Thứ Bảy, 01/04/2023, 21:43 (GMT+7)
.

Xử phạt vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan: Chưa đủ sức răn đe!

Hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên mạng xã hội ngày càng phức tạp. Trong khi mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

a
Hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định 131 - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Nghị định 131: Quan trọng và bức thiết

Ngày 31-3, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2023 (Nghị định 131) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. 

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định sau 10 năm triển khai thực hiện, nghị định số 131 đã góp phần quan trọng giúp cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành 534 cuộc thanh kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan kết hợp với các lĩnh vực văn hoá theo thẩm quyền như điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn (cuộc thi người đẹp), nhiếp ảnh… xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức, 3 cá nhân. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131 là 12,8 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt là biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vào mục đích thương mại trong nhà hàng, cửa hàng siêu thị, cơ sở kinh doanh karaoke mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định…

Tại TPHCM, số lượng vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính theo hành vi sử dụng bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chiếm 98,4% tổng số vụ việc bị xử lý, trong đó xử phạt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông… là 28,3%.

Thực tế hiện nay, việc xử lý bằng biện pháp hành chính đang được lựa chọn ưu tiên áp dụng vì cơ chế nhanh gọn trong xác định hành vi vi phạm, xác định quyền tác giả quyền liên quan, ngăn chặn nhanh chóng hành vi xâm phạm,…

Cần tăng mức phạt và hình phạt bổ sung

Bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ có những vụ việc bản quyền dân sự kéo dài tới 10-12 năm. Trình tự thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan tại toà án nhiều khi phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc, khó đáp ứng được yêu cầu nhanh, chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Đây là một trong những yếu tố đánh giá hiệu quả của Nghị định 131 ra đời đã mang tính răn đe các cá nhân tổ chức có hành vi xâm phạm. Tuy nhiên trong tình hình thực tế hiện nay, mức phạt hành chính đã phần nào bộc lộ hạn chế.

"Mức phạt cao nhất với hành vi vi phạm bản quyền là 500 triệu đồng nhưng ít có hành vi có mức phạt tiền cao như thế, đang tập trung chủ yếu mức tầm 15-35 triệu đồng. Với những hành vi vi phạm tính chất nghiêm trọng hơn cũng chưa đủ để mang tính răn đe. Vì vậy cần có sự xem xét sửa đổi về mức phạt tiền… Mức phạt này cần xem xét cụ thể trong các nhóm đối tượng", Bà Phạm Thị Kim Oanh nói.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội, hành vi xâm phạm quyền tác giả quyền liên quan trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý: Cá nhân, tổ chức cung cấp xuyên biên giới, sử dụng tên miền quốc tế, dùng máy chủ ở nước ngoài… Chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cung cấp chưa đầy đủ, chưa kịp thời, bên vi phạm không đến, tìm lý do trì hoãn, kéo dài thời gian, không đủ căn cứ, chứng cứ để xử lý theo quy định.

Đồng tình với quan điểm mức xử phạt còn quá nhẹ, đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam lấy dẫn chứng điểm a, khoản 1, điều 13 Nghị định 131 quy định xử phạt  hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định với mức phạt với cá nhân là từ 5-10 triệu đồng, với tổ chức là 10-20 triệu đồng. 

Đây là mức phạt quá thấp so với quy mô và doanh thu các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỉ đến hàng chục tỉ) và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị né tránh, không trả cho tác giả, lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam hiện nay đại diện cho hơn 5.000 tác giả âm nhạc Việt Nam và hơn 4 triệu tác giả âm nhạc quốc tế, là một trong những đối tượng chịu sự tác động của Nghị định số 131. Đại diện Trung tâm này đề nghị ngoài tăng mức phạt cần có hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả để răn đe tình trạng công khai xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan như hiện nay.

Hoạt động ở Việt Nam phải tuân thủ luật Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, Luật sư Phan Vũ Tuấn (Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM) lấy ví dụ về mức xử phạt thấp quá khiến người vi phạm không sợ.

"Chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước có được quyền truy cập hoặc có quyền làm việc với các mạng xã hội để đưa ra được những giải thích về mặt pháp luật Việt Nam. Họ cần cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để làm việc liên quan đến những trường hợp như ca sĩ Phạm Khánh Hưng, nhạc sĩ Giáng Son…, những người đang bị chiếm đoạt quyền như vậy", Luật sư Phan Vũ Tuấn nói.

Phát biểu bế mạc, bà Phạm Thị Kim Oanh ghi nhận ý kiến các đại biểu. Bà nhấn mạnh vai trò đầu tàu của Thanh tra Bộ VHTTDL cùng các địa phương, yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai, quán triệt lực lượng thực thi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hoạt động tập huấn địa phương, không chỉ tập huấn cho cán bộ mà còn nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan, tăng cường năng lực, vật lực để triển khai thực hiện xử phạt hành chính trong lĩnh vực này.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh sự phối hợp sở ban ngành để triển khai thực thi quyền tác giả và quyền liên quan, đề nghị các địa phương trao đổi để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi….

Theo chinhphu.vn


 

 

.
.
.