Chủ Nhật, 09/07/2023, 15:02 (GMT+7)
.

Thương tiếc Nghệ nhân Ưu tú - Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm

(ABO) Thông tin Nghệ nhân Ưu tú - Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm đột ngột qua đời vào sáng sớm ngày 8-7 sau cơn nhồi máu cơ tim cấp tính (hưởng thọ 71 tuổi) đã khiến giới văn nghệ sĩ và đồng nghiệp bàng hoàng thương tiếc.

Chân dung Trần Văn Trầm.
Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm.

Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm là một nghệ sĩ tạo hình tài hoa và có tâm với nghề. Ông ra đi, nhưng nhiều công trình điêu khắc của ông vẫn còn ghi dấu ấn ở Tiền Giang nói riêng, cũng như ở nhiều địa phương trên vùng đất phương Nam.

Nghệ nhân Ưu tú, Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm sinh ngày 15-10-1953 tại xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nông dân. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm là tác giả của hơn 70 công trình lịch sử mang tính giáo dục truyền thống, tượng đài, biểu tượng, các tác phẩm điêu khắc với nhiều chủ đề, thể loại, kích thước, chất liệu…

Nhà văn Thu Trang, nguyên Phó Chủ tịch Hội VH-NT Tiền Giang cho biết, quá bàng hoàng vì "mới ngày hôm qua vẫn còn nhận được tin nhắn của anh Trầm trên điện thoại". Nhà văn Thu Trang chia sẻ trên trang cá nhân: "Sáng nay trời mưa buồn. Tiễn đưa người anh, người bạn thân thiết đột ngột ra đi...".

Hoạ sĩ Ngô Đồng cũng đăng những dòng chia sẻ: "Trần Văn Trầm ra đi đột ngột quá! Vĩnh biệt người bạn hiền lành, đáng trân quý một thời cùng học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Chúng ta đã cũng trải qua một thời đầy gian nan, vất vả nhưng ý chí đầy kiên cường. Trầm ra đi thanh thản nha!".

Nhà văn Lê Quang Huy cho hay: “Chương trình giáo dục địa phương lớp 11 ở năm học tới có phần giới thiệu về Trần Văn Trầm và những đóng góp của anh cho phong trào mỹ thuật. Đáng tiếc, hội đồng thẩm định vừa tổ chức họp cách đây 2 ngày, sách chưa kịp in thì anh đã ra đi mãi mãi…”.

Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm (bên trái, hàng dưới) trước di tích lịch sử Hang Tám Cô (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong chuyến đi thực tế cùng văn nghệ sĩ Tiền Giang tháng 10-2022.
Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm (bìa trái, hàng đầu) tại Khu di tích lịch sử Hang Tám Cô (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong chuyến đi thực tế cùng văn nghệ sĩ Tiền Giang vào tháng 10-2022.

Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Vĩnh Long trước giải phóng nhưng khi cha mẹ mất do chiến tranh, Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm phải trở về quê làm ruộng nuôi 6 đứa em. Đến năm 1978, ông trúng tuyển vào Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông Trầm được trường giữ lại, phân công tham gia sáng tác và xây dựng các công trình mỹ thuật. Trong thời gian này, tác phẩm đầu tay của ông “Mẹ đồng bằng” (bằng chất liệu bê tông cốt thép cao 32 m) được xây dựng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.

Đến năm 1988, ông Trầm trở về Tiền Giang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, với chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật trong vai trò là người tập hợp, phát động sáng tác và làm nòng cốt cho phong trào mỹ thuật còn non trẻ ở Tiền Giang lúc bấy giờ.

Sau đó do yêu cầu công tác, ông Trầm chuyển công tác về Bảo tàng Tiền Giang, nhưng ông vẫn nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật của Tiền Giang và Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Tiền Giang.

Tương đài Chiến thắng Yếu khu Ngã Sáu, cao 22,5m đặt tại huyện Cái Bè được sáng tác năm 2007
Tương đài Chiến thắng Yếu khu Ngã Sáu, cao 22,5m đặt tại huyện Cái Bè được sáng tác năm 2007.

Hiện nay, tác phẩm điêu khắc của Nghệ nhân Ưu tú - Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm được sử dụng ở rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Những công trình tiêu biểu, mang đậm đấu ấn sáng tạo của ông có thể kể đến như: Biểu tượng Chiến thắng Yếu khu Ngã Sáu (xã Mỹ Trung), Bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh đội (xã Hậu Mỹ Phú), Bia căm thù Nhân dân bị Mỹ nguỵ thảm sát (xã Hậu Mỹ Bắc B), Bia Chiến thắng Á Rặt (xã Thiện Trí), đều thuộc huyện Cái Bè; Bia lưu niệm Ngọn cờ đầu (TX. Cai Lậy); Bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy); Bia căm thù Thực dân Pháp bán thịt người ở bến đò Phú Mỹ (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước); Bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy (xã Đạo Thạnh), Bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh đội (Hóc Đùn, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho); Bia Căm thù Nhân dân Bình Ninh bị Mỹ Nguỵ thảm sát; Bia Bảy dũng sĩ Xóm Ao (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo); Bia Chiến thắng Xóm Gò, Bia lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy ở Bình Xuân, TX. Gò Công...

Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm còn ghi dấu với nhiều công trình ở các tỉnh, thành trên đất phương Nam như: Tác phẩm Giấc mơ xa (trại sáng tác điêu khắc chất liệu đá lần I, năm 2005) đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Tác phẩm Ghe ngo (trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần II, năm 2005) và Cánh chim trên Hắc Hải (trại sáng tác điêu khắc gốc gỗ, năm 2008) đặt tại tỉnh An Giang.

Tác phẩm Khoan biển (trại điêu khắc đá Festival biển Vũng Tàu, năm 2006) đặt tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác phẩm điêu khắc đá Bất khuất (trại điêu khắc đá Côn Đảo, năm 2009) đặt tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác phẩm Nối nhịp Lang - Bian (điêu khắc đá Festival Hoa Đà Lạt, năm 2007) đặt tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao (đồng đúc, cao 10 m), tượng đài Chiến thắng Tiểu đoàn 857 (đá granite, cao 15 m) thực hiện tại tỉnh Vĩnh Long cùng em ruột là Nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng...

Ngoài ra, ông Trầm còn sáng tác nhiều tác phẩm mang vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc dân gian bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Ký ức nẩy mầm, Gà chọi, Cà nanh, Thân phận, Chia sẻ, Những người mẹ, Những vòng tròn, Hành quân qua đồng nước, Cờ lau...

Ông Trầm cũng là tác giả của nhiều tác phẩm điêu khắc chân dung các nhân vật Anh hùng lịch sử dựng ở nhiều trường học trong tỉnh Tiền Giang. Tiêu biểu như các tác phẩm về Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, Anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, Chân dung chí sĩ yêu nước Đốc Binh Kiều, nhà bác học Lê Quý Đôn…

Theo nhà phê bình Võ Tấn Cường: “Tác phẩm điêu khắc về nhân vật Anh hùng lịch sử của nghệ sĩ điêu khắc Trần Văn Trầm mang vẻ đẹp của hình khối điêu khắc hiện đại, thể hiện được nội tâm, tính cách của nhân vật; có tác động mạnh đến thế giới thẩm mỹ của người thưởng ngoạn, giúp mọi người có những cảm xúc thẩm mỹ về vẻ đẹp nội tâm và tính cách của các nhân vật Anh hùng lịch sử”.

Ngoài việc sáng tác và xây dựng công trình, Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm còn làm công tác quản lý, giảng dạy, thiết kế, triển lãm, trưng bày bảo tàng và các nhà truyền thống trong suốt nhiều năm qua, tạo được uy tín về nghề nghiệp. Với tài năng và sự miệt mài trong lao động nghệ thuật, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng có giá trị như: Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Thủ Khoa Huân dành cho các tác phẩm Văn học nghệ thuật tiêu biểu của UBND tỉnh Tiền Giang lần thứ nhất - năm 2011 cùng rất nhiều giải thưởng ở trung ương và địa phương.

Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2021. Ông ra đi là một sự mất mát lớn cho phong trào mỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực điêu khắc Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

LÊ VĂN

 

.
.
.