Thứ Tư, 12/07/2023, 13:22 (GMT+7)
.

Thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa

Năm 2022 được coi là một năm khá thành công của ngành xuất bản khi vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn gặt hái được nhiều thành tựu, từ nâng cao số lượng xuất bản phẩm trên đầu người, tổ chức thành công giải thưởng Sách Quốc gia, tham gia các giải thưởng lớn về văn hóa, báo chí… Một trong những mục tiêu lớn nhất của ngành trong thời gian tới là thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Nói về sự phát triển của văn hóa đọc trong những năm gần đây, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong năm qua ngành xuất bản đã đạt được những thắng lợi có tính vượt bậc.

Tính từ năm 2020 đến 2022, ngành xuất bản gặp phải những khó khăn chung như dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nhưng con số thống kê của năm 2022 cho thấy, số lượng xuất bản phẩm đạt 6 cuốn/đầu người, con số mà “20 năm qua chúng ta đã rất nỗ lực nhưng chưa đạt được”, theo lời ông Nguyễn Nguyên. Số lượng sách trên đầu người cũng tương đương với 5,4 bản.

Hội sách Hà Nội 2022 thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
Hội sách Hà Nội 2022 thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.

Không khó để nhận ra các phong trào đọc sách đã bắt đầu đi vào chiều sâu, mở rộng hơn và tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn. Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sách, thúc đẩy văn hóa đọc không còn chỉ co cụm lại ở một số thành phố lớn mà đã lan tỏa ra hầu như tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, được hưởng ứng ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tùy theo điều kiện và cách sáng tạo của từng nơi.

Các hội sách trực tiếp và online, các chương trình kích cầu sách của các đơn vị làm sách đều thu hút số lượng rất đông đảo các độc giả trẻ. Theo quan sát, hiện nay các độc giả trẻ ở lứa tuổi học sinh sinh viên không chỉ lựa chọn sách văn học nhiều như trước đây, mà đã quan tâm hơn đến các thể loại phi hư cấu, sách lịch sử, kiến thức, kỹ năng sống, du ký… Những loại sách này góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao tri thức đối với bạn đọc trẻ, và cũng góp phần kích thích sự sáng tạo ở những người làm sách.

Niềm vui với sách.
Niềm vui với sách.

Trên phương diện hướng ra quốc tế, ngành xuất bản cũng đã có được những thành công nhất định. Theo ông Nguyễn Nguyên, với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN, Việt Nam vẫn giữ và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với Hiệp hội các nhà xuất bản ở Đông Nam Á. Đặc biệt trong năm qua, Việt Nam đã đại diện cho Đông Nam Á tham gia các hoạt động, diễn đàn được tổ chức ở châu Á, Thái Bình Dương.

“Chúng ta cũng tham gia được nhiều sáng kiến trong đó có phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trong khu vực như Ngày hội bản quyền Sách giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức các hoạt động sách với Đại sứ quán Thái Lan, các hoạt động hội sách ở Singapore, làm việc với các tập đoàn xuất bản ở Trung Quốc, Myanmar…” - ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Phố Sách Hà Nội, một trong những địa chỉ văn hóa yêu thích của nhiều độc giả trẻ.
Phố Sách Hà Nội, một trong những địa chỉ văn hóa yêu thích của nhiều độc giả trẻ.

Một trong những điểm sáng thành công trong các hoạt động xuất bản là đường sách Nguyễn Văn Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh. “Khi chúng tôi mời các đoàn ASEAN đến tham quan, học tập, các bạn đều bày tỏ mong muốn được học tập mô hình đường sách Nguyễn Văn Bình. Ngay cả những quốc gia có nền xuất bản rất phát triển như Thái Lan và Sing đều rất ghi nhận những nỗ lực của ngành xuất bản Việt Nam. Ngoài ra các đơn vị trong ngành cũng có rất nhiều sáng kiến, như nhà sách Phương Nam. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Đông Nam Á để giới thiệu những mô hình như vậy” - ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Những mô hình đường sách như Đường sách Nguyễn Văn Bình đã được nhiều địa phương trong nước học tập, áp dụng, và góp phần hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, mở rộng cơ hội tiếp cận sách và tri thức tới nhiều đối tượng bạn đọc hơn.

Tuy nhiên, năm 2023 được xác định vẫn là năm có nhiều khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn bởi những thách thức từ năm 2021 và 2022 dồn lại. Số lượng xuất bản phẩm có xu hướng chậm hơn, mặc dù các đơn vị làm sách vẫn tiếp tục tích cực kích cầu. Sách vẫn đứng trước những cạnh tranh cực kỳ gay gắt và khốc liệt từ những phương tiện giải trí hiện đại và tiện dụng khác. Chưa kể chi phí nguyên liệu đầu vào của sách giấy không ngừng tăng, ảnh hưởng đến giá cả đầu ra, cũng khiến cho các đơn vị làm sách phải “đau đầu” tính toán sao cho hợp lý.

Chính vì thế, Đại hội đại biểu của Hội Xuất bản Việt Nam, diễn ra vào ngày mai 12/7 tại Hà Nội là dịp để Hội tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tiếp tục phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các hội và liên chi hội, thúc đẩy xuất bản ra nước ngoài, tiếp tục truyền thông để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, hỗ trợ các tác giả trẻ, đề xuất các chế tài mạnh mẽ hơn để bảo vệ bản quyền, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đơn vị và người hoạt động trong ngành xuất bản… Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, cũng là góp phần vào sự phát triển của đất nước.

5 mục tiêu của ngành xuất bản trong nhiệm kỳ tới

- Phát triển văn hóa đọc

- Phát triển một nền xuất bản lành mạnh

- Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội

- Tăng cường công tác đối ngoại

- Hỗ trợ phát triển trong xuất bản và chuyển đổi số

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

 

 

 

.
.
.