Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể chuyện hậu trường "Dòng sông kể chuyện"
Số người tham gia quá đông, thời gian chuẩn bị quá ngắn, con nước thay đổi liên tục, thời tiết thất thường là những gì mà ê-kip phải đối diện khi thực hiện chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”.
Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”. (Ảnh: Ban tổ chức) |
“Dòng sông kể chuyện” là chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần I năm 2023 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành thực hiện.
Chương trình gồm 5 chương, dài 90 phút, đồ sộ và nặng nhất trong sự nghiệp của Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đến nay về mọi mặt, từ nội dung, hình thức thể hiện đến các công nghệ kỹ thuật… Chương trình đã đưa người xem chìm đắm vào lịch sử, văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh bằng mọi giác quan, cảm xúc. Nhiều phần trình diễn được cho là hùng tráng, diễm lệ đến xúc động.
Màn trình diễn mãn nhãn của ánh sáng. |
"Dòng sông kể chuyện" có sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng chính là cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cư dân làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long… Tổng biên đạo - NSƯT Thanh Hằng đã dày công dàn dựng những màn vũ đạo hoành tráng, sống động, tự nhiên và hấp dẫn...
Chương trình có cả sự tham gia của người dân thành phố. |
Chương trình là một bức tranh liên hoàn đan kết bởi các loại hình văn hóa, nghệ thuật giải trí, từ dân gian đến đương đại, múa, xiếc, âm nhạc… cùng công nghệ trình diễn tối tân.
Những nét văn hóa truyền thống được thể hiện trong chương trình. |
Âm nhạc, vũ đạo, những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại bao gồm nghệ thuật chiếu sáng 3D trên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước trên mặt sông; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu và sử dụng hệ thống đèn lazer công suất lớn, chi tiết theo từng tiết mục; trình diễn flyboard, droneshow và pháo hoa... được kết hợp hài hòa, hấp dẫn khiến khán giả không thể rời mắt.
Những người làm chương trình mất rất nhiều ngày đêm chuẩn bị để đem đến cho khán giả một "bữa tiệc" của mọi giác quan.
Con tàu Elisa xuất hiện tại Cảng. |
Nhiều phần trình diễn lộng lẫy khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng và trầm trồ như khi con tàu Elisa - con tàu cổ nhất tại Cảng Sài Gòn bất ngờ xuất hiện, từ từ đi ngang qua sân khấu cùng hàng trăm du khách trên thuyền mặc trang phục rực rỡ vẫy chào làm người xem nhớ đến thương cảng Sài Gòn hoa lệ một thời.
Hình ảnh dòng sông Sài Gòn đẹp lung linh trong ánh sáng của chương trình. |
Để có chương trình thành công để lại ấn tượng trong lòng khán giả, du khách là công sức của hàng nghìn người trong ê-kíp, nghệ sĩ, diễn viên… Tổng đạo diễn Lê Hải Yến xúc động chia sẻ: “Có một số yếu tố khách quan nằm ngoài dự tính, nhưng thực sự hôm nay chương trình lung linh hơn tất cả bởi tất cả mọi người đã cùng đồng lòng, tâm huyết. Ê-kíp đã cố gắng tới 200% sức lực, và khán giả thì quá tuyệt vời”.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến |
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng đã tiết lộ về những khó khăn chồng chất, “không kể xiết” để thực hiện được show diễn hoành tráng và công phu, mãn nhãn như vậy với sân khấu trên sông Sài Gòn và khu vực bến cảng.
“Chúng tôi đã từng có lúc vô cùng bối rối vì thời gian thực hiện quá gấp, chỉ trong vòng 1 tháng với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng diễn viên vô cùng lớn là hơn 700 diễn viên. Trong khoảng thời gian 15 ngày, chúng tôi làm việc với cường độ cao liên tục, gần như không có thời gian để ngồi tĩnh tâm hay ngơi nghỉ. Cứ sản xuất, luyện tập, xử lý các vấn đề, điều chỉnh… Thứ hai là yếu tố thời tiết, chúng tôi quá vất vả trong quá trình luyện tập vì Thành phố Hồ Chí Minh đang mùa mưa. Mưa liên tục, diễn viên, ekip gặp mưa, chịu ướt, lạnh hàng ngày nhưng không ai được ốm” - nữ đạo diễn chia sẻ.
Hình ảnh Nhà hát Thành phố được tạo dựng trên sân khấu nước. |
Yếu tố con nước của sông Sài Gòn cũng làm cho ê-kíp thực hiện khá đau đầu. Cho dù là chuyên gia giỏi nhất về mặt đường thủy cũng gặp khó khăn trước con nước có tiếng là đỏng đảnh này. Trong cả chục ngày set-up trước khi diễn ra sự kiện, con nước chưa khi nào ổn định với 1 ngày 2 lần nước lên xuống, lượng bèo lục bình trôi quá nhiều, thậm chí có những ngày nước xiết không thể tập nổi.
Nữ đạo diễn kể lại: “Có những hôm đúng lúc tổng duyệt thì hệ thống nhạc nước bị gãy, không thực hiện được kỹ thuật. Có những khi tập flyboard không được vì bèo nhiều quá. Mỗi ngày chúng tôi đều phải căn sân khấu một lần vì lệch tâm do nước xiết, dù sà lan làm sân khấu đã dùng những mỏ neo trọng tải mấy chục tấn vẫn không đủ cố định, độ xoay, xê dịch của nó rất cao. Rồi diễn viên bị áp lực tập căng thẳng ngày đêm, tập dưới mưa...rất vất vả, nhiều người chịu không nổi”.
Chương trình có sự tham gia của hơn 700 diễn viên. |
Ngoài ra, 30 chiếc tàu du lịch được huy động cho các phần biểu diễn, diễu hành trong chương trình có giờ chạy khác nhau, rất khó để tập hợp, liên kết; bà con chèo xuồng ở dưới sông cũng không thể tập quá lâu... “Khó khăn dồn dập khiến chúng tôi rất áp lực. Để có được một đêm diễn trọn vẹn là một kỳ tích, có được nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, của Sở Du lịch, nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả những người tham gia chương trình, và còn nhờ sự ủng hộ của thời tiết” - đạo diễn Lê Hải Yến bộc bạch.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tại hiện trường. |
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến bày tỏ: “Thành phố này đẹp, trở nên phồn vinh, thịnh vượng bởi vì có những con người tuyệt vời đã tạo ra điều đó. Chúng tôi muốn khán giả thấy tự hào bởi họ đang được kế thừa một di sản vô hình tuyệt vời, đó chính là bản tính, đặc trưng tính cách có trong những con người của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay: bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, luôn sở hữu một nguồn năng lượng tích cực, nghĩa tình, hào sảng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn tiên phong trong sáng tạo…”.
(Theo nhandan.vn)