Thứ Bảy, 09/09/2023, 13:56 (GMT+7)
.

Đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách nhà nước

Nhiều năm qua, phần lớn các bộ phim được Nhà nước đầu tư đều có chất lượng thấp, ảm đạm doanh thu tại các phòng vé. Vì thế, đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách nhà nước là yêu cầu cần thiết nhằm tạo đột phá cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Cảnh trong phim “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” . (Ảnh: vnexpress.net)
Cảnh trong phim “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” . (Ảnh: vnexpress.net)

Những năm qua, hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách đều được giao cho hãng phim nhà nước (đã cổ phần hóa). Tuy nhiên, trong số các phim Nhà nước đặt hàng, tài trợ sản xuất, mới chỉ có "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do Victor Vũ đạo diễn chinh phục được khán giả và tạo nên "cơn sốt" tại các phòng vé. Bộ phim có nguồn tài trợ chính từ Nhà nước, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là chủ đầu tư, đã hợp tác với Galaxy Media & Entertainment, Saigon Concert, Hãng Phim Phương Nam để làm phim. Tác phẩm điện ảnh này được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh về đề tài trẻ em nên phù hợp với tiêu chí được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ. Bộ phim đã lập kỷ lục doanh thu gần 80 tỷ đồng chỉ sau một tháng công chiếu.

Ngoài thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì không ít bộ phim do hãng phim nhà nước sản xuất đầu tư kinh phí lớn nhưng doanh thu khá khiêm tốn. Những bộ phim âm thầm sản xuất, công chiếu ít buổi, rồi lại cất trong kho mà không có hiệu ứng nào từ dư luận xã hội.

Dù được đẩy mạnh quảng bá, tạo dư luận qua giải thưởng Cánh diều nhưng phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" về đề tài chiến tranh cách mạng của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ; hay phim “Thạch thảo” về chủ đề học đường được Nhà nước đầu tư 70% kinh phí sản xuất nhưng doanh thu không được như kỳ vọng. Hai phim ra rạp chỉ đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng, trong khi kinh phí sản xuất tiêu tốn 15-18 tỷ đồng. Năm 2022, bộ phim về đề tài trẻ em “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” được ra mắt cũng nhận kết quả đáng thất vọng khi chỉ đạt tổng doanh thu là trên 6 tỷ đồng khi kinh phí đầu tư lên tới 30 tỷ đồng.

Trước đây, các phim khác được làm từ vốn đầu tư của Nhà nước như “Nơi ta không thuộc về” (Điện ảnh Quân đội nhân dân), “Bình minh đỏ” (Hãng Phim Hội Điện ảnh Việt Nam) mới chỉ được chọn chiếu tuyên truyền trong các liên hoan phim, dịp kỷ niệm, chưa chiếu rạp cạnh tranh. Cùng với đó, nhiều phim do Nhà nước đặt hàng như “Sống cùng lịch sử” (Hãng Phim truyện Việt Nam), “Hợp đồng bán mình” (Hãng Phim Giải Phóng), “Mộ gió” (Hãng Phim Nhã Phương)… ra rạp khá lặng lẽ, chất lượng chưa cao, không thuyết phục người xem.

Từ những thất bại liên tiếp của loạt phim kể trên, có thể thấy rằng chất lượng của các bộ phim được Nhà nước đầu tư, đặt hàng còn thấp. Không hiếm bộ phim được Nhà nước tài trợ chỉ quẩn quanh với nội dung cũ kỹ, đề tài hạn hẹp, thiếu sự hấp dẫn, đột phá, mặc định cho các hãng phim nhà nước. Cùng với đó, các đạo diễn cho rằng, khó khăn khi làm phim theo đơn đặt hàng, đó là làm sao phải vừa đạt các tiêu chí quy định, tiêu chuẩn về tính giáo dục, giải trí, tính dân tộc. Chính vì vậy, đã đến lúc cần đổi mới cơ chế đặt hàng, tài trợ phim bằng ngân sách nhà nước để có những bước đột phá, góp phần vào nhiệm vụ phát triển nền công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Với kinh nghiệm làm phim nhiều năm liền, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hàng năm tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt hàng một vài đơn vị từng thuộc Nhà nước làm phim sẽ rất hạn chế, cục bộ. Các cơ quan quản lý nên tổ chức thi rộng rãi, chọn kịch bản, người làm phim tốt để đặt hàng. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư kinh phí làm phim, Nhà nước còn phải quan tâm cả khâu phát hành. “Một bộ phim được làm ra có thể rất hay, nhưng nếu không được phát hành tốt, không được quảng bá rộng rãi, không đưa được giá trị nghệ thuật đến với đông đảo công chúng thì cũng không thể gọi là thành công” - NSND Đặng Nhật Minh nhận định.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đỗ Duy Anh cho rằng, phim sử dụng nguồn lực của Nhà nước cần đa dạng, mở rộng đề tài, không chỉ về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, mà cần đầu tư cả những phim về vấn đề đang được xã hội quan tâm, vừa mang tính giải trí vừa bảo đảm tính dân tộc, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia, nếu muốn phim đặt hàng, tài trợ bằng ngân sách nhà nước có hiệu quả cần có sự hợp tác với các hãng phát hành lớn, bởi những hãng phát hành này biết rõ về thị trường, biết khán giả đang cần gì để có kịch bản cân bằng giữa đề tài đúng khung quy định được đặt hàng, tài trợ và yếu tố thương mại.

Từ nhu cầu thực tiễn, Cục Điện ảnh đã thông báo tới các cơ sở điện ảnh trong cả nước về các nhóm đề tài kịch bản tham dự tuyển chọn sản xuất phim truyện, phim tài liệu, khoa học, phim hoạt hình sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2023-2025. Theo Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành, thời gian qua số lượng kịch bản gửi về tuyển chọn tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để lựa chọn những kịch bản tốt để đầu tư.

Để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh từng bước ngang tầm với khu vực và vươn ra thế giới là mong muốn của tất cả các ngành, các cấp. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn mong muốn và tìm mọi cách để đưa nền điện ảnh Việt Nam phát triển. Luật Điện ảnh năm 2022 thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023. Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Luật này đã thể hiện sự tiến bộ, có nhiều điểm mới so với Luật Điện ảnh trước đó và Luật Điện ảnh của nhiều nước trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, việc xây dựng chính sách triển khai Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua rất quan trọng, trong đó có vấn đề hợp tác công--tư, huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động sản xuất, phổ biến, phát hành, quảng bá, đào tạo nhân lực điện ảnh. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xúc tiến, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, tạo thêm được nhiều hướng đi để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới, góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

(Theo dangcongsan.vn)

 

 

.
.
.