĩ lớn tiêu biểu của sân khấu Cải lương với nhiều vai diễn trở thành kinh điển của nghệ thuật sân khấu cải lương và kịch nói.

Trong thập niên 60, 70, ông để lại dấu ấn qua các vai Nhượng Phong trong vở “Kiếm sĩ dơi”; vai cha Thúy Liễu trong vở “Lan và Điệp”; A Khắc Lữ trong “Người tình trên chiến trận”; ông Sáu trong “Nửa đời hương phấn”; Chu Mã Thiên trong “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”; Chu Thiên Cát trong “Máu nhuộm sân chùa”...

a
Các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu Thành phố dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang.

Ngày đất nước thống nhất, Diệp Lang công tác tại Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 lưu diễn trong cả nước và biên giới Tây Nam; đặc biệt, ông được cử làm Trưởng đoàn Cải lương 284 (Đoàn nghệ thuật Cải lương đặc biệt lưu diễn châu Âu tháng 2/1984).

Thời gian này, tài năng đang độ chín của Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang càng tỏa sáng trong vai Trung sĩ Tám trong vở “Tìm lại cuộc đời”, Hội đồng Dư trong vở “Tiếng hò sông Hậu”; Hội đồng Thăng trong “Đời cô Lựu”; Lê Chính trong “Tâm sự Ngọc Hân”, Lê Xuân Giác trong “Tiếng sóng Rạch Gầm”, Ông nội trong “Cây lẻ bạn”, Ông Hai trong Đàn ca tri kỷ”...

Ngoài ra, sau thành công rực rỡ của Đoàn Nghệ thuật Cải lương 284, nghệ sĩ Diệp Lang đã tham gia công tác Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1985 đến 2010.

Trong bài điếu văn tưởng nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với tài năng diễn xuất, nghệ sĩ Diệp Lang đã viết nên trang sử đẹp cho nghệ thuật Cải lương và trở thành người dẫn dắt, đào tạo tài năng trẻ qua Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1991 (sau là Cuộc thi Tài năng Diễn viên Sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang).

Đặc biệt, có hai nhiệm kỳ là Ủy viên Ban Chấp hành Hội từ năm 2000 đến năm 2010, ông phụ trách chuyên môn đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Cải lương... Năm 2007, tại rạp Hưng Đạo trên “Sân khấu Vàng” do Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy sáng lập, ông đạo diễn vở “Tình mẫu tử” của soạn giả Viễn Châu, đã mang về doanh thu lớn nhằm xây dựng nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo như nghĩa cử cao đẹp của người nghệ sĩ sân khấu chân chính.

Để thành người tài năng xuất chúng và tạo nên nhân cách nghệ thuật xuất sắc ở cả 4 vai trò: diễn viên, đạo diễn, nhà quản lý và người truyền nghề, nghệ sĩ Diệp Lang đã luôn học hỏi và luôn biết sáng tạo nghệ thuật từ những nghệ sĩ tiêu biểu, tiền bối như: Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, soạn giả Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Nga...

a
Tại lễ tưởng niệm, gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang đã gửi số tiền ủng hộ đến Chùa Nghệ sĩ, Khu dưỡng lão nghệ sĩ và một số nghệ sĩ lão thành.

Chính vì vậy, trong cuộc đời, sự nghiệp hoạt động sân khấu Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang, ông đã đạt những giải thưởng cao quý như sau: Huy chương Vàng Giải Thanh Tâm năm 1963; Bằng Danh dự Giải Thanh Tâm năm 1964; Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993; Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2003.

Ông là tên tuổi được xếp vào thế hệ vàng của cải lương Nam Bộ (thập niên 1950-60-70) cùng với các tên tuổi như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Tấn Tài, Phượng Liên, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu,…

Dù không có giọng ca mùi như các kép chánh khác, nhưng nghệ sĩ Diệp Lang lại có thế mạnh là diễn rất giỏi, nhất là những vai kép độc, vai lão. Chính những lần hóa thân vào vai “nhiều người ghét” đã góp phần làm cho các tuồng cải lương mà ông tham gia trở nên hấp dẫn hơn, tên tuổi của ông cũng ngày càng tỏa sáng hơn.

Trong vở “Tiếng hò sông Hậu” (soạn giả Điêu Huyền), nghệ sĩ Diệp Lang đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi diễn xuất điêu luyện khi hóa thân vào vai ông Hội đồng Dư, một vai phản diện.

Đặc biệt với vai Hội đồng Thăng trong vở Đời Cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang), ông đã có một vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của mình. Ông không chỉ cho khán giả thấy được một ông Hội đồng hiểm độc mà còn cho công chúng nhìn ra nỗi khổ ẩn sâu bên trong, để họ xót xa với số phận của ông Hội đồng Thăng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cái tài của nghệ sĩ Diệp Lang chính là “diễn như không diễn”, “ca trong diễn, diễn trong ca”. Ông diễn không lên gân, mà cứ nhẹ nhàng thể hiện trọn vẹn tính cách nhân vật bằng những chi tiết đắt giá, bằng sự nhấn nhá tinh tế qua từng câu thoại và lối ca chắc nhịp.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu chia sẻ, sự ra đi của Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang là một mất mát không gì bù đắp được. Văn nghệ sĩ và khán giả cả nước còn mãi khắc ghi hình ảnh của ông, một nghệ sĩ với diễn xuất, tiếng ca trở thành mẫu mực về nghệ thuật dân tộc và nhân văn dành cho sân khấu, cùng một nhân cách sống cao đẹp, xứng đáng là tấm gương cho các thế hệ văn nghệ sĩ học tập và noi theo.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.