Thứ Hai, 03/04/2023, 10:02 (GMT+7)
.

Để du khách có thể 'chạm' vào văn hóa Việt Nam tinh tế và sâu sắc

Đến Việt Nam, du khách không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, không ngừng khám phá văn hóa bản địa và hòa cùng với người dân để được tận hưởng vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây. Điều này cho thấy chính văn hóa Việt Nam sẽ làm nên những điều khác biệt trong hành trình du lịch trải nghiệm của mỗi du khách.

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập và là Chủ tịch Lux Group - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Ông Phạm Hà, nhà sáng lập và là Chủ tịch Lux Group - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là 1 trong 13 ngành được thúc đẩy phát triển. Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, việc khai thác các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là động lực quan trọng để phát triển du lịch.

Chiến lược cũng xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa, trong đó kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Trên thực tế, du lịch chính là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng làm thế nào để tạo nên khác biệt, làm thế nào để du khách có thể "chạm" vào văn hóa Việt Nam tinh tế và sâu sắc nhất vẫn còn là câu chuyện dài và là sự trăn trở của những người làm du lịch tâm huyết.

Trong chuyến đi trải nghiệm "Hai vịnh một hành trình" (vịnh Hạ Long-Quảng Ninh, vịnh Lan Hạ-Hải Phòng) vừa qua, chúng tôi có dịp gặp nhà sáng lập và là Chủ tịch Lux Group, ông Phạm Hà, người cho đến nay đã dành phần lớn cuộc đời mình để yêu, để gắn bó và để phát triển ngành "công nghiệp không khói", mang niềm vui, niềm hạnh phúc, sự trải nghiệm tuyệt vời đến với du khách. Ông say sưa kể về quá trình dựa vào văn hóa, dựa vào di sản, gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu đó để phát triển du lịch một cách bền vững.

Chúng tôi cũng gặp những vị khách nước ngoài yêu mến cảnh đẹp đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, tìm đến với Việt Nam ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Không gian du thuyền Heritage Bình Chuẩn mang đậm nét văn hóa Việt Nam, từ kiến trúc đến vật dụng trang trí, tác phẩm mỹ thuật, sách, bưu ảnh... đều mang trong mình câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Không gian du thuyền Heritage Bình Chuẩn mang đậm nét văn hóa Việt Nam, từ kiến trúc đến vật dụng trang trí, tác phẩm mỹ thuật, sách, bưu ảnh... đều mang trong mình câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Mỗi sản phẩm du lịch là những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam

Có thể nói sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đang ngày càng trở thành xu hướng và là sở thích của du khách trung và cao cấp, đặc biệt quan tâm tới chất lượng, nhu cầu trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Vì vậy, các giá trị văn hóa đã trở thành nguồn lực của địa phương cũng như của quốc gia để phát triển du lịch nói chung và du lịch di sản nói riêng.

Văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch, là một trong những những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Bề dày lịch sử cùng với truyền thống văn hóa lâu đời sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển du lịch nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung của Việt Nam.

Theo ông Phạm Hà, du lịch văn hóa của Việt Nam có rất nhiều tài nguyên độc đáo, khác biệt với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Tôi đã gắn bó với ngành du lịch hơn 20 năm qua, đi nhiều nơi, tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều du khách nước ngoài và nhìn lại đất nước mình để thấy chúng ta có rất nhiều tài nguyên du lịch quý giá, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất, độc đáo nhất đó là: Văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, con người. Du khách rất yêu thích nền văn hóa của Việt Nam với 54 dân tộc là 54 bản sắc, phong cách sống, mỗi vùng miền lại có những giá trị văn hóa khác nhau. Trong quá trình làm việc với du khách nước ngoài, tôi nhận thấy họ rất quan tâm đến các tour du lịch văn hóa, trải nghiệm văn hóa và phong tục truyền thống, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc… của Việt Nam", ông Phạm Hà chia sẻ.

Ông Phạm Hà cho biết trong quá trình làm du lịch, ông đều muốn đưa những yếu tố văn hóa vào các hoạt động và sản phẩm du lịch của mình với mong muốn du khách có thể "chạm" được vào văn hóa Việt Nam một cách tinh tế, sâu sắc; làm cho trải nghiệm của họ đáng nhớ hơn tại Việt Nam và đặc biệt là phát triển du lịch di sản một cách bền vững.

"Việt Nam chúng ta có mỏ vàng di sản quý giá cho phát triển du lịch di sản văn hoá, trải nghiệm giá trị, độc đáo, giàu cảm xúc và đáng nhớ. Du lịch di sản cũng là một phần của du lịch văn hóa, là du lịch để trải nghiệm điểm đến, được tham gia các hoạt động cùng người dân bản địa, được tiếp cận một cách chân thực nhất những câu chuyện của lịch sử, trong đó bao gồm cả yếu tố văn hóa, được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của thiên nhiên…", ông Phạm Hà nói.

Ông Phạm Hà cho biết: "Di sản có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Trong di sản văn hóa có di sản vật thể và phi vật thể. Chúng tôi hướng đến và lồng ghép tất cả những câu chuyện lịch sử, tài nguyên di sản văn hóa Việt Nam tích hợp vào trong những sản phẩm du lịch".

Những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam được khắc họa qua những sản phẩm du lịch luôn thu hút du khách - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam được khắc họa qua những sản phẩm du lịch luôn thu hút du khách - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Đơn cử như từ góc độ tiếp cận văn hoá di sản, ông Phạm Hà đã xây dựng và thiết kế những du thuyền như Emperor hay Heritage Bình Chuẩn thành sản phẩm du lịch trải nghiệm một cách tinh tế và hấp dẫn. Qua đó cho thấy các sản phẩm này đều coi trọng những yếu tố văn hoá di sản, nét trang nhã tạo ra tính chân thực và độc đáo của trải nghiệm.

Du thuyền Heritage Cruises là thương hiệu rất được du khách và lữ hành chào đón, tạo tiếng vang ngay khi ra đời, đây là du thuyền mang phong cách boutique độc đáo, đậm chất nghệ thuật, tinh tế đến từng chi tiết. Du thuyền là điểm đến thú vị cho hành trình khám phá trải nghiệm trên vịnh Bắc Bộ và sông Hồng.

Còn du thuyền Heritage Bình Chuẩn đã kể cho du khách nghe câu chuyện văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thông qua hình ảnh danh nhân Bạch Thái Bưởi. Du thuyền Heritage Bình Chuẩn được thiết kế dựa trên con tàu Bình Chuẩn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi đầu thế kỷ XX. Đây là con tàu lớn nhất Việt Nam thời điểm tháng 9/1919, hoàn toàn do người Việt thiết kế, đóng mới và chạy thành công từ Hải Phòng đến Sài Gòn đúng 1 năm sau đó.

Ông Phạm Hà chia sẻ: "Chúng tôi đặt tên du thuyền là Bình Chuẩn, tên con tàu lừng lẫy của "Vua tàu thuỷ" Bạch Thái Bưởi với kỳ vọng người Việt sẽ được sống dậy một ký ức lịch sử đầy kiêu hãnh về con tàu Made in Việt Nam đầu tiên trong lịch sử. Còn du khách sẽ ấn tượng với những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hoá, tinh thần Việt Nam tại đây". 

Đây được coi như bảo tàng 'Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi, thể hiện đúng tinh thần doanh nhân yêu nước "Người Việt dùng hàng Việt" và "Người Việt Nam đi tàu Việt Nam".

Có thể thấy những sản phẩm du lịch nói trên in đậm nét văn hóa Việt Nam từ kiến trúc đến những vật dụng trang trí như tranh ảnh hay ẩm thực, trong đó món ăn Việt được nâng tầm để làm cho du khách yêu thích và nhớ về hành trình, về điểm đến. Một con tàu di sản đưa du khách đi khám phá thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ của Việt Nam đó là vịnh Hạ Long – Di sản Thiên nhiên thế giới và vịnh Lan Hạ - nằm trong top vịnh đẹp nhất thế giới.

Du khách thích thú trải nghiệm gói nem trên hành trình khám phá 2 vịnh (Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ) - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Du khách thích thú trải nghiệm gói nem trên hành trình khám phá 2 vịnh (Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ) - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Như vậy là một giấc mơ người Việt đang được viết tiếp trên hành trình giấc mơ du thuyền Việt Nam ra biển lớn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, vinh danh di sản Việt Nam và con người Việt Nam.

Du khách nước ngoài được khám phá sự giàu có văn hóa Việt Nam, được đánh thức 5 giác quan và giác quan thứ 6 là cảm nhận văn hoá di sản ở một nơi di sản thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Du khách khám phá mỹ thuật, "đọc" các bưu ảnh cổ, tận hưởng ẩm thực trên không gian hoài niệm bồng bềnh giữa kỳ quan, nghe câu chuyện lịch sử người xưa khởi nghiệp, tận hưởng kỳ nghỉ du thuyền sang trọng với nhiều tiện ích, được thư giãn và trải nghiệm kỳ nghỉ biển xanh, cát trắng nắng vàng, thăm làng chài 5.000 năm tuổi Cài Bèo, hoà mình vào di sản văn hoá và thiên nhiên để lưu khoảnh khắc, giữ kỷ niệm.

Du khách thích thú khi được khoác bộ áo dài truyền thống của Việt Nam trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn trong hành trình khám phá di sản thiên nhiên và văn hóa Việt Nam - Ảnh: VGP/Đăng Khoa
Du khách thích thú khi được khoác bộ áo dài truyền thống của Việt Nam trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn trong hành trình khám phá di sản thiên nhiên và văn hóa Việt Nam - Ảnh: VGP/Đăng Khoa

Để du khách đến Việt Nam không chỉ một lần

Tuy nhiên, ông Phạm Hà cũng cho rằng mặc dù chúng ta có tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản phong phú với hơn 4.000 hòn đảo, 125 bãi biển và một trong những nước có nhiều vịnh đẹp, biển đảo đẹp giàu có. Nhưng chúng ta chưa biến được thành sản phẩm du lịch văn hóa hay trở thành nền công nghiệp văn hóa như các nước đã làm.

"Tôi đã làm việc với nhiều nhà thiết kế họ cũng có cảm hứng từ di sản, tuy nhiên còn khó khăn trong việc chuyển thể thành sản phẩm du lịch như một sản phẩm hàng hóa. Điều đó cho thấy những người làm du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn về khung pháp lý để biến ý tưởng thành những sản phẩm văn hóa có thể kinh doanh và phục vụ cho mục đích du lịch. Hay như để thiết kế, xây dựng và vận hành 1 tàu biển phải cần gần 20 loại giấy tờ, phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc…", ông Phạm Hà trăn trở.

Đặc biệt ngoài biển đảo, chúng ta còn có hệ thống sông hồ tuyệt vời như sông Mekong, sông Hồng… có thể mở du thuyền trên sông nhưng hạ tầng cơ sở dọc bờ biển, cảng biển còn kém, cảng biển hàng hóa dùng chung với cảng biển du lịch. Chúng ta chưa có chiến lược thu hút đội tàu mạnh, đội tàu chạy ven biển Việt Nam. Đó cũng là trăn trở của doanh nghiệp làm thế nào để phát triển đội tàu Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài bằng đường biển.

Ông Phạm Hà cho biết trước dịch COVID-19, khách đến đường biển chỉ chiếm 2%, phạm vi để phát triển du lịch biển là rất lớn tuy nhiên hiện tại hệ thống cảng biển còn nhiều yếu kém để tiếp cận tàu siêu lớn; cáp treo quá thấp khiến tàu lớn không vào được, ngoài ra còn những rào cản khác và cần thủ tục 1 cửa cho tàu biển. Hiện nay, ngày càng nhiều du khách đến Việt Nam bằng tàu biển nên cơ hội phát triển du lịch đường biển là rất lớn. Du lịch đường biển đang là trào lưu, du khách thường đến 1 lần nhưng sau đó họ sẽ đưa gia đình, bạn bè đến Việt Nam bằng đường bộ.

Theo ông Phạm Hà, hiện nay có 2 xu thế. Đó là người Việt Nam thích phong cách phương Tây nên tìm đến những du thuyền có phong cách hiện đại để trải nghiệm. Còn du khách nước ngoài ở hàng trung và cao cấp họ quan tâm đến văn hóa và những câu chuyện văn hóa, di sản của Việt Nam.

Đặc biệt, sau COVID-19, khách du lịch quan tâm nhiều hơn đến những điểm đến xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Xu hướng du khách đi theo nhóm nhỏ hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn, ở lâu hơn và có trách nhiệm với điểm đến hơn. Đây là xu hướng chậm hơn trước kia nhưng lại là xu hướng bền vững bởi du khách quan tâm đến điểm đến văn hóa, môi trường sống, cuộc sống của người dân bản địa, đến vùng đó giúp người dân và kinh tế địa phương phát triển, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

"Vì vậy, doanh nghiệp du lịch sẽ đầu tư vào những sản phẩm du lịch trải nghiệm mang tính cao cấp hơn, về mặt môi trường sử dụng tất cả vật liệu thân thiện với môi trường, tất cả trang thiết bị đều mới, là đồ sơ chế và tái chế. Cách thức vận hành doanh nghiệp cũng khác, dựa vào văn hóa thì phải trân trọng văn hóa và di sản thì mới bền vững được", ông Phạm Hà khẳng định.

Ông Phạm Hà cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc về thể chế chính sách, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực bởi hiện nay nguồn nhân lực của chúng ta đang thiếu và yếu, sản phẩm du lịch vừa thừa những cái chung chung, nhưng lại thiếu đặc sắc; định vị điểm đến chưa rõ ràng (như điểm đến thiên nhiên, ẩm thực hay điểm đến văn hóa), việc xúc tiến maketing chưa hiệu quả… đang là những rào cản đối với du lịch Việt Nam.

Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch văn hóa. Nếu những di sản được khai thác hợp lý sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, giúp họ có những cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản địa, làm cho họ cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại nhiều lần tiếp theo.

Hiện cả nước có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê. Trong đó, hiện có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố; trên 3.460 di tích cấp quốc gia; 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia.

Có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và 14 di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

(Theo baochinhphu.vn)
 


 

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.