Chúng mình ở đâu trên dặm dài đất nước?
Chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nếu nhìn ở góc độ vĩ mô, hẳn thật xa với người trẻ nhưng hoàn toàn không lạ, bởi bài học vỡ lòng, sách giáo khoa đã nhắc qua. Trong xu hướng hội nhập quốc tế đa chiều, những sản phẩm văn hóa ngoại nhập đánh vào thị hiếu giới trẻ đương thời, lồng ghép một cách tinh vi hình ảnh phi pháp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, lại là một nỗi lo lớn ở rất gần.
Tinh vi, thâm ý
Phim ảnh đánh vào thị hiếu giải trí đương thời của giới trẻ, liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Gần nhất là bộ phim Barbie (phim điện ảnh Mỹ) và phim Hướng gió mà đi chiếu trên các nền tảng số, đã bị cơ quan chức năng xử lý. Hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được lồng ghép trong phim xuất hiện rất tự nhiên, tinh vi và thâm ý ở chỗ, người xem không tìm hiểu và phân tích kỹ thì khó mà nhận diện được chiêu bài cài cắm này. Vì “đường lưỡi bò” phi pháp, hay “đường 9 đoạn” đủ kiểu trá hình: làm mờ; hoặc ngắt khúc thành 18, 21 đoạn nhỏ; ẩn trong tranh vẽ dành cho thiếu nhi một cách ngây thơ đầy thâm ý.
Trong Hướng gió mà đi trên nền tảng Netflix, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện nhanh và lặp lại trong nhiều tập phim, kèm lời thoại ngang ngược: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Trên nền tảng FPT Play, hình ảnh tấm bản đồ trong phim này được làm mờ, nhưng độ mờ vẫn đủ để khán giả nhận ra đây là bản đồ có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp.
Hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong phim chiếu trên nền tảng mạng xã hội |
Trên nền tảng YouTube, kênh phim 365 đăng tải các tập phim Đặc công ám sát, dù không thuộc nhóm phim đang ăn khách rầm rộ, nhưng mỗi tập phim sau vài giờ đăng tải cũng hơn 50.000 lượt xem. Trong tập 6 của phim, ở đoạn 1:43:33, hình ảnh quả địa cầu có “đường lưỡi bò” xuất hiện một cách ngẫu nhiên và rất nhanh, khán giả Đinh Hoàng Dũng (36 tuổi, ngụ Đồng Nai) bình luận: “Lên án hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp ở 1:43:33”, chưa đầy nửa giờ sau, bình luận này “bay màu” và tập phim đăng tải cũng “xóa vết” phân cảnh trên.
“Mấy cảnh mà có “đường lưỡi bò” phải coi kỹ và soi kỹ thì mới có thể thấy được, vì họ lồng vào các phân đoạn hay chuyển cảnh tự nhiên và xuất hiện rất nhanh. Nội dung phim hấp dẫn, dàn diễn viên thực lực, nên khán giả coi vài phân đoạn là rất dễ bị thu hút và phim càng thu hút người xem thì họ càng cố tình lồng ghép thật tinh vi”, anh Hoàng Dũng chia sẻ.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước không phải là câu chuyện vĩ mô xa xôi. Trong “thế giới phẳng” hiện nay, bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hết là một thái độ nhận thức đúng đắn và thẳng tay loại trừ những sản phẩm văn hóa mang tính xuyên tạc, cài cắm, nhất là trên không gian mạng. Chúng ta phải hiểu rằng, các sản phẩm văn hóa ấy, tuy không mang lại sự khẳng định rõ rệt, nhưng lại có khả năng tạo ảnh hưởng rất lớn đến công chúng trẻ.
PGS-TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, chia sẻ: “Đây không phải là vô tình hay ngẫu nhiên, mà đích thực là sự dàn dựng có chủ ý theo kịch bản. Vì vậy nó chính là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tinh vi còn là việc chọn những bộ phim tình cảm, phim bom tấn, phim có diễn viên nổi tiếng để “cài cắm” hình ảnh “đường chín đoạn” để tăng tính hiệu quả, nhằm thực hiện một hình thức “xâm lược bản đồ” hòng làm thay đổi nhận thức của Việt Nam và thế giới về “đường chín đoạn” phi pháp trên Biển Đông”.
Sao còn thờ ơ?
Sự xuất hiện của các sản phẩm văn hóa nước ngoài trên không gian mạng và chính cộng đồng mạng cũng là người sớm soi và thấy chi tiết “đường lưỡi bò” trong các bộ phim ấy. Nhưng cũng có một bộ phận bạn trẻ vẫn ngang nhiên bình luận trên các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội khi sản phẩm mới có sự góp mặt của diễn viên mình thần tượng bị cấm chiếu. Câu chuyện càng khiến người ta trăn trở về ý thức và nhận thức của một số người trẻ hiện nay, khi phát ngôn đó xuất phát từ á hậu một cuộc thi nhan sắc trong nước, trang cá nhân hơn 192.000 lượt theo dõi, nhưng ngang nhiên ủng hộ bộ phim Barbie và tiếc nuối khi không được chiếu ở Việt Nam. Đúng như PGS-TS Hà Minh Hồng nhìn nhận: “An ninh văn hóa đang là vấn đề khó nhận diện nhất, nhất là đối với giới trẻ còn thiếu nhạy cảm và kinh nghiệm cuộc sống”.
Liên quan đến đêm nhạc của nhóm nhạc nữ đến từ Hàn Quốc vào cuối tháng 7 vừa qua, dưới góc độ pháp lý, đại diện công ty tổ chức đêm diễn đã có lời giải thích và xin lỗi đến khán giả về việc bản đồ trên website chính thức của chương trình có “đường lưỡi bò” chỉ là “sự hiểu lầm”, gây ngộ nhận nghiêm trọng cho công chúng. Tuy nhiên, một số tài khoản mạng xã hội của người dùng trẻ vẫn không ngừng bình luận chỉ trích để bênh vực thần tượng. Tài khoản T.K. “Không có gì sai phải xin lỗi, chỉ là âm nhạc và cảm xúc thôi, đừng làm quá đáng”, tài khoản N.H.T.T. bình luận: “Dù có chuyện gì tôi vẫn đặt vé và chấp nhận mất vé nếu đêm nhạc bị hủy, thần tượng đến cùng chứ không nửa mùa”; hay “Âm nhạc và “đường lưỡi bò” đó liên quan gì nhau vậy mọi người”, tài khoản M.T.K.N. viết…
Việc đón nhận một sản phẩm văn hóa, thần tượng một ai đó, chưa bao giờ là sai và không phải là một điều xấu. Mỗi người cần tỉnh táo và thận trọng hơn trong việc đón nhận, nhất là giới trẻ - lớp người nhanh nhạy với xu hướng, nhạy bén với công nghệ hiện đại. Việc một bộ phận bạn trẻ thiếu nhạy cảm về những vấn đề xuyên tạc lịch sử, chủ quyền quốc gia tinh vi trong đời sống 4.0 hiện nay rõ ràng là điều khó chấp nhận.
Có thể thấy, không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra lo lắng khi người trẻ thờ ơ với lịch sử nước nhà, khi vẫn còn đó người của công chúng, mang danh hiệu á hậu, lại ngô nghê phát ngôn ủng hộ phim mình yêu thích dù đơn vị quản lý chỉ rõ hình ảnh “đường lưỡi bò”; vẫn còn đó những bình luận bất chấp bênh vực thần tượng, tiếc nuối một bộ phim hay, mà quên mất câu chuyện “mưa dầm thấm lâu” của các sản phẩm văn hóa tác động đến tư tưởng, nhận thức… Liệu tuổi trẻ chúng mình ở đâu trong dặm dài đất nước, trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia?
PGS-TS HÀ MINH HỒNG, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM: Người trẻ phải là người canh giữ biên cương qua kênh văn hóa nhanh nhạy nhất Gần gũi thiết thực nhất với tuổi trẻ là sách báo, truyện tranh, sách giáo khoa, vật phẩm văn hóa giáo dục, trò chơi điện tử, các ấn phẩm du lịch, thời trang… Và các vật phẩm ấy đều đã từng bị lợi dụng để in bản đồ “đường lưỡi bò”. Đáng chú ý nhất vẫn là điện ảnh - loại hình nghệ thuật thu hút nhiều người xem, phim ảnh được công chiếu, thì hiệu quả lan truyền vừa sâu, vừa rộng. Phim ảnh lại thường có diễn viên đẹp, diễn xuất tốt, nội dung hay, đặc biệt là đầu tư về bối cảnh, trang phục, trường quay… có sức thu hút rất lớn. Việc cài cắm “đường lưỡi bò” là rất tinh vi, tưởng chừng “phi chính trị” nhưng thực chất đó là cách kết hợp chiến tranh pháp lý với chiến tranh tuyên truyền rất hiểm hóc. Tuổi trẻ là lực lượng hăng hái nhất trên mặt trận văn hóa, vì thế cũng phải là lực lượng nhạy bén nhất về an ninh văn hóa. An ninh văn hóa thể hiện mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa, nghệ thuật; bảo vệ an ninh văn hóa là bảo vệ từ sớm từ xa an ninh quốc gia. Như thế, người trẻ phải được học tập đầy đủ và liên tục về đất nước và chủ quyền quốc gia. Họ phải là người canh giữ chủ quyền, canh giữ biên cương đất nước qua kênh văn hóa nhanh nhạy nhất. Chị PHẠM LÊ NHẬT LINH, du học sinh Việt Nam tại Đại học Nam California, Mỹ: Hãy nói lên tiếng nói của mình Tôi nghĩ người trẻ cần có trách nhiệm của một công dân, lên tiếng thể hiện rõ quan điểm của mình về chủ quyền biển đảo quốc gia khi thấy thông tin truyền bá có sự xâm phạm. Chủ quyền biển đảo không chỉ nằm trên giấy tờ hay các vấn đề chính trị mà phần lớn nằm ở quyền tự do của công dân. Khi một vùng đất, vùng biển đảo được xác định là thuộc chủ quyền quốc gia, chúng ta với tư cách là công dân có quyền tự do trên vùng đất đó. Do đó, công dân có phần trách nhiệm trong việc khẳng định chủ quyền của quốc gia mình. Là người trẻ, chúng ta có khả năng cập nhật tin tức xã hội nhanh, khả năng sử dụng tốt các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là phương tiện hữu hiệu hiện nay, để có thể thể hiện quan điểm và nói lên tiếng nói của mình. |
Theo sggp.org.vn