Thứ Ba, 02/05/2023, 10:28 (GMT+7)
.

Đừng để rap thành "rác"

Hơn 2 năm qua, rap Việt khẳng định vị trí nhất định ở thị trường nhạc trẻ. Thế nhưng, trong hành trình phát triển mau lẹ, đã xuất hiện nhiều sản phẩm bị khán giả phản ứng, gọi thẳng là “rap rác”.

a
Lời xin lỗi muộn màng của rapper 2See khi chế lời bài thơ Lượm

Rap chế thơ phản cảm

Mấy ngày qua, một đoạn rap được chế lời từ bài thơ Lượm (nhà thơ Tố Hữu) bất ngờ lan truyền với tốc độ chóng mặt trên nền tảng chia sẻ video TikTok. Bài rap do rapper 2See (thuộc cộng đồng Underground - âm nhạc không chính thống) được remix bởi DJ FWIN nội dung như sau: Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật Prada/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta/ Họa hổ họa bì gian nan họa cốt/ Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương/ Cười người hôm trước hôm sau người cười/ Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10/ Muốn sang đây được phải bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều…

Bức xúc trước đoạn rap chế thơ này, khán giả Hoàng Văn Tâm (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lên tiếng: “Quả thật, đây là một bản rap rất tầm bậy, không chấp nhận được. Rapper không biết giới hạn của việc chế nhạc và nhiều bạn trẻ lại a dua hát theo. Tôi xem qua khá nhiều video phổ biến trên TikTok, đa phần cảnh học sinh hát, đứng tạo dáng trên bàn ghế trong lớp học, kể cả bàn giáo viên. Thậm chí có một số video ghép bài nhạc chế với cảnh phụ nữ mặc áo tắm, rất kỳ cục”. Khán giả Nguyễn Ngọc Khoa (26 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) thắc mắc, không hiểu tại sao một bài thơ ý nghĩa lại bị đạo thành nhạc chế rồi tạo “trend” (xu hướng) nhảy múa phản cảm. “Nhạc chế trên TikTok lâu nay bị lên án hoài mà sao vẫn cứ muốn “đu trend” cho bằng được”, Khoa bức xúc nói.

Trước sự chỉ trích của khán giả, rapper 2See xin lỗi, bày tỏ hối hận khi chế lời bài thơ Lượm. Nam rapper cho biết, 2 năm trước, khi trào lưu chế nhạc, chế thơ được ưa chuộng, anh đã ghép lại nhiều câu trên mạng làm thành bài nhạc và nghĩ “vô thưởng vô phạt”. Đây không phải lần đầu tiên chuyện nhạc rap chế lời phản cảm lan truyền. Lê Dương Bảo Lâm từng gây tranh cãi khi hát nhạc chế Doraemon (dựa theo bài hát Hãy sống cho tuổi trẻ, nhạc ngoại, lời Việt của Cao Tùng Anh) trên sóng truyền hình, lan rộng mạng xã hội. Trước đó, nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung trên nền tảng mạng xã hội khác cũng chế lời nhảm nhiều ca khúc, làm mất đi tinh thần bài hát gốc.

Không phải chuyện nhỏ

Theo nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng, hiện nay, len lỏi trong đời sống của rap sẽ thấy nhiều sản phẩm chất lượng, điển hình như những bài rap của Đen Vâu truyền động lực cho người trẻ và cả người không còn trẻ với ca từ dễ cảm. “Ngoài một số tác phẩm, nghệ sĩ rap chất lượng, cũng có những bài rap mà khi nghe chẳng thấy gì ngoài những từ ngữ thô tục, những câu chuyện xã hội có vẻ như được mô tả lại từ đời sống của một bộ phận thanh niên lêu lổng, không chí tiến thủ”, nhạc sĩ Bá Hùng nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng phân tích: “Các dòng nhạc trẻ như rap còn quá non trẻ ở Việt Nam, đang ở giai đoạn vàng thau lẫn lộn. Các tác phẩm ào ào ra đời, chưa có sự định hình bài bản, chưa nhìn nhận được việc lồng ghép giá trị văn hóa vào tác phẩm. Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan truyền thông cần có trách nhiệm tuyên truyền, định hướng để những tâm hồn yêu rap đi đúng đường, đúng hướng, để đam mê của họ chạm đúng khát khao của khán giả. Đừng để nhạc rap thành “nhạc rác” như đang diễn ra hiện nay, ở một số sản phẩm”.

Ngay từ những ngày đầu du nhập, rap tự thân khác biệt, ẩn chứa sự nổi loạn. Thời chưa có định hướng, rap bất cần khuôn phép, từng có những bản rap đề cao sự hơn thua, bạo lực, gợi dục... Rap không “có cửa” ở những sân khấu lớn, nhiều khán giả ác cảm với rap. Điều này dần thay đổi khi nhiều cuộc thi lớn về rap được tổ chức, đề tài rap đa dạng hơn, xuất hiện các bản rap dễ nghe. Thế nhưng, trên con đường chiếm cảm tình khán giả, một số bản “rap rác” phản cảm ra đời, bị dư luận mổ xẻ, phần nào khiến công chúng hoài nghi về rap.

Điều đáng nói, cùng độ “viral” (phổ biến nhanh chóng) các trào lưu mạng xã hội, các bản “rap rác” lập tức phủ sóng, nhận về lượt xem cao, tồn tại như những sản phẩm giải trí. Chính bản thân khán giả, đặc biệt người trẻ phải phân định rõ sự nhố nhăng, phản cảm trong các bản rap, không phải là thể hiện “sự khác biệt”. Các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có chế tài mạnh tay với loại sản phẩm rác này, bởi sự nguy hại, nhất là đối với người trẻ.
 

“Việc sáng tác hiện nay khá tự do, dễ dãi là vì thiếu kiểm duyệt. Các trường hợp “rap rác” từng bị xử lý thường do áp lực từ khán giả. Có một số nền tảng, giới trẻ tham gia nhiều, nhưng đang thiếu kiểm duyệt. Tôi nghĩ cần có biện pháp chế tài chứ không thể phó mặc mọi hành vi “sản xuất rác” cho sự tự ý thức của nghệ sĩ, hay trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

Theo sggp.org.vn
 


 



 

.
.
.