.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tuần lễ Sách của Người làm báo tại TP Hồ Chí Minh

Cập nhật: 15:18, 17/06/2023 (GMT+7)

 “Tuần lễ Sách của Người làm báo” là hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

a
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc “Tuần lễ Sách của Người làm báo”.

Sáng 17/6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cùng Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các tờ báo, nhà báo với chủ đề “Tuần lễ Sách của Người làm báo” tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tại thành phố nói chung có hoạt động tôn vinh người làm báo gắn liền với công cuộc phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các tác phẩm sáng tác của lực lượng phóng viên, các cơ quan báo đài trên cả nước.

Diễn ra từ ngày 17-22/6, Tuần lễ Sách của Người làm báo được tổ chức nhằm hưởng ứng phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tôn vinh sách và cổ vũ, phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp phát động hiện đang được các cơ quan báo chí triển khai thực hiện.

Xuyên suốt tuần lễ diễn ra sự kiện, Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các cơ quan báo chí và những người làm báo đến đông đảo bạn đọc; đưa đến bạn đọc những trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo, góp phần đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam.

a
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sách của nhà báo.

Trong gần 1 tháng thông báo, Ban tổ chức đã nhận sách và trưng bày tại Đường Sách 281 tựa sách (291 cuốn), trong đó có 55 tác phẩm của 7 các cơ quan báo chí, 226 tác phẩm (236 cuốn) của 105 phóng viên, 15 nhóm tác giả đã và đang công tác tại các tờ báo trên cả nước.

Trong đợt hoạt động này, Ban tổ chức cũng đã phối hợp các đơn vị xuất bản tổ chức 4 tọa đàm giao lưu với 11 nhà báo, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương, nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi.

“Đây là dịp để các cơ quan báo chí giới thiệu những cuốn sách tập hợp từ những bài viết đã đăng trên báo giấy, báo điện tử, các tác phẩm sáng tác từ các cuộc thi của báo mình và sẽ tiếp tục tích cực giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới thông qua các chương trình giao lưu, giới thiệu sách của một cơ quan báo chí.

Các tác phẩm không chỉ mang giá trị về nội dung mà còn có giá trị lưu trữ theo thời gian”, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết.

Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, ở năm đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức kỳ vọng tạo ra những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; cổ vũ phong trào đọc sách trong đội ngũ những người làm báo; khuyến khích nhà báo tham gia viết sách, chuyển tải đến bạn đọc những trang sách mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn liền với dòng chảy của thời sự xã hội. Với thế mạnh về bút lực trong thời gian công tác tại các cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ tạo nên những tác phẩm mang đậm tính thời đại.

a
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hoạt động này cho thấy sự sắc sảo trong ngòi bút, khía cạnh mới, đóng góp mới của các nhà báo trong việc ra sách, tham gia phát triển văn hóa đọc.

“Tôi tin độc giả sẽ tìm ra được nhiều tác phẩm có giá trị, những cuốn sách giúp cho bạn đọc thành phố có được thêm nhiều kiến thức, ý tưởng hay. Tôi mong rằng Tuần lễ sách của Người làm báo sẽ tiếp tục được duy trì hằng năm với quy mô lớn hơn để giới thiệu đến bạn đọc nhiều tác phẩm có giá trị”, ông Dương Anh Đức cho biết.

Tại chương trình khai mạc, Ban tổ chức cũng trao kỷ niệm chương cho các nhà báo có tác phẩm sách đạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương như một lời cảm ơn, khuyến khích các nhà báo tiếp tục đóng góp nhiều tác phẩm cho công cuộc phát triển văn hóa đọc, góp phần làm đa dạng thị trường sách Việt Nam.

a
Các nhà báo giao lưu tại chương trình.

Ngoài ra, sau khi kết thúc hoạt động này, Ban tổ chức sẽ trao tặng số sách trưng bày đến Bảo tàng báo chí Việt Nam (Hà Nội) và khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của độc giả, giảng viên, sinh viên.

Sau phần khai mạc, các đại biểu, nhà báo, nhà thơ, cùng độc giả đã có buổi giao lưu với các nhà báo có tác phẩm đoạt giải thưởng cao của thành phố, Trung ương: nhà báo Lại Văn Long với tác phẩm “Hồ Sơ Lửa”; nhà báo Lê Minh Quốc với tác phẩm “Chào thế giới bây giờ con đã đến”; nhà báo Bùi Phan Thảo với tác phẩm "Ngọn khói về trời"; nhà báo Bùi Tiểu Quyên với tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa”.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.