Khởi sắc đời sống văn hóa cơ sở
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều công văn, kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các phong trào văn hóa, nhất là việc triển khai thực hiện quy định thang điểm, cách chấm điểm xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Đó là kết quả ghi nhận trong thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở VHTT&DL về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh giai đoạn 2020 - 2025.
Đề đạt kết quả trên, ngành VHTT&DL đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn có liên quan và Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị, thành hằng năm phối hợp với MTTQ cùng cấp tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, các danh hiệu văn hóa, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ văn hóa và MTTQ cơ sở… Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng thông qua thực hiện quy ước để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, NTM, đô thị văn minh; chú trọng phát hiện cách làm hay, gương điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng trong toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023. Ảnh: NGỌC AN |
Nhờ làm tốt công tác phối hợp nên những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa gắn với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” luôn được các địa phương trong tỉnh Tiền Giang quan tâm đẩy mạnh. Từ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực tham gia phát động, duy trì nhiều phong trào, mô hình cụ thể tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư; đồng thời, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Trong đó, từng nơi chủ động lựa chọn, triển khai nội dung thi đua, tập trung vào những vấn đề thực tiễn của địa phương, như: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các “Tuyến đường tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp”; duy trì tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bất hòa tại cộng đồng dân cư; giúp nhau xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo... Các khu dân cư đăng ký thi đua, các tổ chức đoàn thể vào cuộc tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng phong trào sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống.
Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở những năm qua là MTTQ các cấp và ngành Văn hóa đã làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động các nhà tu hành, chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tỉnh tham gia xây dựng cơ sở thờ tự văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, làm cho đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú…
Bên cạnh đó, các phong trào văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng. Điển hình như các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm được tổ chức vui tươi, sôi nổi… Qua đó, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống; củng cố sự gắn bó, đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, thường xuyên tổ chức các giải thể thao gắn với các dịp lễ tết, sự kiện lớn, chương trình lễ hội... đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phối hợp giữa ngành VHTT&DL với MTTQ các cấp trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nên chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, hiệu quả đạt được chưa cao. Việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định, có biểu hiện chạy theo thành tích, nhất là việc đăng ký, bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” ở một số địa phương còn hình thức, không đúng với thực tế địa phương. Một số ít người dân còn ít tham gia hội họp, hưởng ứng các hoạt động do địa phương tổ chức...
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến, trong thời gian tới, ngành VHTT&DL sẽ phối hợp với MTTQ các cấp thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.
PHÚC LỘC