Thứ Tư, 26/07/2023, 15:05 (GMT+7)
.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, dù được các y bác sĩ Bệnh viện 175 nỗ lực cứu chữa, nhưng do tuổi cao sức yếu, sáng 26-7, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn có bút danh Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, sinh ngày 25-2-1942, tại Huế. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TPHCM khóa 3, 4; Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM khóa 5; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc TPHCM khóa 6; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa 3, 4, 5, 6 và 7; Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 6; Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 7; Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

a
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Thời trẻ, nhạc sĩ Tôn Thất Lập hoạt động âm nhạc trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" rất sôi nổi. Khi ấy, những ca khúc của ông: Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng... đã được cất cao trên các nẻo đường, trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam.

Ông từng có thời gian ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Năm 1974, ông sang Pháp. Tại Paris, nhạc sĩ Tôn Thất Lập được Hội Sinh viên Sáng tác hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ. Sau giải phóng, ông về nước, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.

Trong gia tài sáng tác nghệ thuật của mình, ông có nhiều ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích như: Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi... NS Tôn Thất Lập cũng đã xuất bản các tuyển tập nhạc: Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập và các album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân… Ông còn viết rất nhiều ca khúc nhạc múa và nhạc phim.

Khi có tuổi, nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn duy trì công việc sáng tác, tham gia rất nhiệt tình trong các đợt vận động sáng tác chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của TPHCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam; ngợi ca TPHCM trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, văn minh – hiện đại – nghĩa tình; ngợi ca biển đảo quê hương; tôn vinh người lính bộ đội cụ Hồ trong chiến tranh giành độc lập tự do dân tộc và ở thời bình đã và đang tiếp tục ra sức gìn giữ biên cương, hải đảo, đem lại bình yên cho dân tộc, đất nước...

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2007).

Để tưởng nhớ nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Sở VH-TT TPHCM sẽ tổ chức chương trình "Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca" vào lúc 19 giờ 30 ngày 5-8-2023 tại Nhà hát TPHCM.

Lễ viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9 giờ ngày 28-7 đến ngày 29-7 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp. Lễ truy điệu được tổ chức vào lúc 6 giờ ngày 30-7-2023. Sau đó, linh cữu của ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Củ Chi.


 


 

 

Theo sggp.org.vn
 

.
.
.