Lan tỏa phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến trong xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) và là nền tảng hình thành con người văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với các ban, ngành, đơn vị và địa phương của tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng GĐVH. Đây là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” - phong trào quần chúng rộng lớn nhằm đưa yếu tố văn hóa vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp xây dựng con người văn hóa và cộng đồng văn hóa. Trong đó, xây dựng GĐVH được xác định là một nội dung nòng cốt và luôn được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, dành nguồn lực để triển khai thực hiện, tạo sự lan tỏa sâu rộng đến từng gia đình và cộng đồng dân cư.
TẠO SỰ LAN TỎA
Theo đó, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt ở địa phương để tuyên truyền cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa việc xây dựng GĐVH.
Sở VHTT&DL tổ chức treo băng rôn, pa nô, áp phích mỗi năm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6... nhằm thu hút sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân về việc xây dựng GĐVH, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình.
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang tặng quà các GĐVH tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Thu Hoài |
Tổ chức phân phối sổ tay, tài liệu về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đồng thời, xây dựng và duy trì Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” tại các khu phố, ấp trong tỉnh; triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…
Với nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, người dân đã tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng GĐVH, nỗ lực phát triển kinh tế ổn định đời sống, góp phần từng bước hình thành việc xây dựng GĐVH trong cộng đồng dân cư. Từ đó, đã nhân rộng những điển hình gia đình nền nếp, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo. Các thành viên nỗ lực vun đắp, chung tay dựng xây nếp nhà hòa thuận, yên ấm.
Đặc biệt, ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng GĐVH được thể hiện rõ nét qua nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc nhằm giữ vững danh hiệu GĐVH hằng năm. Thông qua việc phát động phong trào xây dựng GĐVH hằng năm, tỉnh có hơn 98% gia đình đăng ký xây dựng GĐVH; qua bình xét, tỷ lệ GĐVH đạt hơn 95% số hộ đăng ký.
Được tuyên dương gia đình trẻ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với anh Nguyễn Văn Hoài Thanh và chị Huỳnh Thị Mỹ Thi (khu phố Bình Hưng, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy), hạnh phúc nằm ở từ khóa “biết nhường nhịn, chia sẻ đúng lúc”. Chị Thi hiện là giáo viên, anh Thanh tham gia công tác Đoàn, vợ chồng anh chị luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để hạnh phúc luôn ở lại trong mái ấm của mình, vợ chồng anh Thanh - chị Thi luôn sắp xếp thời gian dành cho công việc và chăm sóc gia đình, dung hòa mối quan hệ giữa các thế hệ. “Vợ chồng tôi đều thống nhất với nhau, gia đình là nơi để nói lời yêu thương, không phải là nơi phân biệt đúng sai. Chúng tôi luôn suy nghĩ tích cực, cùng nhau xây dựng, vun đắp tình yêu thương trong gia đình của mình”, anh Thanh bộc bạch.
Sự lan tỏa và những đóng góp tích cực của các gia đình từ phong trào xây dựng GĐVH đã hình thành nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Nhằm biểu dương những đóng góp của các GĐVH, hằng năm, từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã trong tỉnh đều tổ chức họp mặt biểu dương, khen thưởng các GĐVH tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Việc tổ chức họp mặt, biểu dương nhằm khích lệ tinh thần các hộ GĐVH tiêu biểu, từng bước lan tỏa việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phát triển đến người dân trong tỉnh.
HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU CAO HƠN
Mặc dù đã tạo sự lan tỏa nhưng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phong trào xây dựng GĐVH nói riêng, ở một số địa phương của tỉnh chưa thực sự bền vững, chưa đi vào chiều sâu. Tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các thành viên cũng như tác động tiêu cực đến các giá trị truyền thống của gia đình...
Nghị quyết 33 ngày 9-6-2024, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Như vậy, để hình thành con người văn hóa cần xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Muốn vậy, trong xây dựng GĐVH hiện nay, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế, thiết nghĩ cần hướng phong trào đi vào chiều sâu hay hướng đến những mục tiêu cao hơn. Đó là hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Chú trọng nâng cao thể lực, tầm vóc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người...
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, công tác gia đình cũng đang đứng trước nhiều thách thức không hề nhỏ.
Đó là sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại trong gia đình; tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên dẫn đến gia đình thiếu ổn định, bền vững; tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, xâm hại trẻ em, bất bình đẳng giới...
Chính vì lẽ đó, bản thân gia đình cần có được “tấm lá chắn” - từ các quy định của pháp luật, từ cơ chế, chính sách có liên quan và từ chính trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội - để tự bảo vệ mình trước các yếu tố nguy cơ, hay giảm các yếu tố rủi ro.
HỮU NGHỊ