Nguyễn Mỹ Ca - nhạc sĩ tài hoa, chiến sĩ anh dũng của vùng đất Đông Hòa xưa
Nhạc sĩ Lê Thương từng nhận xét rằng, năm 1945 được xem là giai đoạn trăm hoa đua nở của tân nhạc Việt Nam. Đó là thời điểm mà có nhiều nhạc sĩ và tác phẩm chỉ xuất hiện một lần duy nhất nhưng để lại âm vang khó quên trong lòng thính giả suốt gần 80 năm qua, trong đó có một trường hợp tiêu biểu là nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca với ca khúc “Dạ Khúc”. Cho đến nay, trong số các nhạc sĩ đã từng xuất hiện trong làng tân nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca vẫn còn được nhắc tới cùng với “Dạ Khúc” - ca khúc vừa quý phái lại vừa đượm buồn.
Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca sinh năm 1920 tại làng Bình Hòa Đông, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông là con của ông Nguyễn Tri Lạc một người rất giỏi về đàn cò, đàn tranh và đánh trống nhạc lễ. Khoảng năm 1940, ông cùng với người em họ, vai con cậu, con cô là Trần Văn Khê lập ra ban nhạc Sầm Giang. Ban nhạc này đã có những hoạt động biểu diễn âm nhạc rất sôi nổi ở địa phương.
Tuyệt phẩm Dạ Khúc của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. |
Năm 1942, ông ra Hà Nội học đại học và sinh hoạt trong nhóm sinh viên yêu nước do Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng đứng đầu. Trong khoảng thời gian này, ông sáng tác nhiều ca khúc vui tươi, lạc quan, thấm đậm lòng yêu nước như: Đến trường, Vui đi học, Dạ khúc, đặc biệt bài Chiêu hồn nước được sinh viên, học sinh công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ngoài ra, ông còn cùng với Lưu Hữu Phước viết phần nhạc của bài Khúc khải hoàn được sinh viên, học sinh trình diễn rất nhiều lần tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Tác phẩm "Dạ Khúc" của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca ra đời vào năm 1945, được coi là thời kỳ trăm hoa đua nở trong tân nhạc ở miền Nam, vì trước đó, vào năm 1943, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức một số buổi ca kịch, đã gây được tiếng vang lớn ở nơi gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông” vào thời bấy giờ, từ đó báo chí bắt đầu ủng hộ tân nhạc. Năm 1944, các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước và Nguyễn Tôn Hoàn đã cùng ký tên trong bản tuyên ngôn âm nhạc; đồng thời, các lớp nhạc của Nguyễn Thông, Lê Ngáp và Doãn Ân được thành lập tại Sài Gòn trong thời gian này, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của tân nhạc ở Nam kỳ. Tuyệt phẩm "Dạ Khúc" của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca là một trong những tác phẩm đóng góp tiêu biểu trong sự nở rộ đó. Ngày nay, tên ông được đặt cho một con đường tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. |
Đầu năm 1944, hưởng ứng phong trào “Xếp bút nghiên” của sinh viên, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca cùng với nhiều sinh viên yêu nước khác đi xe đạp về miền Nam, tham gia phong trào cách mạng đang dâng lên sôi nổi ở Sài Gòn. Cuối tháng 9-1945, giặc Pháp xâm chiếm Sài Gòn, ông trở về quê nhà.
Theo tiếng gọi của non sông, ông ra bưng biền tham gia kháng chiến. Lúc bấy giờ, ông được cấp trên phân công làm Giám đốc Binh công xưởng Khu Trung Nam bộ (Khu 8) mà nhân dân quen gọi là Binh công xưởng Nguyễn Mỹ Ca.
Sau đó, Binh công xưởng được di chuyển về đóng ở vùng U Minh Hạ, bên bờ sông Trẹm. Với cây đàn piano do Ủy ban Kháng chiến tỉnh Mỹ Tho tặng, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca đã ký âm bài Tiến quân ca để các chiến sĩ hát trong buổi lễ chào cờ vào đầu mỗi buổi sáng.
Ngoài việc chỉ huy nhân viên sản xuất vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến trường, ông còn sáng tác một số ca khúc nhằm động viên tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược của nhân dân ta; tiêu biểu là bài Toàn dân kháng chiến.
Khoảng giữa năm 1946, Binh công xưởng bị giặc Pháp tấn công, nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca bị sa vào tay giặc. Bọn chúng mang ông về tỉnh Cà Mau, vừa tra tấn dã man, vừa mua chuộc, dụ dỗ, hòng buộc ông phải đầu hàng. Nhưng trước sau như một, ông chỉ nói: “Độc lập hay là chết”. Bất lực trước ý chí gang thép của một chiến sĩ cách mạng kiên cường, giặc Pháp đã xử bắn ông tại chợ Cà Mau. Ông hy sinh anh dũng khi mới vừa 26 tuổi.
LINH CHI (tổng hợp)