Thứ Năm, 03/08/2023, 08:56 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Gìn giữ, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa

Châu Thành là một trong những địa phương của tỉnh Tiền Giang có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời và có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Thời gian qua, huyện Châu Thành đã có nhiều nỗ lực, quan tâm đầu tư, cải tạo và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống lịch sử của địa phương.

Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút hằng năm thu hút số lượng lớn khách tham quan.
Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút hằng năm thu hút số lượng lớn khách tham quan.

Qua thống kê, hiện toàn huyện có 34 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, 2 Di tích cấp quốc gia là Đình Long Hưng tại xã Long Hưng và “Tượng đài căm thù” tại xã Vĩnh Kim, còn lại là 31 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Trong nhiều năm qua, huyện Châu Thành đã rất quan tâm đến công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đây được xem là “bệ đỡ” để phát triển du lịch cho địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành. 

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành, đứng trước những yêu cầu cấp thiết về việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn huyện.

Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện Châu Thành được thực hiện theo đúng quy định, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích được nỗ lực thực hiện đảm bảo cho sự tồn tại và giữ được tính nguyên gốc của di tích. Từ nguồn kinh phí của địa phương, các di tích đã kịp thời được tu bổ, khắc phục cơ bản tình trạng xuống cấp, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch của người dân địa phương cũng như khách du lịch.

Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành là di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, ghi dấu chiến công hiển hách của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược năm 1785.

Những năm qua, khu di tích này được quan tâm đầu tư, tu bổ khang trang. Mỗi năm, khu di tích này đón khoảng 40 đến 50 ngàn lượt khách đến tham quan, nhất là học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Hiện tại, ngành chức năng đang lập đề án mở rộng thêm khoảng 1 ha để phục vụ cho việc đón khách tham quan, du lịch.

Trong năm 2022 vừa qua, trước thực trạng cần đánh giá chính xác các di tích, các ngành chức năng của huyện Châu Thành đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng của các di tích đã được xếp hạng, từ đó đưa ra phương hướng bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích trên địa bàn huyện, góp phần bổ sung dữ liệu của ngành Văn hóa - Thông tin trong việc quản lý di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay trong công tác bảo vệ di tích mà huyện đang gặp phải đó là thiếu đội ngũ chuyên môn làm công tác quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành Đặng Văn Hiệp, trong thời gian tới, công tác trùng tu, phát huy các giá trị của các di tích sẽ tập trung một số nội dung như: Tham gia và phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di tích lịch sử, văn hóa cho cán bộ công chức và người quản lý di tích tại địa phương; dự trù đảm bảo một phần kinh phí phục vụ cho công tác sửa chữa, tu bổ hằng năm đối với các di tích đã xuống cấp; tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong công tác sửa chữa, tôn tạo di tích, đảm bảo lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy tiềm năng, hiệu quả của di tích là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, lâu dài, không riêng gì của  ngành Văn hóa mà cần sự vào cuộc, chung tay của các ngành, các cấp, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân.

V. PHƯƠNG

 

.
.
.