.

Thới Sơn - "Viên ngọc" của sông nước Tiền Giang

Cập nhật: 13:27, 09/08/2023 (GMT+7)

Nằm trên dòng sông Tiền thơ mộng, hình thành từ khoảng thế kỷ XVIII, được tạo hóa, thiên nhiên sông nước ưu ái ban tặng, cù lao Thới Sơn (thuộc xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được mệnh danh “viên ngọc quý” của vùng đất miệt vườn Tiền Giang. Từ một làng Thới Sơn hoang sơ năm nào, giờ đây xã Thới Sơn đã vươn mình phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

DẤU ẤN HƠN 300 NĂM

Theo những bậc cao niên trên vùng đất Thới Sơn ngày nay, cù lao Thới Sơn hay còn có tên gọi khác là cồn Thới Sơn hay cồn Lân. Cùng với cồn Long, cồn Qui và cồn Phụng được mệnh danh “tứ linh” nổi tiếng trên sông Tiền. Với tổng diện tích khoảng 1.200 ha cộng với hệ thống kinh mương chằng chịt, cồn Thới Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình và nhiều vườn cây ăn trái trù phú.

Du khách ngồi đò chèo tham quan, du lịch  cù lao Thới Sơn. Ảnh: Cao Lập Đức
Du khách ngồi đò chèo tham quan, du lịch cù lao Thới Sơn. Ảnh: Cao Lập Đức

Theo nhiều tài liệu ghi lại, vào thời nhà Nguyễn, toàn bộ cù lao thuộc thôn Thới Sơn, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 và đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ năm 1862, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh Định Tường cùng hệ thống hành chính cũ thời nhà Nguyễn; đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Thôn Thới Sơn lúc này thuộc hạt Thanh tra Mỹ Tho. Ngày 5 -1-1876, hạt Thanh tra Mỹ Tho đổi thành hạt tham biện Mỹ Tho, từ đó thôn đổi thành làng.

Đầu năm 1900, tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Đông Dương đều thống nhất gọi là “tỉnh”, trong đó tại Nam kỳ có tỉnh Mỹ Tho. Làng Thới Sơn thuộc tổng Thuận Trị, tỉnh Mỹ Tho. Cho đến năm 1912, làng Thới Sơn thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã; đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng thống nhất dùng danh xưng là xã. Lúc này, Thới Sơn là xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt xã Thới Sơn thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Đến năm 1960, quận Châu Thành đổi tên thành quận Long Định. Lúc này, xã Thới Sơn thuộc quận Long Định, tỉnh Định Tường. Đến năm 1964, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia quận Long Định thành quận Châu Thành và quận Long Định. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Khi đó, xã Thới Sơn trở lại thuộc quận Châu Thành, tỉnh Định Tường cho đến năm 1975.

Lý giải về tên gọi Thới Sơn, theo lời của ông Nguyễn Văn Đàng, một cán bộ lão thành cách mạng, từng là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Xã Thới Sơn thì đất cồn phù sa ở khu vực này màu mỡ, cây cối nhanh đâm chồi, nẩy lộc, trở thành một vùng đất trù phú. Đứng bên này sông Tiền nhìn sang mảnh đất cù lao xanh mướt, cuộc sống thanh bình, no ấm, hạnh phúc nên mới đặt tên gọi là cồn Thái Sơn. Sau này người dân đọc Thái Sơn thành Thới Sơn và tên cồn Thới Sơn tồn tại cho đến ngày nay.

Tháng 2-1976, xã Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ngày 26-9-2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 28 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính TP. Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành về TP. Mỹ Tho quản lý.

Hơn 300 năm hình thành, phát triển, vùng đất Thới Sơn đã từng chứng kiến nhiều chiến tích oai hùng của cha ông ta trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong đó, tiêu biểu, mùa xuân năm 1785, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã có trận thủy chiến trên đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Mút, đánh tan 5 vạn quân Xiêm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, Thới Sơn là một trong những căn cứ cách mạng, ghi dấu với thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm.

THỚI SƠN HÔM NAY

Tận dụng những lợi thế từ thiên nhiên ưu đãi, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông đi trước, ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, nhân dân xã Thới Sơn đã ra sức thi đua, sản xuất, lập nhiều thành tích đáng tự hào. Năm 2019, bằng tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức, Thới Sơn đã xây dựng thành công xã nông thôn mới. Trên lĩnh vực nông nghiệp, xã đã tập trung phát triển nông thôn toàn diện, đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… đời sống của người dân được nâng cao.

Khách du lịch tham quan cù lao Thới Sơn bằng xe ngựa.
Khách du lịch tham quan cù lao Thới Sơn bằng xe ngựa.

Du lịch là một trong những thế mạnh của xã, Khu du lịch Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp Quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy mà thời gian qua, xã Thới Sơn đã nỗ lực khôi phục và phát triển các cụm điểm du lịch, chú trọng việc ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch; tiếp tục đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, cống, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển các loại hình mua sắm, ăn uống …

Bà Nguyễn Thị Hai, một người dân sinh sống tại xã Thới Sơn cho biết: “Nhờ có cầu Rạch Miễu đã giúp Thới Sơn “thay da đổi thịt” từng ngày, không còn là ốc đảo. So với những năm trước đây, Thới Sơn đã đổi thay rất nhiều, đời sống của người dân cũng khấm khá nhờ làm du lịch, cũng như làm kinh tế nông nghiệp”.

Thật vậy, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Thới Sơn tiếp tục đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Theo đó, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hầu hết các lĩnh vực đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 60,08 triệu đồng. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đạt mức 8,14% so với kế hoạch đề ra năm 2023. Công tác xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đang được thực hiện theo tiến độ đề ra. Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại xã quyết tâm thực hiện hoàn thành trong năm 2023.

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Phương Thủy, trong những tháng còn lại của năm 2023, xã Thới Sơn sẽ tập trung phát triển nông thôn toàn diện, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển ngành nghề để nâng cao đời sống nhân dân. Khôi phục và phát triển các cụm, điểm du lịch, chú trọng việc ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch. Tập trung tuyên truyền, thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch, lộ trình để đạt trong năm 2023...

V. PHƯƠNG

.
.
.