Thứ Tư, 06/09/2023, 08:45 (GMT+7)
.

Nhà bà Năm Dẹm - "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Ngôi nhà của bà Năm Dẹm thuộc địa phận ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm thị trấn Tân Hiệp khoảng 4 km. Ngôi nhà hiện nay do bà Dương Thị Kỷ, là cháu nội họ của ông Nguyễn Văn Dẹm đang sinh sống, là người trực tiếp thờ phụng, nhang khói hằng ngày cho ông bà Năm.

Nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) - nơi Xứ ủy Nam kỳ tổ chức Hội nghị mở rộng từ ngày 21  đến ngày 27-7-1940.
Nhà bà Lê Thị Lợi (Năm Dẹm) - nơi Xứ ủy Nam kỳ tổ chức Hội nghị mở rộng từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940.

Theo sử liệu, vùng đất Tân Hương thuộc dãy đất Ba Giồng, nay vẫn còn đó những câu hò mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Ba Giồng như:

“Thương em anh xuống Ba Giồng
Qua ga ông Táo, qua đình Tân Hương
Đình Tân Hương cát lầy trước mặt
Cảm thương nàng gánh nước rát chân”.

Ban đầu, ngôi nhà được cất theo kiều nhà chữ Đinh 3 căn, đây là kiểu nhà phổ biến của Nam bộ ngày xưa. Nhà có kích thước dài 13 m, rộng 8 m, mái lợp lá đưng, cột tròn làm bằng cây gỗ, đòn tay bằng tre, nền đất, cửa đơn sơ quay về hướng Nam. Chung quanh nhà có một rặng tre gai rất rậm rạp và chỉ có một lối vào rộng khoảng 2 m, toàn bộ ngôi nhà tọa lạc trên vuông đất khoảng 400 m2

Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, địch đã càn quét và đốt phá vùng này ác liệt, nhà ông bà Năm bị đốt cháy hoàn toàn. Sau đó, ông bà cất lại nhà cũng bằng tre và đưng rất đơn sơ. Năm 1989, UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định công nhận ngôi nhà ông bà Năm là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và được các cấp, các ngành đầu tư xây dựng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Lợi, thường gọi là bà Năm Dẹm hay mẹ Năm là người trực tiếp lo ăn, uống cho đại biểu về dự hội nghị. Mẹ có chồng và con đều là liệt sĩ. Với những đóng góp và sự mất mát của Mẹ trong cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ngày 31-1-1997, mẹ Lê Thị Lợi được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ngày nay, nhìn từ ngoài, căn nhà chữ Đinh truyền thống có 3 căn, khá khang trang, sạch sẽ, mái nhà lợp ngói, nền lót gạch tàu. Cửa chính quay về hướng Đông, trước nhà là con đường dal rộng khoảng 2 m. Bên phải sân nhà vẫn còn một cây vú sữa lâu năm, xung quanh sân có một số cây nhãn, vừa để ăn trái, vừa tạo cảnh quan và bóng mát cho ngôi nhà. Khoảng sân rộng khoảng 60 m2 là nơi tổ chức Lễ kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa vào ngày 23-11-1940 hằng năm.

Trong nhà đặt 3 bàn thờ: Gian giữa đặt bàn thờ Tổ quốc với ảnh chân dung Bác Hồ; bên phải từ ngoài vào là bàn thờ ông bà Năm; bên trái là bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Lợi. Trên vách tường nhà trưng bày nhiều hình ảnh như: Căn nhà cũ ngày xưa nơi diễn ra Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940, các Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập và bằng Tổ quốc ghi công của ông Năm Dẹm và Bằng truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng của bà Lê Thị Lợi (vợ ông Năm Dẹm)... Trong nhà có dựng bảng pano với nội dung về lịch sử truyền thống ngôi nhà.

Đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người dân Tân Hương một lòng theo Đảng. Tháng 4-1930, đồng chí Phạm Hùng, cán bộ của Tỉnh ủy Mỹ Tho trực tiếp tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại làng Tân Hương, đồng chí Nguyễn Văn Dẹm được bầu làm Bí thư. Chi bộ Tân Hương ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển.

Từ đó, nhà của đồng chí Năm Dẹm là nơi ăn ở, hội họp, chỉ đạo cách mạng của Chi bộ Tân Hương trong nhiều năm. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Năm Dẹm, các đảng viên được sự đùm bọc, che trở của quần chúng nhân dân, đã bảo đảm an toàn cho Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng tại nhà riêng của đồng chí Năm Dẹm ở làng Tân Hương, quận Châu Thành, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa vào ngày 23-11-1940.

Hội Nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng có 24 đại biểu của 19/21 tỉnh ở Nam kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng và đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy đến dự. Sau khi phân tích tình hình thế giới, trong nước, đánh giá tình hình lực lượng ta và địch, hội nghị đi đến kết luận một số nội dung quan trọng cho việc chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa.

Chọn lá cờ đỏ sao vàng do Tỉnh ủy Mỹ Tho thông qua làm cờ Mặt trận và cờ Chính phủ. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phan Văn Khỏe và Lê Văn Khương làm Thường vụ Xứ ủy. Hội nghị cử đồng chí Phan Đăng Lưu xin ý kiến Trung ương về cuộc khởi nghĩa.

Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, hội nghị đã bàn và quyết định những vấn đề quan trọng của cuộc khởi nghĩa; đồng thời, cho thấy sự đảm bảo tuyệt đối bí mật của hội nghị diễn ra trong hơn một tuần của nhân dân ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, mà nòng cốt là những đảng viên của chi bộ, nơi chỉ cách lộ Đông Dương (quốc lộ 1A hiện nay) và đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho chưa đầy 2 km.

Hằng năm vào ngày 23-11, tại di tích Nhà bà Năm Dẹm, UBND xã Tân Hương tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân trong ngoài xã đến dự. Bên cạnh đó, các đoàn học sinh, sinh viên thường xuyên đến tham quan, ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước của thế hệ cha ông đi trước.     

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.