.

Bản sắc văn hóa làng cổ miền Tây Nam Bộ

Cập nhật: 10:16, 29/04/2023 (GMT+7)

Nằm yên bình trong lòng thành phố Cần Thơ sôi động, làng cổ Long Tuyền (quận Bình Thủy) sở hữu nhiều công trình xưa cũ, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Đây cũng là niềm tự hào của miền đất Tây Đô, khi bản sắc văn hóa miệt vườn Tây Nam Bộ được gìn giữ, bảo tồn qua bao thế hệ.

a
Du khách tham quan nhà cổ Bình Thủy ở làng cổ Long Tuyền. (Ảnh LAN ANH)

Những giá trị xưa cũ

Sông Bình Thủy bao đời vẫn thế, nhẹ nhàng trôi, mang theo bao dấu tích của người xưa thủa lập làng, dựng chùa, xây đình. Dân làng Long Tuyền cho biết, làng được lập từ khoảng năm 1844, ban đầu có tên là Bình Hưng.

Năm 1852, quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đi kinh lý trên sông Hậu gặp cuồng phong, phải ghé thuyền vào cồn Linh ở sông Bình Thủy lánh nạn. Sau đó ông dâng sớ lên vua xin đổi tên làng thành Bình Thủy, mảnh đất địa linh, sóng yên gió lặng để ông có thể kinh lý thành công.

Khoảng năm 1908, làng được đổi tên thành Long Tuyền do nằm bên con rạch Long Tuyền (sông Bình Thủy ngày nay). Nguồn nước con rạch uốn khúc như một con rồng nằm, miệng ngậm viên ngọc, chính là cồn Linh. Hiện nay, làng cổ Long Tuyền có 8 di tích lịch sử được công nhận, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia.

Một trong những điểm nhấn kiến trúc của làng là nhà cổ Bình Thủy, được gia đình họ Dương xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Chủ nhân nhà cổ là ông Dương Chấn Kỷ, một thương gia trí thức giàu có và là điền chủ có óc mỹ thuật thích tìm tòi cái mới, cái lạ của kiến trúc Tây phương đang thịnh hành thời bấy giờ. Ngôi nhà tọa lạc trên thửa đất khoảng 6.000m2 theo hướng đông-tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch.

Ông Dương Nhất Luận, quản lý nhà cổ cho biết, trải qua chiến tranh, trong khi rất nhiều công trình chung quanh bị bom đạn tàn phá thì ngôi nhà vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc một công ty tư vấn xây dựng ở Hà Nội chia sẻ: "Khi tham quan nhà cổ, ban đầu, tôi thấy bóng dáng của kiến trúc phương Tây, nhưng càng đi vào bên trong mới thấy chủ nhân của ngôi nhà đã kết hợp văn hóa Đông-Tây một cách rất hài hòa, có chọn lọc. Các chi tiết ngôi nhà đều được chạm trổ rất tinh xảo, công phu. Công trình này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn mang nhiều giá trị về kiến trúc".

Khi tham quan nhà cổ, ban đầu, tôi thấy bóng dáng của kiến trúc phương Tây, nhưng càng đi vào bên trong mới thấy chủ nhân của ngôi nhà đã kết hợp văn hóa Đông-Tây một cách rất hài hòa, có chọn lọc. Các chi tiết ngôi nhà đều được chạm trổ rất tinh xảo, công phu. Công trình này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn mang nhiều giá trị về kiến trúc.

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Anh

Một công trình kiến trúc nổi bật khác ở làng Long Tuyền là đình Bình Thủy (còn có tên gọi khác là Long Tuyền cổ miếu). Ông Lê Văn Mười, Phó ban Trị sự đình Bình Thủy cho biết, đình được xây dựng từ năm 1844, hoàn thành năm 1852. Trong đình có 84 cây cột cùng nhiều hoa văn, hoành phi, liễn đối, cổ vật được giữ nguyên vẹn từ trước đến nay.

Khi dựng đình, có những cây cột lim phải chuyển từ miền trung bằng cách kết bè thả theo dòng nước. Hoa văn chạm khắc được thợ giỏi ở Kinh đô Huế vào làm. Long Tuyền cổ miếu, chứa đựng giá trị lịch sử, nguồn cội, cho thấy cuộc sống sung túc, no đủ của người dân trên đất Long Tuyền xưa.

Một điểm tâm linh không thể không nhắc đến ở làng Long Tuyền là chùa Nam Nhã (tên đầy đủ là Nam Nhã Phật đường). Bước vào cổng ấn tượng đầu tiên với du khách là chính điện, một tòa nhà lớn, uy nghi nằm ở giữa, gồm 5 gian, mái lợp ngói âm dương. Mặt tiền được xây theo kiến trúc Á-Âu có nhiều điểm khác kiểu chùa truyền thống Nam Bộ.

Nơi đây lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm đặc biệt hoành phi, câu đối, bàn ghế gỗ, đánh dấu sự kết hợp của thơ và họa trong nghệ thuật chạm trổ và khảm ốc, mang đậm dấu ấn mỹ thuật đồ gỗ Nam Bộ xưa.

Thầy Hồ Minh Phong (Trưởng ban Trị sự Nam Nhã Phật đường) cho biết, chùa được xây dựng năm 1895. Từ năm 1905, chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Du, tinh thần yêu nước của các vị lão sư, cô thái và phật tử được khơi dậy, ngôi chùa trở thành trụ sở kinh tài, ủng hộ học sinh xuất dương du học chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, truyền bá thơ văn yêu nước.

Trong những năm khó khăn gian khổ của cách mạng, Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ chọn nơi đây làm địa điểm liên lạc với các tổ chức cách mạng trong toàn miền. Ngày 25/1/1991, chùa được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Chùa không chỉ là địa điểm tâm linh mà còn là nơi lan tỏa tinh thần yêu nước để người dân có ý thức hơn về tính dân tộc, ý thức hơn về độc lập chủ quyền.

Ngoài những công trình mang ý nghĩa lịch sử, làng cổ Long Tuyền còn là tập hợp của nhiều làng nghề, mới có, cũ có, tạo nên những không gian văn hóa rất đặc trưng như các làng hoa Bà Bộ, Phó Thọ, làng nghề đồ chơi truyền thống…

Ông Nguyễn Văn Mười, nghệ nhân đồ chơi dân gian Long Tuyền cho biết, các làng nghề ở đây cũng mộc mạc, dân dã như chính người dân Tây Nam Bộ vậy. Như làng nghề của ông, các món đồ chơi chỉ là các con rùa, con chuột… được tạo ra từ giấy xốp, bút lông, đất sét... "Mỗi công trình kiến trúc, mỗi làng nghề truyền thống đều góp phần làm tăng giá trị văn hóa, lịch sử cho làng cổ Long Tuyền, là nét văn hóa mang đậm bản sắc của đất và người Tây Nam Bộ", ông Mười chia sẻ.

a
Không gian nội thất nhà cổ Bình Thủy. (Ảnh HOÀNG PHAN)

Phát huy giá trị làng cổ

Ông Dương Nhất Luận, tuổi ngoài 60 được sinh ra và lớn lên ở làng cổ Long Tuyền. Hằng ngày, ông dành nhiều thời gian để giới thiệu cho du khách thập phương về làng Long Tuyền và ngôi nhà cổ của dòng họ.

Ông Luận cho biết, hiện nay, ngôi nhà chưa có dấu hiệu xuống cấp. Vào các dịp nghỉ lễ, cuối tuần, hàng trăm người ghé đến tham quan. Mặc dù hiện nay các tour du lịch mở tuyến đi qua nhà, tuy nhiên kết hợp với các công ty lữ hành như thế nào để phát huy hiệu quả vẫn là bài toán khó. Phía sau ngôi nhà, gia đình có thửa đất rộng khoảng 1ha, muốn kết hợp với các đơn vị để phát triển du lịch nhưng sau nhiều năm, dự định vẫn bỏ ngỏ. Gia đình không ai có chuyên môn về du lịch. Kêu gọi đầu tư thì gặp khó.

"Tôi lớn lên trong làng, rất buồn khi phải chứng kiến những ngôi nhà cổ chung quanh bị phá bỏ, sau đó một ngôi nhà mới hiện đại khang trang mọc lên. Trước đây làng có hàng trăm căn nhà cổ, bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế hệ chúng tôi cũng đã luống tuổi, chỉ mong con cháu sau này có ý thức gìn giữ những giá trị của ngôi nhà", ông Luận chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Mười, Phó ban Trị sự đình Bình Thủy, hiện nay đình là nơi thờ các vị thần linh, thành hoàng làng, các vị tiền hiền có công mở đất, những anh hùng có công với đất nước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Hằng năm, tại đình diễn ra hai lễ lớn là thượng điền (tháng tư âm lịch) và hạ điền (tháng chạp). Mỗi lễ hội đều thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham gia.

"Đình Bình Thủy, làng cổ Long Tuyền có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch vẫn còn một số hạn chế nhất định. Lượng khách như thế nào phụ thuộc nhiều vào các công ty du lịch. Tại đình hiện nay không thu phí khách tham quan, tuy nhiên vẫn cần phải có kinh phí để thuê người bảo vệ, dọn dẹp, sửa chữa…", ông Mười cho biết.

Đình Bình Thủy, làng cổ Long Tuyền có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch vẫn còn một số hạn chế nhất định. Lượng khách như thế nào phụ thuộc nhiều vào các công ty du lịch. Tại đình hiện nay không thu phí khách tham quan, tuy nhiên vẫn cần phải có kinh phí để thuê người bảo vệ, dọn dẹp, sửa chữa…

Ông Lê Văn Mười, Phó ban Trị sự đình Bình Thủy

Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành thành phố Cần Thơ có nhiều hoạt động, hội thảo để tìm hướng đi cho sản phẩm du lịch tại các địa bàn cụ thể, trong đó có làng cổ Long Tuyền. Nhiều ý kiến cho rằng nên phát triển du lịch làng cổ Long Tuyền theo mô hình "làng di sản".

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện một số công ty lữ hành, hoạt động du lịch tại đây vẫn rời rạc theo từng điểm di tích mà chưa có sự liên kết, phối hợp. Di tích chủ yếu trưng bày, giới thiệu theo cách truyền thống mà chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa hoạt động dịch vụ...

Dẫn khách tham quan Cần Thơ, nhân viên các hãng lữ hành có giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa của làng cổ Long Tuyền. Tuy nhiên, chỉ cần vài tiếng là đã đi hết các di tích bởi vì không có dịch vụ gì khác ngoài việc "cưỡi ngựa xem hoa". Đa dạng loại hình dịch vụ là bài toán mà chính quyền địa phương cần phải có lời giải để phát huy hết giá trị của làng cổ Long Tuyền.

"Khi phát huy được giá trị thì ý thức bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa cũng tăng lên", ông Bùi Nam, giám đốc một công ty du lịch ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ.

Theo nhandan.vn
 

 

.
.
.