.
"TƯỢNG ĐÀI CĂM THÙ" XÃ VĨNH KIM:

Phát huy truyền thống, nối tiếp tương lai

Cập nhật: 14:00, 17/05/2023 (GMT+7)

Cách đây 83 năm, tại khu vực chợ Giữa Vĩnh Kim (nay thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong một trận càn quét, thực dân Pháp đã ném bom làm 40 người dân vô tội thương vong. Để tưởng niệm đồng bào vô tội bị giặc Pháp ném bom thảm sát, nơi đây đã được chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng “Tượng đài căm thù”. 

Tiếp bước truyền thống của cha ông đi trước, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Kim hôm nay không ngừng ra sức thi đua, lập thành tích đưa Vĩnh Kim từng bước “thay da, đổi thịt”.

CHỢ GIỮA NĂM XƯA

Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, giai đoạn năm 1940, phong trào kháng chiến chống Pháp và phát xít Nhật của quân và dân ta diễn ra sôi nổi; trong đó, tiêu biểu là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ do Xứ ủy Nam kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Vào ngày 23-11-1940, tiếng mõ, tiếng súng từ làng Thạnh Phú, rồi làng Long Hưng vọng sang làng Vĩnh Kim, Ủy ban Khởi nghĩa nhanh chóng vận động người dân nổi trống, mõ, gây thanh thế và chuẩn bị lực lượng đánh chiếm nhà việc và đồn Vĩnh Kim. Cả xã Vĩnh Kim hừng hực khí thế đấu tranh với âm thanh vang động lan từ nhà này sang nhà khác, từ mọi ngõ xóm, đường làng.

Di tích “Tượng đài căm thù” ở chợ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.
Di tích “Tượng đài căm thù” ở chợ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.

Đến 15 giờ ngày 23-11-1940, Ủy ban Khởi nghĩa cho người treo cờ trên nhà lồng chợ Vĩnh Kim, ngọn cây dương ấp Vĩnh Bình và cây sao ấp Vĩnh Quý. Đây là lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng cùng cờ búa liềm phất phới tung bay trên bầu trời Vĩnh Kim. Suốt đêm 23-11, cả làng Vĩnh Kim gần như không ngủ trong tiếng mõ rền vang, với lòng sục sôi làm rung chuyển bộ máy chính quyền thống trị của thực dân Pháp.

Trước khí thế quyết liệt của quân và dân ta, nhằm đối phó lại, sáng ngày 2-12-1940, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách đàn áp rất tàn bạo, dã man. Theo đó, Pháp đã huy động một lực lượng quân sự hơn 1.000 quân hải, lục, không quân để tham gia vào các cuộc càn quét, vô cớ bắn giết, bắt bớ, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá, cướp bóc ở các làng có phong trào khởi nghĩa, trong số đó có làng Vĩnh Kim.

Để dọn đường cho các cánh quân tiến về Chợ Giữa, thực hiện chính sách đàn áp, đến ngày 3-12-1940, quân Pháp đã dùng ca nô, tàu chiến, cho máy bay quần thảo, đánh bom, bắn phá dữ dội từ sáng sớm vào những nơi đông người hoặc chỗ tình nghi và cùng lính bộ binh thực hiện các cuộc càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Bình Trưng…

Tại Vĩnh Kim, sáng ngày 5-11 năm Canh Thìn, không quân Pháp đã ném 2 quả bom xuống tại Chợ Giữa trong lúc nhiều người đang nhóm chợ sáng làm cho hơn 40 người dân vô tội thương vong, trong số đó có người già, phụ nữ, trẻ em. Sau cuộc thảm sát, Pháp bắt người dân đào một cái hố tại chợ để chôn tập thể 40 xác người dân vô tội. Sau 3 ngày do sự bốc mùi hôi thối và sự đấu tranh quyết liệt của người thân và nhân dân, Pháp mới cho người thân lấy xác về chôn cất.

MỘT “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

64 năm sau, ngày 22-2-2004, địa điểm nơi thảm sát Chợ Giữa đã được công nhận và xếp hạng Di tích Quốc gia. Vào năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ Khởi nghĩa, công trình “Tượng đài căm thù” với kinh phí hơn 3 tỷ đồng được xây dựng tại địa điểm mà ngày xưa giặc Pháp ném bom thảm sát đồng bào vô tội. Tượng đài được đúc bằng đồng, nặng 8 tấn, được thực hiện bởi nghệ nhân điêu khắc Lương Văn Thạnh.

Bức tượng đã thể hiện lại vụ thảm sát ngày mùng 5-11 năm Canh Thìn (tháng 12-1940), khắc họa chi tiết hình ảnh người phụ nữ với nón lá, gióng gánh trong tư thế quỳ, một tay ôm đứa con đã chết, một tay cằm chặt cây đòn gánh đã gãy, phía trước là thúng, gióng, đôi mắt hướng nhìn bầu trời nơi có chiếc máy bay đang quần đảo. Phía sau tượng là bức phù điêu dài 30 m, minh họa lại hình ảnh cuộc đấu tranh của quân, dân xã Vĩnh Kim chống thực dân Pháp và bọn tay sai.

Theo Đảng bộ và chính quyền xã Vĩnh Kim, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, toàn xã ghi nhận 173 liệt sĩ, 67 thương binh, 457 gia đình có công với đất nước, 121 người là nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, hàng trăm người bị bắt tù, đày tra tấn dã man đã hy sinh trong các nhà tù và còn biết bao người dân vô tội đã chết hoặc bệnh tật do di chứng chiến tranh để lại.

Toàn xã có 33 người được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đã đạt được trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm 2005 xã Vĩnh Kim vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhằm tưởng niệm đồng bào vô tội bị giặc Pháp ném bom thảm sát tại Chợ Giữa Vĩnh Kim năm 1940, lên án tội ác chiến tranh, bảo vệ hòa bình, hằng năm, vào ngày 5-11 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức Lễ tưởng niệm cho đồng bào ngay tại khu vực tượng đài, tạo điều kiện cho người dân xa gần về đây thắp hương tưởng niệm những người đã khuất.

Bí thư Xã đoàn Vĩnh Kim Nguyễn Thị Phương Dung cho biết: “Là thế hệ thanh niên ngày nay, được sống trong hòa bình, bản thân tôi cũng như các bạn đoàn viên, thanh niên của xã rất tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương. Để có độc lập, hòa bình như hiện nay, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng máu xương. Mỗi lần đến dịp kỷ niệm, người dân đều đến viếng di tích, thắp hương tưởng nhớ những người đã mất trong vụ thảm sát. Đồng thời, đây cũng là dịp để cho thế hệ trẻ biết và tự hào về những ngày tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc. Đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Kim sẽ luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ra sức học tập, lao động, tiếp tục phát huy sức trẻ để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”.

VÀ VĨNH KIM HÔM NAY

Để xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến, các thế hệ cán bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Kim hôm nay không ngừng phấn đấu, ra sức thi đua đưa Vĩnh Kim phát triển từng ngày. Từ một làng quê nghèo, đến nay Vĩnh Kim được biết đến là địa phương sầm uất, là đầu mối giao thương trái cây nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Một trong những minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ là Vĩnh Kim đã xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.

Trong tương lai, với tiềm năng, dư địa của mình, xã Vĩnh Kim dự kiến sẽ được đầu tư, phát triển lên thị trấn, trở thành một phân nhánh trung tâm thương mại - dịch vụ của huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho, là trung tâm thương mại mang tính trung chuyển quan trọng của tỉnh Tiền Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Lê Thúy Hằng, từ xã còn khó khăn trước đây, qua quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đến nay bộ mặt xã thay đổi rõ rệt. Qua hơn 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Kim đạt được những kết quả phấn khởi: Thu nhập bình quân đầu người đạt 71,7 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 1,18%, lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác an sinh xã hội được các ngành, các cấp tập trung thực hiện. Xã Vĩnh Kim tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phấn đấu từng bước xây dựng hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu để ra mắt trong năm 2024.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Kim tập trung các giải pháp chủ lực để phát triển kinh tế. Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Vĩnh Kim sẽ tập trung phát triển thương mại, dịch vụ; trong đó, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từ chợ Vĩnh Kim. Ngoài ra, Vĩnh Kim sẽ tăng cường các giải pháp, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái kết hợp phát triển kinh tế vườn, khai thác du lịch từ các khu du tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Vĩnh Kim sẽ chăm lo tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Đối với người dân Vĩnh Kim, “Tượng đài căm thù” là địa chỉ ghi dấu lịch sử đáng trân trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho thế hệ mai sau. Với những định hướng cụ thể, Vĩnh Kim tin tưởng sẽ phát triển thành một đô thị trong tương lai với nhiều đột phá và điểm nhấn mới.

V. PHƯƠNG

.
.
.