Thứ Tư, 13/09/2023, 09:38 (GMT+7)
.

Khói bếp nhà quê

(ABO) Những đứa trẻ thời 4.0, được ba má sinh ra ở thành thị thì làm gì biết mùi khói bếp ra làm sao.

Còn những đứa nhỏ, mở mắt ra đã thấy ruộng vườn, gà qué, năm, sáu tuổi đầu đã biết nhóm bếp cho má nấu cơm. Những bữa sớm nắng vàng trải dài trước vạt sân, chúng còn biết ôm mớ bẹ dừa, vỏ dừa, củi nhãn trải phơi phụ má; còn biết thấy trời chuyển mây đen vần vũ là ba chân bốn cẳng ào ra sân gom củi mang vô nhà.

Ở quê, nhà giàu có hay nghèo khó đều có một cái chái bếp nhỏ ám khói đen sì, đôi ba ông bếp lò mặt mày lem luốc, mớ xoong nồi, mớ củi chất gọn gàng ở góc bếp.

Ở quê, mỗi nhà đều có một hoặc vài cự củi, củi dừa, củi nhãn, mớ gáo dừa khô… tận dụng những cành nhánh thừa thải, chặt gọn, phơi khô, xếp ngay ngắn ở chái hiên… Những ngày giỗ chạp hay tết nhất, con nít trong nhà được phân công ra cự củi ôm vô cho má; củi to để má nấu bánh, kho thịt, còn củi nhỏ để nấu nước, pha trà…

Ngày đó, được cô dạy bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), mình đã làm gì hiểu được hết ý nghĩa của nó. Giờ lâu lâu vô tình đọc lại, những ký ức tươi đẹp, ngọt ngào của một thời tuổi thơ bình yên lại ùa về.
 
Cuối tuần mình hay chở con gái nhỏ về quê ngoại, con chạy chơi lòng vòng, mẹ thì nhóm bếp phụ ngoại nấu cơm, lâu lâu gặp đám củi phơi chưa khô hay bị mắc mưa, nhóm bếp nấu nước là khói bay um nhà, khói luồn qua tia nắng sớm mai cuộn tròn bung xõa, đẹp vậy đó mà bạn nhỏ bụm miệng, bịt mũi chạy quanh nhà la bài hải, cay mắt quá mẹ ơi!

Bà ngoại thì tất tả ra thổi lại cho bếp cháy to lên để bớt khói, má nó thì ngồi chéo chân lặt rau, dòm nó nửa muốn chửi nửa thấy thương nó.

Nó thì làm sao hiểu được, má nó giờ xài bếp gas bật tanh tách chớ vẫn nhớ mùi vị khói bếp quê nhà.

Nó làm sao hiểu được chiều đi học về thấy má lui cui dưới bếp, mùi canh chua cá kho quyện tròn chung mùi khói bếp tạo thành mùi vị của hạnh phúc bình an. Nấu xong nếu có than nhiều má sẽ lùi cho mấy củ khoai để tối vừa ăn vừa coi vô tuyến.

Nó thì làm sao biết được thịt cá má nó bỏ vô lò nướng mà nó thường ăn thua xa bà ngoại nướng trên than hồng đậm mùi khói bếp nhà quê.

 

Những ngày tháng chín mưu ngâu, chiều chiều má sẽ nhóm bếp sớm hơn, nấu một ấm nước đầy để tắm cho đàn con nheo nhóc, má sẽ nấu một ấm nước mưa đổ vô bình thủy đợi ba đi thăm vườn về sẽ pha một bình trà ấm.

Cuộc sống hiện đại, giờ nhà nhà, người người đều sống trong tiện nghi bao quanh, nồi cơm bằng điện, bếp từ, bếp gas, lò nướng các thứ, chỉ cần ấn nút là chuyện bếp núc nhẹ tênh. Không phải mặt mũi lấm lem vì nhọ bếp mỗi khi loay hoay nấu nướng, không phải lấy hơi thổi phù phù để lửa cháy to hơn, bếp hiện đại ngăn nắp, sạch sẽ, thơm tho. Thế nhưng, những người quê, mà hơn hết là thế hệ của má, của ngoại, vẫn ưu ái sự giản đơn bình dị của bếp củi, của mùi khói bếp, mùi tro than...

Và kể cả những người ở thế hệ 8x như mình, thỉnh thoảng đi đâu đó xa quê, chỉ cần nhìn thấy xa xa chái bếp nhà ai khói bay lả tả trong ánh nắng ráng vàng buổi chiều tà, lòng lại thấy ấm áp lạ thường.

Con người, cuộc sống luôn vận động, luôn phát triển để vươn đến những điều tiện nghi, hiện đại. Nhưng có những thứ dù lớn lên bao nhiêu, già đi cỡ nào, bị cuộc đời bạc đãi đi chăng nữa nhưng hễ động đến ký ức tuổi thơ thì mọi thứ đều tươi nguyên đẹp đẽ.

TƯỜNG QUÂN

.
.
.