Thứ Tư, 10/05/2023, 10:07 (GMT+7)
.

Đình Tân Đông - độc đáo với kiến trúc có "1 không 2"

2 cây bồ đề buông rễ ôm toàn bộ ngôi đình đó là một trong những nét kiến trúc độc đáo, cổ kính của đình Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hơn 100 năm qua, dù qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo thế nhưng các giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình này vẫn còn vẹn nguyên cho đến tận hôm nay.

TỪ ĐÌNH GÒ TÁO XƯA ĐẾN ĐÌNH TÂN ĐÔNG NGÀY NAY

Theo nhiều tài liệu sử sách ghi lại, đình Tân Đông hay còn gọi đình Gò Táo tọa lạc tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, được xây dựng vào năm 1901. Trong giai đoạn đầu, đình được xây dựng với quy mô nhỏ, chưa đầy 100m2, tại vị trí miếu Ông, ấp Gò Táo hiện nay. Khi mới lập, đình có tên gọi là đình làng Tân Niên Đông thuộc Tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công.

Ngày nay, đình Tân Đông được đầu tư trùng tu, tôn tạo, sửa chữa khang trang.
Ngày nay, đình Tân Đông được đầu tư trùng tu, tôn tạo, sửa chữa khang trang.

Năm 1904, do sức tàn phá của cơn bão năm Thìn, ngôi đình gần 3 năm tuổi lúc bấy giờ đã bị hư hại nặng. Đến năm 1905, một vị hào phú trong làng đã hiến đất, tiền của và nhờ sự đóng góp của nhân dân, ngôi đình đã được dời về địa điểm mới, cách vị trí cũ khoảng 1 km.Tháng 4-1979, do địa danh xã Tân Niên Đông được đổi tên thành xã Tân Đông, từ đó đến nay ngôi đình được gọi là đình Tân Đông.

Sau 2 năm xây dựng, từ 1905 đến năm 1907, đình được xây hoàn chỉnh với diện tích là 538m2. Đình được xây dựng theo kiểu chữ Tam, trước đình có một bức bình phong cao 1,5 m, hai bên có 2 miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành. Bàn thờ Thần nông quay mặt vào trong đình. Nơi đây được nhân dân địa phương thờ Thành Hoàng làng, hay còn gọi là Thành Hoàng Bổn Cảnh, nhằm tôn kính, ghi ơn những bậc tiền hiền đã có công mở cõi.

Theo nhiều vị cao niên trong làng, trước đây, đình Tân Đông là khu kiến trúc phức hợp, độc đáo gồm: Võ ca, đình chánh, nhà khói. Mặt tiền của đình là 5 cửa vòm theo kiểu châu Âu, gian giữa cửa lớn, các gian bên nhỏ. Vòm cửa giữa được đắp hình cuốn thư nhỏ, đề năm 1907. Phần võ ca gồm: 2 gian 3 chái, cột gỗ, mái lợp ngói âm dương.

Đối diện với kiến trúc này là bệ thờ lớn, có 2 chữ Thần Nông, hai bên tả hữu có miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành; trước đây võ ca là nơi diễn ra hát bội. Ở khu vực gian giữa là bệ thờ cổ (đình chánh) được cất theo kiểu tứ trụ, nhà rường cột cao 5,5 m, trên đó có chữ Thần được viết bằng sơn vàng trên nền đỏ, 4 góc là 4 chữ Tiền vãng, Hậu vãng, hai gian biên thờ Tả ban, Hữu ban. Khu vực nhà khói trước đây là nơi để nấu ăn mỗi lần diễn ra các dịp cúng đình.

 

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Tân Đông bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều lần được nhân dân đóng góp công sức, tiền của trùng tu và sửa chữa. Năm 1957, nhân dân địa phương góp công, góp của làm mặt dựng cho đình và xây tường chung quanh thay bằng vách gỗ và làm bức bình phong trước đình bằng xi măng. Năm 1970, phần võ ca của đình được lợp lại bằng tole.

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Tân Đông là nơi tổ chức hội họp của cán bộ cách mạng, nhằm đưa ra các quyết sách để lãnh đạo kháng chiến. Còn trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Mỹ - Ngụy đã dùng nơi đây làm nơi giam cầm, trấn áp những người tham gia cách mạng.

Sau giải phóng, do sự tàn phá của chiến tranh, đình trở nên hoang tàn không ai hương khói, dọn dẹp. Khoảng năm 1986, khi gian võ ca bị hư, để trống một không gian phía trước, lúc này có 3 cây bồ đề con, mọc trên mặt trước của ngôi đình chánh, hai cây mọc ở 2 gốc và một cây mọc ở giữa. Sau đó, những người chơi kiểng cảnh, đã bứng lấy đi một cây ở gốc bên phải, còn lại 2 cây, lớn rất nhanh, rễ chạy dài bám theo vách tường và kèo, cột, góp phần nâng đỡ cho ngôi đình không bị đổ sập. Hai cây bồ đề mọc từ trên xuống, theo năm tháng, buông những chùm rễ lớn nhỏ, tạo thêm nét đẹp cổ kính cho ngôi đình, thu hút nhiều khách thập phương đến chiêm ngưỡng, làm phim và chụp ảnh lưu niệm.

Theo anh Nguyễn Văn Bền, công chức Văn hóa, xã hội xã Tân Đông, năm 2010, đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Qua nhiều lần khảo sát, đến khoảng năm 2020, đình Tân Đông đã được trùng tu tôn tạo với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng. Việc trùng tu, tôn tạo ngôi đình đã được triển khai cẩn thận, đơn vị thi công đã làm mới các móng chịu lực dưới chân cột, xây tường, tận dụng tối đa các cột, kèo còn sử dụng được sau khi đã xử lý sơn bóng, sơn nước toàn bộ công trình theo màu sơn hiện trạng, thay ngói cũ bằng ngói âm dương.

Đặc biệt, phần cây bồ đề phía trước đình, đơn vị trùng tu đã cắt tỉa tạo dáng, xử lý chống thấm và chống xuống cấp công trình. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo, đình Tân Đông là niềm tự hào của người dân xã nhà. Chính quyền và nhân dân xã Tân Đông đã cùng nhau góp công, góp sức bảo vệ và phát huy các giá trị của ngôi đình, đặc biệt là tổ chức tốt 4 lệ cúng đình hằng năm.

CẦN NGHIÊN CỨU ĐỂ KHÁM PHÁ GIÁ TRỊ CỦA ĐÌNH

Ngôi đình Tân Đông không đồ sộ về quy mô hay có kiến trúc xây dựng hoành tráng, mà chủ yếu mang nét đẹp hoài cổ, rêu phong cũng như mang trong mình những câu chuyện lịch sử, văn hóa riêng. Vốn chẳng ai biết được ngôi đình này được xây dựng từ năm nào, tất cả chỉ phỏng đoán đình Tân Đông được khởi công xây vào năm 1907 do mảng vữa đắp hình cuốn thư trên vòm cửa khắc như thế.

Hai cây bồ đề buông rễ, ôm toàn bộ ngôi đình là một trong những nét độc đáo của đình Tân Đông.
Hai cây bồ đề buông rễ, ôm toàn bộ ngôi đình là một trong những nét độc đáo của đình Tân Đông.

Tương truyền, đình đã xuất hiện từ thời Vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn. Đình là nơi thờ phượng Tả quân Lê Văn Duyệt, một công thần thời Vua Gia Long nhưng không được Vua Minh Mạng tin dùng. Đáng tiếc, đình đã dần rơi vào cảnh tiêu điều, hoang tàn vào đầu thời Pháp thuộc. Sau này, bà Từ Dũ vốn là một người con của vùng đất này đã cho trùng tu ngôi đình vào năm 1907. Kinh phí để trùng tu đình Tân Đông, Gò Công năm xưa cũng rất cao và sử dụng những người thợ lành nghề từ Huế vào. Đây cũng là lý do mặc dù đình ngày nay còn rất nhiều chi tiết chạm trổ, trang trí và kiến trúc vẫn còn vẹn nguyên những đường nét tinh xảo ngày trước.

Giữa thế kỷ XX, bởi ảnh hưởng của chiến tranh nên đình bị bỏ hoang và dần trở nên xập xệ. Sau này, người dân ấp kế bên dù rất muốn trùng tu nhưng cũng đành bất lực vì không tìm ra nguồn kinh phí. Lúc bấy giờ, chim chóc từ đâu bay tới đã thả hạt bồ đề trên khu vực nóc và đỉnh tường của đình. Sau này, bồ đề đã mọc len lỏi chằng chịt khắp các bức tường quanh đình, đặc biệt là khu vực 5 vòm cửa mặt tiền, giúp cho không gian ngôi đình trở nên bí ẩn và hấp dẫn, thu hút sự hiếu kỳ của đông đảo mọi người.

Được biết, khi xưa, chính điện có một gác lửng, mỗi kỳ cúng đình cử người leo lên bưng sắc thần xuống mở ra. Sắc thần đã mất mấy mươi năm nay và những cụ làm từ trong đình cũng không còn không biết đình thờ vị thần nào. Năm 2013, khi trả lời phỏng vấn báo chí về câu hỏi đình Tân Đông thờ nhân vật nào, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL và ông Lê Ái Siêm, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang đã nhận định  rằng: “Đình làng thường thờ những vị có công với vùng đất nơi đó, nên việc xác minh sắc thần ở đình Tân Đông còn phải chờ các nhà sử học nghiên cứu và trả lời”.

V. PHƯƠNG - H.L

.
.
.