Thứ Ba, 06/06/2023, 11:19 (GMT+7)
.

Góp chút lòng với cải lương

Sinh ra ở Kiên Giang, từ nhỏ, Võ Tuấn Nam (25 tuổi, hiện sống và làm việc tại TPHCM) thường nghe cải lương cùng bà nội.

Vào mỗi tối thứ bảy, chủ nhật, hai bà cháu thường ngồi trước tivi, chăm chú theo dõi những tuồng như Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Lá sầu riêng, Thái hậu Dương Vân Nga… Nam đã lớn lên cùng với những vở cải lương qua giọng hát mùi mẫn của các nghệ sĩ thời bấy giờ: Vũ Linh, Lệ Thủy, Bạch Tuyết…

a
Võ Tuấn Nam, tác giả của artbook Cải lương tâm sử

Yêu cải lương, nhưng Võ Tuấn Nam cũng có thêm niềm yêu thích khác là vẽ. Do đó, khi thi đại học, Nam chọn ngành thiết kế đồ họa (Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM). Mặc dù vậy, cải lương vẫn luôn là niềm đau đáu trong anh. Vì thế, cuối năm 2021, lúc làm đồ án tốt nghiệp, Nam tìm đến cải lương như một cách tri ân bộ môn nghệ thuật dân tộc từng gắn liền với tuổi thơ và người bà của mình. Đồ án tốt nghiệp của Nam là artbook Cải lương tâm sử.

Tuấn Nam kể, trong lúc đang loay hoay tìm tên cho đồ án, anh tình cờ xem được trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết có một dự án là Cải lương tâm sử, với lời tâm niệm: “Cải lương tâm sử ra đời từ lòng biết ơn và trân quý những thế hệ vàng son đã gìn vàng giữ ngọc, trao truyền cho nghệ sĩ tiếp nối một loại hình nghệ thuật quý báu. Bao giờ tiếng Việt còn thì nghệ thuật cải lương cùng với lời ca tiếng hát của tất cả nghệ sĩ sẽ luôn sống mãi trong lòng công chúng”.

Đồng cảm với dự án của NSND Bạch Tuyết, Tuấn Nam mượn tên Cải lương tâm sử làm tên đồ án của mình. “Tôi hiểu sử ở đây là lịch sử của cải lương và được thực hiện bằng cái tâm của mình. Với NSND Bạch Tuyết, là lời ca tiếng hát; còn với một sinh viên thiết kế, tôi thể hiện nó bằng hình ảnh. Tôi lựa chọn phong cách PopArt, mong muốn mang đến một cách tiếp cận dễ dàng và gần gũi hơn với mọi người”, Nam chia sẻ.

Mặc dù chỉ là đồ án, nhưng artbook Cải lương tâm sử có diện mạo đẹp và độc đáo không thua kém những ấn phẩm đang được bày bán trên thị trường, có lẽ vì được Nam chăm chút, sáng tạo công phu với rất nhiều tâm huyết trong đó. Mong muốn lớn nhất của anh lúc này là có cơ hội in thành sách để cải lương có thể đến được với đông đảo bạn đọc, nhất là những người trẻ.

“Hình ảnh, màu sắc, con chữ được tôi xử lý theo góc nhìn hiện đại để dễ dàng tiếp cận giới trẻ hơn. Vì có một thực tế là nhiều bạn trẻ ngày nay không còn biết, không thích cải lương và cải lương đang có nguy cơ bị mai một”, Nam bộc bạch.

Artbook Cải lương tâm sử gồm 3 chương: Tiếng tơ đồng, Vàng son một thuở và Tiếp bước trăm năm, chứa đựng trong đó lịch sử cải lương nhưng được tóm gọn để mọi người dễ xem, dễ đọc. Bạn đọc sẽ gặp ở đó các soạn giả (Trương Duy Toản, Năm Châu, Viễn Châu, Trần Hữu Trang…), thầy đờn (Viễn Châu, Văn Vĩ, Năm Cơ, Văn Giỏi…), đến đào hát, kép hát (Bảy Nam, Năm Phỉ, Phùng Há, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Văn Chung, Hữu Phước…).

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.