Thứ Hai, 21/08/2023, 10:11 (GMT+7)
.

Để thư viện "đứng vững" trước thời đại công nghệ số

Từ khóa cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên rất phổ biến và tác động sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bên cạnh hệ thống thư viện truyền thống, nhờ có chuyển đổi số, các thư viện đã mang đến nhiều thông tin và tri thức mở cho người đọc. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho các thư viện công cộng, không riêng gì của tỉnh Tiền Giang những thách thức mới.

THƯ VIỆN KHÔNG ĐÌU HIU

Toàn tỉnh Tiền Giang có 39 thư viện và 97 phòng đọc sách cấp xã. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hoạt động của các thư viện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của nhân dân.

Chúng tôi đến phòng đọc của Thư viện tỉnh Tiền Giang đầu giờ chiều của những ngày giữa tháng 8, thấy vẫn còn nhiều bạn đọc, mỗi người một góc, đa phần là các bạn học sinh, sinh viên, thỉnh thoảng có nhiều cô chú lớn tuổi. Phòng đọc của Thư viện tỉnh khá khang trang, thoáng mát.

Chú Nguyễn Thanh Hùng, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho, một cán bộ về hưu chia sẻ: “Mỗi tuần, nếu không bận công việc thì hầu như ngày nào tôi cũng ghé thư viện tìm đọc sách, báo, đây là thói quen của tôi trong rất nhiều năm qua. Ở nhà, tôi cũng có một tủ sách riêng. Tôi thích tìm hiểu về sách văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam thời hiện đại. Tôi cũng có thói quen là ghi lại những gì mà mình đọc được vào quyển sổ tay để làm tư liệu”.

Chương trình “Hè vui đọc sách phát triển kỹ năng” do Thư viện tỉnh Tiền Giang tổ chức phục vụ học sinh, sinh viên và trẻ em trong các dịp hè.                Ảnh: H.L
Chương trình “Hè vui đọc sách phát triển kỹ năng” do Thư viện tỉnh Tiền Giang tổ chức phục vụ học sinh, sinh viên và trẻ em trong các dịp hè. Ảnh: H.L

Còn với em Trần Mỹ Duyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho cho biết: “Không giống như nhiều lời đồn thư viện hiện nay vắng vẻ, em thấy có rất nhiều bạn tìm đến đây để đọc sách. Những ngày nghỉ hè như hiện nay, em và nhóm bạn của mình thường tìm đến đây để tìm kiếm đọc những quyển sách mới cho mình từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày. Còn những ngày đi học, tụi em cũng thường đến đây, mượn sách nghiên cứu. Nếu sách nào ở thư viện không có thì em mới đi nhà sách để mua”.

Theo thống kê, trong năm 2022, hệ thống thư viện huyện và các phòng đọc cơ sở đã tiếp được trên 136 ngàn lượt bạn đọc với trên 373 ngàn lượt sách, báo lưu hành. Còn trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống thư viện của các địa phương đã tiếp trên 133 ngàn lượt bạn đọc với trên 284 ngàn lượt sách, báo lưu hành. Tổng số sách trong thư viện huyện hiện nay là trên 252 ngàn bản và 164 loại báo, tạp chí.

ĐỂ THU HÚT NHIỀU BẠN ĐỌC HƠN

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều thư viện cấp huyện có vốn tài liệu rất ít, kinh phí mua sách, báo không ổn định. Hình thức hoạt động đơn điệu, kém hiệu quả do chưa thu hút được bạn đọc cũng như sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, đa số các phòng đọc sách ở cơ sở thiếu cán bộ hoặc chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thư viện công cộng, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cao của bạn đọc trong giai đoạn hiện nay.

Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Tiền Giang Võ Nam Phước, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thư viện tỉnh đã phấn đấu, nỗ lực đạt được nhiều kết quả đề ra. Theo đó, hệ thống thư viện tỉnh đã phục vụ trên 73 ngàn lượt bạn đọc, tăng trên 66% so với cùng kỳ, với trên 152 ngàn lượt sách, báo lưu hành. Thư viện tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội Báo Xuân quý Mão năm 2023, tổ chức trưng bày, giới thiệu sách tại đơn vị theo từng chủ đề; phối hợp tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, thư viện tỉnh cũng đã hỗ trợ luân chuyển và trưng bày trên 10 ngàn bản sách đến với các phòng đọc cơ sở, thư viện xã và các đơn vị khác…

Bên cạnh đó, hệ thống thư viện ứng dụng công nghệ thông tin tại thư viện đến nay vẫn chưa được phê duyệt, nên hiện tại thư viện vẫn phải sử dụng phần mềm cũ do cán bộ thư viện viết, dẫn tới nhiều hạn chế trong quá trình triển khai công việc. Có thể thấy, hệ thống thư viện công cộng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động.

Thấy được những yêu cầu cấp thiết trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, có nhiều nội dung quan trọng trong đề án là mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. Ngoài ra, theo đề án này thì 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

Thư viện Trường Đại học Tiền Giang được đầu tư khang trang, hiện đại.
Thư viện Trường Đại học Tiền Giang được đầu tư khang trang, hiện đại.

Tại tỉnh Tiền Giang, Thư viện Trường Đại học Tiền Giang được đánh giá là một trong những thư viện hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện. Theo đó, Thư viện Trường Đại học Tiền Giang khởi công xây dựng đầu năm 2018 có mức đầu tư trên 58 tỷ đồng. Thư viện trường được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng cơ sở, kết nối hệ thống mạng, trang bị máy móc thiết bị hiện đại. Thư viện số có nguồn tài liệu đa dạng, phong phú và liên kết được với nhiều thư viện số của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; Cơ sở dữ liệu OECD iLibrary và Cơ sở dữ liệu tạp chí chuyên ngành Khoa học và Công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu tài liệu của giáo viên và sinh viên có thể tìm đọc trực tuyến, phục vụ cho mục đích giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Trong thời gian tới, hoạt động của thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào một số công việc trọng tâm như sau: Tập trung bổ sung vốn tài liệu, đảm bảo chất lượng phù hợp với nhu cầu bạn đọc. Mở rộng đối tượng phục vụ bằng nhiều hình thức như: Đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, phục vụ lưu động thông qua đưa sách đến với các cơ sở giáo dục. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện dự án theo Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục hiệu chỉnh các cơ sở dữ liệu đã tạo lập, cải tạo quy trình nghiệp vụ, đăng ký sách, nhập sách. Tiếp tục tăng cường luân chuyển sách mới về cơ sở, triển khai bổ sung và đưa sách tài trợ của chương trình mục tiêu về các thư viện huyện khi nhận được kế hoạch ...

V. PHƯƠNG

.
.
.