Chất liệu đời sống trong điện ảnh
Cuộc sống của những người lao động nghèo ở chợ đầu mối trong bộ phim truyền hình dài tập “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (phát sóng trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam) đang tạo sự đồng cảm của người xem qua màn ảnh nhỏ, khiến họ cùng khóc-cười với từng đổi thay, biến cố cuộc đời của các nhân vật.
Cuộc sống của những người lao động nghèo ở chợ đầu mối trong bộ phim truyền hình dài tập “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (phát sóng trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam) đang tạo sự đồng cảm của người xem qua màn ảnh nhỏ. |
Bộ phim đã nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả, dù cho có không ít ý kiến trái chiều về bộ phim được viral trên mạng xã hội.
Hiện nay, khá nhiều bộ phim ăn khách trên màn ảnh rộng (điện ảnh) lẫn màn ảnh nhỏ (truyền hình) có nội dung là những câu chuyện về tầng lớp bình dân, người yếu thế trong xã hội.
Thực tiễn đời sống thường nhật của tầng lớp bình dân chính là “mảnh đất” màu mỡ để các nhà làm phim khai thác làm thành sản phẩm nghệ thuật sáng tạo có thể chạm vào trái tim của số đông khán giả. |
Trên màn ảnh rộng ở các rạp, từ đầu năm 2023 đến nay, các bộ phim ăn khách đều mang chủ đề khắc họa cuộc sống của những người làm công việc lao động phổ thông vất vả, như: “Nhà bà Nữ”; “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Con nhót mót chồng”..., các phim điện ảnh ra rạp thuộc Tốp các phim thuần Việt ăn khách nhất từ trước đến nay (như “Hai Phượng”, “Bố già”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”...) cũng mang “mẫu số chung” ấy, để vượt qua những bộ phim về giới thượng lưu giàu có, như “Tiệc trăng máu”, “Em chưa 18”, “Gái già lắm chiêu”…
Thực tiễn đời sống thường nhật của tầng lớp bình dân chính là “mảnh đất” màu mỡ để các nhà làm phim khai thác làm thành sản phẩm nghệ thuật sáng tạo có thể chạm vào trái tim của số đông khán giả.
“Mảnh đất” này luôn có nhiều chất liệu hiện thực cuộc sống từ những câu chuyện, những góc khuất hay biến cố của các phận người... mà hầu hết đều có tính điển hình.
Dĩ nhiên, không phải bất cứ bộ phim nào có chủ đề về tầng lớp bình dân cũng thành công. Nhiều lợi thế, nhưng giữa vô số câu chuyện đời thường, chọn lựa đề tài nào, góc nhìn và khai thác ra sao để không gây phản ứng ngược không đơn giản. Điều này đòi hỏi sự quan sát thực tiễn đời sống một cách tinh tế, cặn kẽ của các nhà làm phim.
Nhiều nhà sản xuất chọn thực hiện các web drama (phiên bản phim “nháp” phát trên mạng xã hội) để đo lường phản ứng khán giả, rồi mới quyết định đầu tư làm thành phiên bản điện ảnh (chẳng hạn như phim “Bố già”). Chưa kể, yếu tố tiên quyết để chuyển tải cốt truyện là diễn xuất của diễn viên. Ở góc độ này, các bộ phim ra rạp thành công thời gian qua đều làm khá tốt.
Thành công của “dòng” phim đề cập chủ đề bình dân vừa qua là tín hiệu đáng mừng của điện ảnh và truyền hình Việt hiện nay. Song, các nhà sản xuất cần tỉnh táo cân nhắc để “tinh cất” chất liệu đời sống bình dân, tránh sa đà chạy theo trào lưu “bắt trend” kiểu cha ông vẫn phê phán là “thấy người ta ăn khoai, mình vác mai đi đào”, mà quên mất điều cốt lõi là chất lượng tác phẩm - cả về nội dung, diễn xuất và thông điệp nghệ thuật - của các bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh.
(Theo nhandan.vn)