.

Tản mạn về đất Trung An xưa

Cập nhật: 08:35, 24/07/2023 (GMT+7)

Xã Trung An nguyên là 2 thôn Trung Lương và An Đức Đông thuộc tổng Kiến Thuận, đời Gia Long. Đến đời Minh Mạng, xã Trung An thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành. Đến năm 1925, 2 làng nhập lại, lấy tên là Trung An, thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; chính quyền Việt Nam cộng hòa đặt xã Trung An thuộc quận Châu Thành, tỉnh Định Tường.

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, xã Trung An trong những năm 30 của thế kỷ XX, một số đồng chí cán bộ cách mạng kỳ cựu như: Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Văn Giàu, Dân Tôn Tử, Nguyễn Thị Thập đến xã vận động phong trào, hoặc mượn nơi đây làm điểm gặp gỡ hội họp. Những địa danh Miễu Cây Vông và Xóm Tre vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, xã Trung An xưa là địa phương dồi dào sản vật, kinh tế, văn hóa phát triển sớm đã tạo riêng cho vùng đất này sự trù phú, gắn liền với nhiều địa danh mà đến ngày hôm nay, các bậc cao niên vẫn còn nhớ rõ như: Ga xe lửa Trung Lương, mận hồng đào Trung Lương…

SẢN VẬT DỒI DÀO

Xã Trung An nằm về phía Nam ngã ba Trung Lương, nơi có nhiều vườn cây ăn trái, là một trong những xã điển hình của “miệt vườn Nam bộ”. Mận hồng đào được trồng khá nhiều ở xã  Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho và ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè...; nhưng nổi tiếng vẫn là mận hồng đào Trung Lương. Mận hồng đào có màu hồng nhạt với những sọc trắng, trái tròn mọng nước và ngọt dịu.

Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho thường ghé qua ga Trung Lương, mang lại không khí nhộn nhịp cho vùng đất Trung An lúc xưa.
Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho thường ghé qua ga Trung Lương, mang lại không khí nhộn nhịp cho vùng đất Trung An lúc xưa.

Có thể ngày xưa ngã ba Trung Lương là cửa ngõ miền Tây, xe khách qua lại nườm nượp và là trạm dừng chân, nên mận được bán nhiều ở đây. Đồng thời, các loại trái cây tại đây thường được một số bạn hàng tại xã mua gom đem ra bán tại chợ Mỹ (tức chợ Mỹ Tho) hoặc đưa lên xe lửa chở về Sài Gòn bán. Thỉnh thoảng, có một số lái buôn đi ghe có mui từ Sài Gòn, Chợ Lớn xuống mua trái cây chở về bán lại các chợ của Sài Gòn và Chợ Lớn.

Xã Trung An xưa có rất nhiều sông rạch, bước ra khỏi nhà là gặp cầu. Có một con rạch chính đó là rạch Cái Ngang. Rạch Cái Ngang chảy suốt qua hai làng An Đức Đông và Trung Lương, cuối cùng ra kinh Bảo Định. Từ 2 bờ rạch Cái Ngang, mà dân địa phương quen gọi là “Sông Cái”, tua tủa ra vô số chi nhánh lớn nhỏ mang tên chung là rạch, xẻo, mương... Các chi nhánh này bắt nguồn từ các cánh đường đông và các mương vườn mang về cho “Sông Cái” nguồn phù sa và cá tôm phong phú.

Tùy theo mùa, dân trong xã còn bắt cá cạn, soi ếch, cắm câu, câu rê, đánh bung, đặt ống trúm (bắt lươn) đặt vó, đuổi cá lòng tong. Nói chung, lúc bấy giờ thực phẩm trong thiên nhiên rất dồi dào, rất dễ kiếm sống. Tuy bị đánh bắt bằng nhiều cách, bằng nhiều phương tiện nhưng nhờ khí hậu môi trường thuận lợi, các loài chim, thú, cá sinh sôi rất nhanh.

NGÃ BA TRUNG LƯƠNG - ĐỊA DANH VẪN CÒN LƯU LẠI CHO ĐẾN NGÀY NAY

Về mặt hành chính, xã Trung An chia thành 6 ấp, những năm 40, xã có khoảng 1.000 dân, phần lớn sống nghề vườn rẫy, một số làm ruộng. Xã có những địa danh đáng kể đó là: Ngã ba Trung Lương, Ga xe lửa Trung Lương, Cầu Trung Lương... Kinh tế hàng hóa ở xã phát triển rất sớm, chợ Trung Lương (hay chợ Cái Ngang) là một trong những chợ ra đời sớm nhất trong vùng, mỗi sáng, dân trong vùng (thuộc 2 xã Trung An và Đạo Thạnh) đến đây nhóm chợ.

Mận hồng đào Trung Lương, đặc sản nổi tiếng một thời.
Mận hồng đào Trung Lương, đặc sản nổi tiếng một thời.

Trong xã còn có một số người chuyên buôn bán rau cải và trái cây, mua gom từ các chủ vườn mang ra chợ Mỹ Tho hoặc mang ra ga Trung Lương đưa lên xe lửa chở về Sài Gòn bán. Giao thông vận tải từ thị xã Mỹ Tho về Trung Lương, về Bến Chùa (xã Long An) sử dụng phổ biến nhiều xe ngựa (lúc đầu là xe ngựa 4 bánh gọi là xe kiếng, sau này phát triển nhiều xe thổ mộ hai bánh). Một số dân ven rạch Cái Ngang dùng ghe xuồng (phần lớn là xuống ba lá và ghe tam bản) chở hàng vườn ra chợ Trung Lương hoặc ra chợ Mỹ Tho bán.

Nhân dân xã Trung An rất nhạy cảm đối với tình hình các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chịu ảnh hưởng nhiều chiều: Từ Sài Gòn - Chợ Lớn về, từ thị xã Mỹ Tho vào, từ miền Tây Nam bộ lên. Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho trước năm 1940 mỗi ngày có khoảng 4 chuyến đi và 4 chuyến về, mỗi chuyến đều ghé lại ga Trung Lương. Cùng với những chuyến xe lửa, mỗi ngày có hai chuyến ô tô rẫy. Từ năm 1940, do ảnh hưởng chiến tranh, các chuyến xe lửa giảm và chạy rất chậm do phải chạy bằng than củi gỗ (trước bằng than đá).

Chuyến xe lửa sáng sớm khoảng 5 giờ, từ Mỹ Tho đi Sài Gòn ghé lại ga Trung Lương, thường phải đỗ lại rất lâu, từ 15 đến 20 phút, có khi cả nửa tiếng để hành khách trong vùng và từ miệt Hậu Giang qua, từ Cái Bè - Cai Lậy xuống, đưa lên xe các loại hàng thường là trái cây, rau cải các loại và cả heo, gà, vịt.

Ô tô vận tải hành khách Sài Gòn - Mỹ Tho hằng ngày có nhiều chuyến đi lại, ngoài ra còn có các ô tô từ Sài Gòn đi về miền Tây Nam bộ đến ngã ba Trung Lương ghé lại để hành khách nghỉ giải khát. Nhờ giao thông thuận lợi như trên, tin tức từ Sài Gòn về Mỹ Tho (qua xã Trung An) rất nhanh. Có việc gì xảy ra ở Sài Gòn, 2 tiếng sau dân chúng ở Mỹ Tho, ở xã Trung An đã biết. Báo chí ra ở Sài Gòn buổi sáng, đến trưa đã có ở Mỹ Tho. Nhiều gia đình ở xã Trung An, nhất là thợ Hãng Xáng, dân xung quanh chợ mua báo hằng ngày.

Ký ức của người dân Nam bộ thời đó về tuyến xe lửa này còn lưu lại như sau: Vé xe lửa hồi đó rẻ lắm, học sinh cũng đi được; chị chạy chợ, bác nông dân cũng ngồi thong dong; còn công chức Sài Gòn có thể đi xe lửa xuống Mỹ Tho làm hoặc ngược lại là bình thường. Nhờ có nó, người Mỹ Tho có thể lên Sài Gòn mang theo sản vật địa phương cung ứng cho các chợ.

Người Sài Gòn xuống Mỹ Tho giải quyết những công việc hằng ngày. Trên tàu có nhiều hạng ghế nhưng đông nhất là hạng ghế bình dân. Không riêng gì người nghèo, cả người giàu, trí thức cũng thích ngồi hàng ghế này để nghe các cô buôn hàng “tám” đủ thứ chuyện. Người ta đồn rằng, Hắc công tử và Bạch công tử là một trong những vị khách thường xuyên của tuyến đường sắt này. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng là vị khách thường xuyên mua vé khi về Bến Tre, lên Sài Gòn dạy học tại ngôi trường mang tên ông  - Pétrus Ký (tức Trường chuyên Lê Hồng Phong ngày nay).

Nhà lồng chợ thường có các đoàn hát bội đến diễn, nhân dân trong xã rất thích các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể thao. Ngoài việc đi xem hát tại chỗ, dân chúng còn đi xem hát tại chợ Bến Chùa (xã Long An) và ở chợ Mỹ Tho, ở đình Đạo Ngạn (xã Đạo Thạnh). Đi xem hát thường chỉ có hai hạng: Hạng nhất có ghế ngồi 3 - 4 hàng phía trước sân khấu và hạng chót còn gọi là hạng “cá kèo” tức là hạng đứng, ai tới trước đứng trước, ai tới sau đứng sau.

Về phong trào âm nhạc, ở xã đã có lâu đời đội nhạc lễ, chuyên phục vụ các đám tang gồm có các nhạc cụ như: Trống, kèn, đờn cò... Nhạc tài tử tự phát hình thành ở một số gia đình, bà con trong xóm thường tụ họp tổ chức dân ca. Nhạc cụ phổ biến là các loại đàn: Nhị (đàn cò), độc quyền, kìm, tranh. Thông thường là hòa nhạc, chơi nhiều đàn cùng lúc, chơi nhạc có người ca, thường là phụ nữ, thiếu nhi.

Các buổi ca nhạc thường tổ chức về đêm, thỉnh thoảng lại đưa tổ nhạc xuống thuyền tam bản, hai ba chiếc tam bản chèo theo dòng nước sông Cái Ngang. Tiếng đàn ca khi trầm bỗng vang lên giữa dòng sông. Có dịp giữa các xóm, các xã lại tổ chức giao lưu ca nhạc tài tử. Nhóm của xã Trung An thường đi giao lưu với nhóm ở các xã: Thạnh Phú, Phước Thạnh, Long An nhất là xã Đạo Thạnh. Nhìn chung đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây phong phú, đa dạng.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.